Bước tới nội dung

Nho giáo/Quyển II/Thiên II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN II

MẠNH-TỬ

Phái đạo-đức của Tăng-tử ở nước Lỗ, truyền đến cuối thế-kỷ thứ IV, trước Tây-lịch kỷ-nguyên, thì có một nhà đại hiền-triết đem Nho giáo làm cho sáng rõ hơn trước. Nhà đại hiền-triết ấy là Mạnh Kha 孟 軻, tự là Dư 輿, người đất Châu 鄒, nay là huyện Châu, thuộc tỉnh Sơn-đông.

Cứ theo sách Mạnh-tử-phả, thì ông sinh vào ngày mồng 2, tháng tư, năm thứ tư đời vua Chu Liệt-vương (372 trước Tây-lịch) và mất vào ngày 15 tháng mười một, năm thứ hai-mươi-sáu, đời vua Chu Noãn-vương (289 trước Tây-lịch). Thuở ông lên ba tuổi, thì cha mất, nhờ có mẹ hiền dạy-dỗ, sau theo học về phái thầy Tử-Tư, hiểu được rõ cái đạo của Khổng-tử. Ông lại có tài hùng-biện, thường đi du-lịch nước Tề, nước Lương, nước Tống, nước Đằng, muốn đem cái đạo của thánh-nhân ra cứu đời, nhưng vì thuở ấy vua các nước chỉ lo việc chiến-tranh, không ai để ý đến việc nhân nghĩa. Sau đã gần già, ông thấy cái đạo không thi-hành được, ông về ở nhà cùng với môn-đệ là bọn Nhạc-chính Khắc 樂 正 克, Công-tôn Sửu 公 孫 丑 và Vạn Chương 萬 章 ghi chép những điều ông đã đối-đáp với vua các nước Chư-hầu, hoặc là với bọn môn-đệ của ông, cùng những lời ông phê-bình những sự chếch-lệch của các học-thuyết khác mà làm thành bảy thiên sách Mạnh-tử.

Nay xem sách ấy ta có thể thấy rõ cái đạo của ông, và thiết tưởng nên chia ra làm ba mục như sau này:

I. Tâm-học triết-lý

II. Chính-trị triết-lý

II. Tài-nghệ của Mạnh-tử.

I.TÂM-HỌC TRIẾT-LÝ

Tính thiện. — Cái học uyên-nguyên của Mạnh-tử là ở tâm-học, trước sau chú-trọng ở chữ tâm và chữ tính. Ông lý-hội được lời Khổng-tử nói ở thiên Hệ-từ trong kinh Dịch rằng: « Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện giã, thành chi giả tính giã, », ở sách Luận-ngữ rằng: « Tính tương cận giã, tập tương viễn giã », và ở sách Trung-dung rằng: « Thiên mạnh chi vị tính », mà biết rằng tuy Ngài không nói tính thiện hay tính ác, nhưng đã gọi tính là cái của Trời phú cho, thì tính tất là phải thiện. Đây ta phải hiểu rõ chữ tính của Khổng-giáo khác nghĩa chữ tính của người ta thường dùng. Người ta thường nói tính là nói gồm tất cả các nết tốt, nết xấu tự-nhiên ở trong tâm-thần của một vật nào, tức là nói cả cái toàn-thể sinh-hoạt của vật ấy. Khổng-giáo không hiểu như thế, cho tính là cái phần thiên-lý của Trời phú cho, có đủ nhân nghĩa lễ trí, tức là cái minh đức nói ở đầu sách Đại-học vậy. Mạnh-tử theo cái ý-chỉ ấy mà lập ra cái thuyết tính thiện.

Thuở ấy có người nói rằng: « Hữu tính thiện, hữu tính bất thiện 有 性 善,有 性 不 善: Có tính thiện, có tính bất thiện ». Có người nói rằng: « Tính khả dĩ vi thiện, khả dĩ vi bất thiện 性 可 以 爲 善,可 以 爲 不 善: Tính có thể làm thiện, có thể làm bất thiện ». Cáo-tử thì nói rằng: « Tính vô thiện, vô bất thiện 性 無 善,無 不 善: Tính không thiện, không bất thiện ». Nghĩa là tính không thiện không ác gì cả. Cáo-tử lại nói: « Sinh chi vị tính 生 之 謂 性: Sinh-hoạt ở đời là tính » và lại ví: « Tính do kỷ liễu giã, nghĩa do bôi quyền giã. Dĩ nhân tính vi nhân nghĩa, do dĩ kỷ liễu vi bôi quyền 性 猶 杞 柳 也,義 猶 杯 棬 也. 以 人 性 爲 仁 義,猶 以 杞 柳 爲 杯 棬: Tính như cây kỷ cây liễu, nghĩa như cái chén cái thìa, lấy tính người làm việc nhân việc nghĩa, cũng như lấy cây kỷ cây liễu làm cái chén cái thìa ». Cái cây mọc lên, lớn lên, theo lẽ tự-nhiên, rồi ta chặt cây lấy gỗ làm các thứ đồ dùng; dùng làm cái gì thì nó ra cái ấy, cũng như là tính thì cứ theo lẽ tự-nhiên mà sinh-trưởng, rồi bắt theo nhân nghĩa thì là nhân nghĩa, bắt theo bạc ác thì là bạc ác. Cáo-tử lại ví tính như nước: « Tính do thoan thủy giã, quyết chư đông phương, tắc đông lưu, quyết chư tây phương, tắc tây lưu 性 猶 湍 水 也,決 諸 東 方,則 東 流,決 諸 西 方,則 西 流: Tính như nước chảy, khiến chảy về phương đông, thì chảy về phương đông, khiến chảy về phương tây, thì chảy về phương tây ». Vậy tính không phân thiện hay bất thiện gì cả. (Cáo-tử, thượng).

Mạnh-tử phản-đối những ý-kiến ấy và nói rằng: « Nếu sinh-hoạt ở đời là tính, thì tính con chó cũng như tính con trâu, tính con trâu cũng như tính người hay sao? Nếu ví tính như cây kỷ cây liễu, nhân nghĩa như cái chén cái thìa, thì có chặt đẽo cây kỷ cây liễu mới làm được cái chén cái thìa, cũng như phải chặt đẽo người ta mới làm được việc nhân việc nghĩa. Như thế chẳng hại cho nhân nghĩa lắm ru? Nếu ví tính như nước, thì tuy nước không phân đông tây, nhưng có phân cao thấp không? Tính người ta làm lành như nước chảy xuống chỗ thấp vậy: Người không ai là không thiện, nước không lúc nào là không chảy xuống chỗ thấp. (Nhân tính chi thiện giã, do thủy chi tựu hạ giã: Nhân vô hữu bất thiện, thủy vô hữu bất hạ 人 性 之 善 也,猶 水 之 就 下 也:人 無 有 不 善,水 無 有 不 下). Giá có vẩy lên thì nước có thể té lên quá trán, ngăn lại thì có thể ở trên núi được. Đó là bị cái thế ép, chứ không phải là cái tính của nước. Tính người cũng vậy, có thể khiến làm điều bất thiện được ».

Ông giải rõ cái nghĩa tại sao mà nói là tính thiện: « Nãi nhược kỳ tình[1], tắc khả dĩ vi thiện hỹ, nãi sở vị thiện giã. Nhược phù vi bất thiện, phi tài chi tội giã 乃 若 其 情,則 可 以 爲 善 矣,乃 所 謂 善 也.若 夫 爲 不 善,非 才 之 罪 也: Cứ theo cái bản-năng của người ta, thì ai cũng có thể làm lành, cho nên mới nói là thiện. Nếu có làm điều bất-thiện là không phải cái tội ở cái bản-năng của người ta ». — « Người ta ai cũng có lòng trắc-ẩn, ai cũng có lòng tu-ố, ai cũng có lòng cung-kính, ai cũng có lòng thị-phi. Lòng trắc-ẩn là nhân, lòng tu-ố là nghĩa, lòng cung-kính là lễ, lòng thị-phi là trí. Nhân nghĩa lễ trí, không phải là ở ngoài mà đúc lên đâu, ta vốn có sẵn cả, chỉ vì không nghĩ đến mà thôi. Cho nên nói rằng: « Tìm thì thấy, bỏ thì mất ». Có người hay hơn hoặc dở hơn gấp hai, gấp năm, gấp số không kể được, đều là vì không biết dùng hết cái bản-năng của mình vậy. Năm được mùa, thì con em làm điều hay, năm mất mùa, thì con em làm điều bậy. Đó không phải Trời phú cho cái bản-năng khác nhau như thế, chỉ tại ta để cái tâm của ta hãm đắm vào vật-dục, cho nên mới hóa ra thế. Xem như gieo hạt lúa xuống đất rồi bón xới vào, hạt lúa cùng ở một chỗ, cùng gieo một lúc, mọc lên ngùn-ngụt, đến ngày hạ-chí, đông-chí, đều chín cả. Nếu có hạt tốt hạt xấu là tại màu đất, mưa móc và công việc người ta làm không đều. Phàm vật đồng loại, thì giống như nhau cả, sao đến người thì lại ngờ là không giống. Bậc thánh-nhân với ta cũng là đồng một loài như nhau. Bởi vậy Long-tử nói rằng: Không trông thấy chân người ta mà làm giày, thì biết là không làm cái sọt. Giày mà giống nhau, là vì chân người ta ai cũng thế cả.

« Miệng đối với vị ngon đều giống nhau, người sành ăn như Dịch Nha là người biết trước cái thích của miệng ta. Nếu khiến cái miệng của Dịch Nha đối với vị ngon mà lại không giống như mọi người, tựa như giống chó giống ngựa, không đồng loại với ta, thì sao đối với vị ngon thiên-hạ lại theo cái sành ăn của Dịch Nha? Đối với vị ngon mà thiên-hạ theo Dịch Nha, là vì cái miệng thiên-hạ thích vị ngon ai cũng như ai. Cái tai nghe cũng vậy. Như tiếng âm-nhạc thì ai cũng theo người giỏi đàn như Sư Khoáng. Vì rằng cái tai người ta ai cũng như ai. Cái mắt trông cũng vậy. Đẹp như Tử-Đô, thì thiên-hạ ai chẳng biết là đẹp. Người mà không biết Tử-Đô là đẹp, là người không có mắt. Bởi vậy cho nên nói rằng: Miệng đối với vị ngon, thì đều thích như nhau, tai đối với tiếng đàn hay, thì đều nghe như nhau, mắt đối với sắc đẹp, thì đều trông thấy như nhau. Thế mà có một cái tâm lại không giống nhau là cớ sao? Những cái mà tâm của người ta đều thích như nhau là những cái gì? Là cái lý, cái nghĩa. Thánh-nhân là bậc đã tìm được trước ta những cái mà tâm của ta đều thích. Cho nên lý và nghĩa làm cho thích cái tâm của ta, cũng như thịt giống thú ăn cỏ, ăn cám, làm cho thích miệng ta vậy.

« Xưa kia những cây ở trên núi Ngưu-sơn thường dườm-dà rất đẹp. Vì núi ấy ở vào cõi một nước lớn, rìu búa chặt mãi đi, thế thì những cây ấy có đẹp được nữa không? Những cây ấy đã bị chặt rồi, ngày đêm nghỉ ngơi, mưa móc tưới vào, lại đâm chồi ra. Song trâu dê lại đến phá hại, cho nên núi ấy mới trụi đi như ngày nay. Người ta thấy núi ấy trụi cả cây, bảo là núi ấy không mọc cây được. Há có phải là cái tính của núi như thế hay sao?

« Người ta dẫu thế nào mà lại không còn có cái bụng nhân nghĩa. Người nào để bỏ mất cái lương-tâm, thì cũng như lấy rìu búa mà chặt cây vậy. Cứ ngày ngày chặt phá đi, thì cây còn đẹp thế nào được nữa. Cái lương-tâm của người ta, ví như mầm cây, ngày đêm nghỉ ngơi và lại có cái khí yên lặng buổi sáng, thì lòng hiếu ố của mình cũng hơi gần như của mọi người. Song những việc làm trong ban ngày lại làm hư-hỏng đi, rồi cứ hỏng đi hỏng lại mãi, thì cái khí ban đêm không đủ mà giữ cho còn lại được. Đến khi cái khí ban đêm không giữ còn lại được nữa, thì người với cầm thú có xa gì. Người ta thấy giống như cầm thú, thì cho là không có cái bản-năng gì. Há có phải là bản tính của người ta như thế hay sao?

« Cho nên, nếu được cái nuôi, thì không có vật gì là không lớn lên; nếu mất cái nuôi, thì không có vật gì là không mất đi. Khổng-tử nói rằng: « Tháo tắc tồn, xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hương 操 則 存,舍 則 亡,出 入 無 時,莫 知 其 鄉: Giữ lấy thì còn, bỏ đi thì mất, ra vào không có thời, không biết ở nhất-định chỗ nào ». Đó là ngài nói cái lương-tâm của người ta vậy ». (Cáo-tử, thượng).

Nói rút lại là Mạnh-tử cho cái tính của Trời phú cho người ta là thiện. Nếu có thành ra bất thiện, là vì người ta không biết giữ lấy cái bản tâm, chứ cái nguồn gốc của tính là không thể không thiện được. Ông nói rằng: « Nhân giai hữu bất nhẫn nhân chi tâm 人 皆 有 不 忍 人 之 心: Người ta ai cũng có cái lòng thương người... Giá bất-thình-lình người ta trông thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng, thì ai cũng có lòng bồn-chồn thương-xót. Bồn-chồn thương-xót, không phải là vì trong bụng có ý muốn cầu thân với cha mẹ đứa trẻ ấy, không phải là vì muốn cho người làng xóm bè bạn khen, không phải là sợ người ta chê cười. Xem như thế, thì ai không có lòng trắc-ẩn, không phải là người; ai không có lòng tu-ố không phải là người; ai không có lòng từ-nhượng, không phải là người; ai không có lòng thị-phi, không phải là người. Lòng trắc-ẩn là cái mối của nhân, lòng tu-ố là cái mối của nghĩa, lòng từ-nhượng là cái mối của lễ, lòng thị-phi là cái mối của trí. Người ta có bốn mối ấy như có tứ thể vậy. Có bốn mối ấy mà tự bảo không sửa mình được, là tự mình hại mình vậy. Đã có bốn mối ấy ở trong mình mình, mà biết mở rộng ra cho thông, thì như lửa mới bắt đầu cháy, như suối mới bắt đầu chảy ». (Công-tôn Sửu thượng).

Đã nói ở trên rằng Mạnh-tử nói tính thiện là nói cái bản-nguyên tinh-thuần, tức là cái thiên-lý của Trời phú cho, chứ không phải là nói cái tính gồm cả tình-dục của Người ta.

Những nhà tâm-lý-học ngày nay xét cái tính của khí chất, cho nên mới nói cái tính của người ta có sẵn cả thiện đoan và ác đoan. Thiện đoan là lòng vị-tha bác-ái, lòng yêu sự hay, sự đẹp và sự thực; ác đoan là lòng vị-kỷ, lòng thị-dục v. v. Theo cái học ngày nay thì người thiện hay ác là tùy cái giáo-dục, cái tập-quán và cái hoàn-cảnh làm cho thiện đoan phát-triển ra, hay là ác đoan bành-trướng lên.

Cùng một chữ tính, song chữ tính của ta dùng có nghĩa khác. Nếu xét không kỹ, thì ta không hiểu rõ cái thuyết của Mạnh-tử vậy.

Tâm. — Mạnh-tử cho tính là cái bản-nguyên của Trời phú cho, tức là cái thiên-lý chí linh chí diệu. Bởi cái lý-tưởng ấy mà ông lập ra cái tâm-học triết-lý rất cao. Ông cho là người có tính ấy, tất là có tâm ấy. Tâm với tính là một vậy. Tâm là phần chủ-tể trong người ta. Hễ hiểu rõ cái tâm, thì ta biết rõ cái tính, biết rõ cái tính, thì biết rõ trời đất và vạn vật, tức là cách vật trí tri đó vậy. Ông nói rằng: « Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính giã. Tri kỳ tính tắc tri thiên hỹ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên giã. Yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh giã 盡 其 心 者,知 其 性 也.知 其 性,則 知 天 矣.存 其 心,養 其 性,所 以 事 天 也.殀 壽 不 貳,修 身 以 俟 之,所 以 立 命 也: Biết hết cái tâm của mình, là biết cái tính của mình vậy. Biết cái tính của mình là biết trời vậy. Giữ cho còn cái tâm của mình, nuôi cái tâm của mình, là để thờ Trời vậy. Yểu thọ không thay đổi, sửa mình mà đợi, là để lập mệnh vậy. » (Tận-tâm thượng)

Tâm là cái thần-minh có đủ mọi lý để ứng với vạn sự, tính là cái lý hoàn-toàn của tâm. Trời là nguồn gốc của lý ấy. Người ta có tâm ấy mà hiểu hết được cái toàn-thể của nó, đừng để cái tư-ý che lấp mất, thì ta biết rõ cái tính; biết rõ cái tính là biết rõ Trời vậy. Biết rõ tính là biết nhân với lễ là cái đức « nguyên » và đức « hanh » của Trời, nghĩa với trí là cái đức « lợi » và đức « trinh » của Trời. Biết rõ bốn đức ấy là đạt được cái diệu-dụng của Trời vậy.

Tâm là cái thần-minh của Trời, Trời cho ta cái tâm ấy để làm tâm, thì tâm của ta với Trời là một thể. Đó thực là cái đạo nhất-quán của Khổng-tử vậy.

Biết cái tâm của ta là Trời, giữ cái tâm cho ngay chính, nuôi cái tính cho hoàn-toàn sáng suốt, nhất động nhất tĩnh đều thuận cái thiên-lý tự-nhiên. Ấy là sự chân thực thờ Trời vậy.

Ta đã biết tính, biết Trời, thì ta chỉ chuyên nhất ở sự nuôi tính và sự sửa mình cho toàn cái của Trời đã phú cho ta, rồi cứ an vui mà đợi mệnh Trời, chứ không lấy sự thọ yểu mà hại cái bản-nguyên chí thiện. Ấy là cách lập mệnh vậy.

Lập mệnh là lập theo cái chính-mệnh, chứ không phải làm càn làm bậy mà gọi là lập mệnh. Mạnh-tử nói rằng: « Ở trong thiên-hạ không có việc gì là không có mệnh Trời, ta thuân mà theo cái chính. Người biết theo mệnh là người không đứng dưới cái tường sắp đổ. nhưng cố sức làm cho hết đạo mà chết, thế là chính mệnh. Người làm điều gian ác để đến nỗi gông cùm mà chết, không phải là chính mệnh. » Học để giữ lấy cái tâm nuôi lấy cái tính, biết rõ lẽ trời mà theo cái chính mệnh của mình, ấy là cái tinh-thần của Nho-giáo vậy.

Bởi cái học duy-tâm ấy, cho nên Mạnh-tử rất chú trọng sự tồn tâm, tồn tính, dưỡng khí và trì chí.

Tồn-tâm.— Người ta sở chủ có cái tâm. Vạn sự hay dở đều ở cái tâm cả. Vậy nên sự học của quân-tử cần phải tồn tâm, nghĩa là giữ cho còn cái bản tâm hư linh của mình. « Quân-tử sở dĩ dị ư nhân giả, dĩ kỳ tồn tâm giã. Quân-tử dĩ nhân tồn tâm, dĩ lễ tồn tâm 君 子 所 以 異 於 人 者,以 其 存 心 也.君 子 以 仁 存 心,以 禮 存 心: Quân-tử sở dĩ khác người ta là chỉ có sự giữ cho còn cái tâm mà thôi. Quân-tử lấy nhân mà giữ cho còn cái tâm, lấy lễ mà giữ cho còn cái tâm ». (Ly-Lâu, hạ). Giữ lấy cái tâm rồi nuôi nó lên cho càng ngày càng sáng suốt. Muốn nuôi cái tâm thì không gì bằng quả dục: « Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân giã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân giã đa dục, tuy hữu tồn yên giả, quả hỹ 養 心 莫 善 於 寡 欲.其 爲 人 也 寡 欲,雖 有 不 存 焉 者,寡 矣.其 爲 人 也 多 欲,雖 有 存 焉 者,寡 矣: Nuôi cái tâm thì không gì hay hơn quả dục. Làm người mà quả dục, thì tuy có người không giữ được cái tâm, nhưng ít lắm. Làm người mà đa dục, thì tuy có người giữ được cái tâm, nhưng cũng ít lắm ». (Tận-tâm, hạ).

Cái tâm của Mạnh-tử nói đây, là cái lương-tâm của người ta. Có lương-tâm thì mới biết điều nhân điều nghĩa, lễ phải lẽ trái. Có lương-tâm, là có lương-năng và lương-tri, tức là cái giỏi cái biết rất tự-nhiên, rất mẫn-tiệp. « Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương-năng giã; sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương-tri giã 人 之 所 不 學 而 能 者,其 良 能 也;所 不 慮 而 知 者,其 良 知 也: Người không học mà giỏi, là lương-năng; không suy nghĩ mà biết, là lương-tri ». Hãy xem như đứa trẻ-con ẵm trên tay, không đứa nào là không biết yêu cha mẹ nó. Đến lúc lớn lên, không đứa nào là không biết kính anh nó. Thân yêu cha mẹ là nhân, kính trọng kẻ huynh-trưởng là nghĩa. Khắp trong thiên-hạ đâu đâu cũng thế. Vậy nhân nghĩa là vốn có sẵn trong lương-tâm của người ta. Chỉ vì ta đắm-đuối vào vật-dục, cho nên cái lương-tâm mới mờ tối đi, thành thử ta bỏ mất nhân nghĩa. Bởi thế cho nên người quân-tử lấy sự giữ cái tâm hồn-nhiên thuần-hậu như cái tâm của đứa trẻ-con làm quí. « Đại nhân giả, bất thất kỳ xích-tử chi tâm giả giã 大 人 者,不 失 其 赤 子 之 心 者 也: Bậc đại-nhân không bỏ mất cái tâm hồn-nhiên của đứa con đỏ». (Ly-Lâu, hạ).

Theo cái lý-thuyết ấy thì sự học-vấn cần nhất là phải tìm lấy cái tâm của mình đã để xổ ra mất. Người ta để con gà, con chó xổ ra, thì biết đi tìm về, lẽ nào mình để cái tâm của mình xổ ra mà không tìm hay sao? Bởi vậy Mạnh-tử nói rằng: « Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỹ 學 問 之 道 無 他,求 其 放 心 而 已 矣: Cái đạo học-vấn không có điều gì khác, chỉ có tìm cái tâm đã xổ ra mà thôi. » (Cáo-tử. thượng). Sự « cầu kỳ phóng tâm » của Mạnh-tử cũng như sự « tịch-nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên-hạ chi cố » của Khổng-tử, đều theo một ý-tưởng, chủ lấy sự giữ cái bản-nguyên cho hoàn-toàn để có cái minh-giác linh diệu mà ứng với vạn sự cho hợp đạo trung,

Đạo nhất nhi dĩ hỹ.— Mạnh-tử đã cho cái tâm là một, thì dẫu thánh-nhân với người thường cũng không khác nhau. Có người bảo ông rằng: « Vua nước Tề sai người đi dò xem quả thật ông có điều gì khác hơn ngưòi không. Ông nói rằng: « Hà dĩ dị ư nhân tai, Nghiêu Thuấn dữ nhân đồng nhĩ 何 以 異 於 人 哉,堯 舜 與 人 同 耳: Ta có gì khác người đâu, vua Nghiêu vua Thuấn cũng giống như mọi người vậy,» (Ly-Lâu, hạ). Dẫu vua Nghiêu vua Thuấn là bậc thánh-nhân, nhưng cùng bẩm-thụ một lý, một khí, tức là cùng đồng một tâm như mọi người cả, chỉ có một điều là những bậc ấy giữ được cái bản-tính tinh-thuần và cái khí hạo-nhiên mà thôi. Vậy, nếu ai cũng giữ được như thế, thì chắc là chẳng khác gì những bậc ấy. Cái thuyết ấy có thể khiến người ta lúc nào cũng nghĩ đến cái bản-thể hoàn-toàn của mình, làm cho ai cũng có lòng tự tín rằng mình có thể hay hơn tốt hơn được. Người ta đã có cái lòng tự tín ấy, thì rồi cái phần sáng suốt ngay chính càng ngày càng phát-triển ra, mà cái phần mờ tối tà khúc dần dần biến cải đi. Thật là một lối giáo hóa có cái chủ-nghĩa lạc-quan, khuyến miễn mọi người ai cũng cố sức cho thành người hoàn-toàn.

Mạnh-tử tin rằng người hiền kẻ ngu, chỉ khác nhau có một điều là giữ được cái tâm hay không mà thôi. Người ta sở dĩ không làm được điều nhân nghĩa như bậc thánh hiền, là vì ta để vật-dục làm hại mất cái tâm. « Người đói thì ăn gì cũng ngon, người khát thì uống gì cũng ngon, như thế chưa phải là biết rõ cái thực ngon của sự ăn sự uống, vì sự đói sự khát làm hại vậy. Có phải là sự đói sự khát chỉ làm hại cái miệng cái bụng mà thôi đâu, nó làm hại đến cả cái tâm nữa. Nếu người nào không để cho cái hại của sự đói sự khát làm hại được cái tâm, thì dẫu không kịp người cũng không lấy làm lo. » (Tận-tâm, thượng).

Cái tâm đã là một, thì cái đạo cũng là một. Cho nên mới nói rằng: « Phù đạo nhất nhi dĩ hỹ 夫 道 一 而 矣: Đạo có một mà thôi. » Đạo có một, thì ai cũng có đạo lý ở trong tâm cả. Nếu ai cũng biết như thế, rồi cứ theo thiên-lý mà tu-dưỡng, mà hành-động, thì không ai hơn ai cả. Ông đem những lời của các hiền-giả đời trước để làm chứng, như lời Thành Nghiễn bảo Tề Cảnh-công rằng: « Bỉ trượng-phu giã, ngã trượng-phu giã, ngô hà úy bỉ tai! 彼 丈 夫 也,我 丈 夫 也,吾 何 畏 彼 哉: Thánh hiền là trượng-phu, ta là trượng-phu, ta sợ gì không được như thánh hiền! », và lời Nhan Hồi nói rằng: Thuấn hà nhân giã, dư hà nhân giã, hữu vi giả diệc nhược thị 舜 何 人 也,予 何 人 也,有 爲 者 亦 若 是: Vua Thuấn là người nào, ta là người nào, ai theo đạo mà làm, thì cũng thế cả ». (Đằng Văn-công thượng). Thánh-nhân là bậc hoàn-toàn trong vạn vật, mà ta với thánh-nhân là đồng một thể, thì cái phần tinh-tú của vạn vật đều đủ cả ở trong mình ta. Nếu ta tự xét mình ta mà tu-dưỡng lấy cái căn-bản, thì sự học không phải tìm ở đâu xa. Ông nói rằng: « Vạn vật giai bị ư ngã hỹ. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên; cưỡng thứ nhi hành, cầu nhân mạc cận yên 萬 物 皆 備 於 我 矣.反 身 而 誠,樂 莫 大 焉,強 恕 而 行,求 仁 莫 近 焉: Muôn vật đều đủ cả ở trong người ta vậy. Ta tự xét mình ta mà thành-thực, thì có cái vui thú nào lớn hơn nữa. Ta cố sức làm điều lành, như ta muốn người làm cho ta, thì tìm cái nhân có gì gần hơn nữa ». (Tận-tâm, thượng).

Người đã như nhau cả, thì sao lại có đại-nhân và tiểu-nhân? — Mạnh-tử trả lời rằng: « Thể hữu quí tiện, hữu tiểu đại, vô dĩ tiểu hại đại, vô dĩ tiện hại qu. Dưỡng kỳ tiểu giả vi tiểu-nhân; dưỡng kỳ đại giả vi đại-nhân 體 有 貴 賤,有 小 大,無 以 小 害 大.無 以 賤 害 貴.養 其 小 者 爲 小 人,養 其 大 者 爲 大 人: Trong thân-thể người ta có phần quí, có phần tiện, có phần lớn, có phần nhỏ, đừng lấy phần nhỏ hại phần lớn, đừng lấy phần tiện hại phần quí. Nuôi phần nhỏ thì làm tiểu-nhân, nuôi phần lớn thì làm đại-nhân ». Phần lớn là cái tâm của mình, phần nhỏ là tai mắt của mình. « Tai mắt của người ta không phải để suy nghĩ, mà lại hay bị ngoại vật che tối, và chỉ là vật nọ giao với vật kia rồi tiếp-dẫn nhau mà thôi. Tâm là để suy nghĩ. Suy nghĩ thì được, nghĩa là biết rõ đạo lý. Không suy nghĩ thì không được, nghĩa là không biết đạo lý. Trong những cái của Trời phú cho ta, trước hết ta phải gây dựng lấy cái lớn, thì cái nhỏ không lấn lên được, bởi thế mới làm đại-nhân ». Ý Mạnh-tử là cho cái phẩm-giá tôn-quí của người ta chỉ ở cái tâm để tư-tưởng mà thôi. Ngoài cái tâm ra, thì không có gì là đáng quí cả. Bởi vậy ông nói rằng: « Hữu thiên tước giả, hữu nhân tước giả. Nhân nghĩa trung tín. lạc thiện bất quyện, thử thiên tước giã; công khanh đại-phu, thử nhân tước giã 有 天 爵 者,有 人 爵 者.仁 義 忠 信,樂 善 不 倦,此 天 爵 也;公 卿 大 夫,此 人 爵 也: Có cái tước của Trời cho, có cái tước của người cho. Nhân nghĩa trung tín, vui làm điều lành không mỏi, là cái tước của Trời cho; công khanh, đại-phu, là cái tước của người cho. » — « Người đời xưa lo sửa cái thiên-tước, thì cái nhân-tước theo sau. Người đời nay lo sửa cái thiên-tước, để cầu lấy cái nhân-tước, khi đã được cái nhân tước rồi, thì bỏ cái thiên-tước, như thế thật là mê-hoặc lắm vậy, sau thành ra mất hết cả.» — « Lòng muốn cái tôn-quí, thì ai ai cũng như nhau cả. Thế mà người ta ai cũng có cái tôn-quí ở trong mình mình mà không nghĩ đến. Cái tôn-quí của người ta cho, không phải là thật tôn-quí, những người mà ngươi Triệu Mạnh[2] đã cho được tôn-quí, thì ngươi Triệu Mạnh có thể làm cho đê-tiện được, » (Cáo-tử, thượng). Vậy ta nên cầu cái tôn-quí cua Trời cho, tức là ta cầu lấy nhân nghĩa đạo lý để làm cho tôn cái phẩm-giá của ta. Cái phẩm-giá ấy không ai cho được ta mà cũng không ai cướp được của ta. Song muốn có cái phẩm-giá ấy, thì tự ta phải tìm lấy, chứ nếu ta tự hại, tự bỏ đi, thì không bao giờ có được. Vậy nên mới nói rằng: « Tự bạo giả, bất khả dữ hữu ngôn giã; tự khí giả, bất khả dữ hữu vi giã 自 暴 者,不 可 與 有 言 也自 棄 者,不 可 與 有 爲 也: Không thể nói chuyện được với người tự hại mình; không thể làm điều lành được với người tự bỏ mình.» — « Nói không phải lễ nghĩa, gọi là tự hại mình. Thân ta không ở chỗ nhân. không theo điều nghĩa, gọi là tự bỏ mình. Nhân là cái vườn của người ta ở yên, nghĩa là con đường chính của người ta đi. Bỏ vắng cái vườn yên mà không ở, bỏ con đường chính mà không đi, thế có thảm không? » (Ly-Lâu, thượng),

Người ta làm điều nhân, điều nghĩa, cũng như người đi trên rừng, có đi luôn thì mới thành đường được. Cho nên mới nói rằng: « Sơn kính chi khê gian, giới-nhiên dụng chi nhi thành lộ. Vị gian bất dụng, tắc mao tắc chi hỹ 山 徑 之 蹊 間,介 然 用 之,而 成 路.爲 間 不 用,則 茅 塞 之 矣: Ở giữa khoảng rừng núi, chỗ nào đi luôn thì thành đường. Hễ bỏ vắng không đi, thì cỏ mọc lấp mất. » (Tận-tâm, hạ). Người học-giả cũng thế, lúc nào cũng phải để chí mà làm điều nhân điều nghĩa. Phải biết rằng: « Sát nhất vô tội, phi nghĩa giã; phi kỳ hữu nhi thủ chi, phi nghĩa giã. Cư ô tại? nhân thị giã; lộ ô tại? nghĩa thị giã. Cư nhân do nghĩa, đại-nhân chi sự bị hỹ 殺 一 無 罪,非 仁 也;非 其 有 而 取 之,非 義 也.居 惡 在?仁 是 也;路 惡 在義 是 也.居 仁 由 義,大 人 之 事 備 矣: Giết một người không có tội, không phải là nhân; không phải của mình mà lấy, không phải là nghĩa. Chỗ mình ở là đâu? là chỗ nhân; đường mình đi là đâu? là chỗ nghĩa. Ở chỗ nhân, đi theo chỗ nghĩa, như thế là việc của bậc đại-nhân đủ vậy, » (Tận-tâm, thượng).

Tồn tính, dưỡng khí và trì chí.— Tính là cái lý toàn-nhiên ở trong tâm người ta, tức là cái phần tinh-thuần của Trời phú cho. Ta nhờ có tính mới biết nhân nghĩa, biết phải trái, cho nên trước hết ta phải nuôi lấy cái tính, đừng để nó mờ tối đi. Người mà hơn loài cầm thú là chỉ ở sự giữ được cái tính bản-nhiên mà thôi. Nếu ta bỏ mất cái tính ấy đi, thì người với cầm thú không khác nhau gì cả. « Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả, cơ hy: thứ dân khứ chi, quân-tử tồn chi 人 之 所 以 異 於 禽 獸 者,幾 希:庶 民 去 之,君 子 存 之: Người ta sở dĩ khác loài cầm thú là chỉ có một chút mà thôi: kẻ thứ-dân thì bỏ đi, người quân-tử thì giữ còn lại. » (Ly-Lâu hạ). Vậy tính là phần tối linh diệu của Trời phú cho người, để hiểu biết đạo lý. Song có tính phải có khí, thì mới có hình-thể và mới có sinh-trưởng.

Khí là sự vận dụng của lý, lưu-hành khắp cả vũ-trụ, ngưng-tụ lại thành ra hình, tức là thành ra vạn vật. Vạn vật sinh-trưởng là nhờ có khí lưu-hành trong các thân-thể. Vậy khí là để nuôi sự sinh-hoạt của vạn vật. Song khí phải tùy-tùng cái chí, Chí là cái ý-hướng của tâm, mà tâm là chủ-tể trong cả vạn vật. Hễ có chí là có khí, cho nên mới nói rằng: « Chí chí yên, khí thứ yên 志 至 焉,氣 次 焉[3]: Chí đến vậy, khí cũng đến vậy. » (Mạnh-tử: Công-tôn Sửu, thượng).

Người ta phải có cả chí và khí, thì mới sinh-hoạt được điều-hòa. Vậy nên ta phải: « Trì kỳ chí, vô bạo kỳ khí 持 其 志,無 暴 其 氣: Giữ cho bền cái chí, mà không làm hại cái khí. » Cái bản-thể của khí là hạo-nhiên rất lớn, rất mạnh, ở khắp cả khoảng trời đất. Ta phải theo lẽ tự-nhiên mà nuôi cái khí hạo-nhiên, để cho tính và khí điều-hòa với nhau, thì sự hành-động của người ta mới hợp với thiên-lý. Người quân-tử sở dĩ hơn người thường là chỉ biết cách « thiện dưỡng hạo-nhiên chi khí 善 養 浩 然 之 氣: Khéo nuôi cái khí hạo-nhiên.» (Công-tôn Sửu, thượng).

Nuôi cái khí hạo-nhiên thì phải thế nào? Phải làm luôn luôn những việc hợp nghĩa lý, nhưng cứ theo lẽ tự-nhiên mà làm, không sao-nhãng, không gián-đoạn lúc nào, mà cũng không mong cho chóng thành hiệu. Làm như thế, thì cái khí hạo-nhiên ấy càng ngày càng tươi tốt thêm ra, cho nên mới nói rằng: « Tất hữu sự yên, nhi vật chính tâm, vật vong, vật trợ trưởng giã 必 有 事 焉,而 勿 正 心,勿 忘,勿 助 長 也[4]: Ắt có việc vậy, chớ lấy làm chính tâm, chớ quên, chớ giúp cho chóng lớn vậy. (Công-tôn Sửu, thượng). Ắt có việc vậy, nghĩa là cần phải thận trọng để tâm vào việc gì; đừng lấy làm chính tâm, nghĩa là đừng cho việc ấy là việc chính của tâm. Thận trọng để tâm vào việc gì, thì không quên, không cho việc ấy là việc chính của tâm, thì không giúp cho chóng lớn.

Có việc mà bỏ sao-nhãng hay là muốn cho chóng tốt, chóng hay, thì lại là làm hại cái khí hạo-nhiên. Đừng bắt-chước như một người nước Tống lo cây lúa mọc không được chóng lớn, đem nhổ gốc lên cho cao, thành ra lúa chết cả.

Sự tu-dưỡng cũng vậy, cứ phải từ từ mà nuôi cái khí hạo-nhiên lên cho tốt. Đừng bỏ quên, đừng vội-vàng, thì ắt có ngày trông thấy cái hiệu-quả mỹ-mãn vậy.

Tự-đắc. — Cái học của Mạnh-tử là cần phải theo thiên-lý mà tự-cường tự-động, để cầu lấy sự tự-đắc, nghĩa là cầu lấy được cái vui về đạo. Cho nên nói rằng: « Quân tử thâm tháo chi dĩ đạo, dục kỳ tự đắc chi giã. Tự đắc chi. tắc cư chi yên; cư chi yên, tắc tư chi thâm: tư chi thâm, tắc thủ chi tả hữu, phùng kỳ nguyên; cố quân-tử dục kỳ tự đắc chi giã 君 子 深 造 之 以 道,欲 其 自 得 之 也.自 得 之,則 居 之 安;居 之 安,則 資 之 深;資 之 深,則 取 之 左 右,逢 其 原;故 君 子 欲 其 自 得 之 也: Quân-tử theo đạo mà hiểu cho sâu cái đạo, là muốn tự mình riêng được cái vui về đạo. Đã tự mình riêng được cái vui về đạo, thì ở với đạo lúc nào cũng yên; đã ở với đạo lúc nào cũng yên, thì cái vốn sẵn có nhiều; cái vốn sẵn có nhiều, thì lấy ở bên tả bên hữu, chỗ nào cũng nhằm cái gốc; cho nên quân-tử muốn tự mình riêng được cái vui về đạo. » (Ly-Lâu, hạ). Ai muốn được cái vui về đạo ấy, thì tự mình phải cố gắng rèn tập và suy nghĩ sâu xa, để hiểu cho rõ cái đạo. Đã hiểu rõ được cái đạo, thì tự khắc được cái vui về đạo. Cũng vì thế cho nên những người cực khổ hay bị những cảnh gian nan bắt buộc phải suy nghĩ luôn, thường là người hiểu suốt đến cái đạo. Bởi vậy mới nói rằng: « Nhân chi hữu đức tuệ thuật trí giả, hằng tồn hồ chẩn tật. Độc cô-thần, nghiệt-tử, kỳ tháo tâm giã nguy, kỳ lự hoạn giã thâm, cố đạt 人 之 有 德 慧 術 知 者,恆 存 乎 疢 疾.獨 孤 臣,孽 子,其 操 心 也 危,其 慮 患 也 深,故 達: Những người có đức, tuệ, thuật, trí, thường là bởi có hoạn nạn khổ-sở. Chỉ có những kẻ cô-thần, nghiệt tử[5] lúc nào cũng cầm cái lòng như nguy hiểm lắm, cái bụng lo nghĩ sâu xa, cho nên mới đạt được sự lý. » (Tận-tâm, thượng). Người có lo nghĩ thì cái tâm mới mở rộng ra, cái trí mới sáng suốt, mới biết được rõ các mối đạo lý. Bởi thế cho nên sự học phi tự mình phải cố gắng mà hiểu lấy, thì sự dạy bảo dẫu hay thế nào cũng không có ích gì vậy.

Sự giáo-hối. — Mạnh-tử nói rằng: « Nhân chi hữu đạo giã, bão thực noãn y, dật cư nhi vô giáo, tắc cận ư cầm thú 人 之 有 道 也,飽 食 煖 衣,逸 居 而 無 教,則 近 於 禽 獸: Người ta tuy có đạo lý, nhưng cứ ăn no, mặc ấm, ngồi rồi, mà không dạy bảo, thì gần như giống cầm thú. » Thánh-nhân đời trước lấy điều ấy làm lo, đặt quan Tư-đồ coi việc giáo hóa, dạy cho dân biết rõ nhân luân, để cha con có tình thân, vua tôi có nghĩa, vợ chồng phân biệt, lớn trẻ có trật-tự, bầu bạn có tin. (Đằng Văn-công, thượng).

Những điều luân thường đạo lý tuy không phải là điều khó, song vì người đời thường không suy xét: « Hành chi nhi bất trứ yên, tập hỹ nhi bất sát yên, chung thân do chi, nhi bất tri kỳ đạo giả, chúng giã 行 之 而 不 著 焉,習 矣 而 不 察 焉,終 身 由 之,而 不 知 其 道 者,眾 也: Nhiều người làm mà không biết, tập quen mà không xét, suốt đời theo mà không rõ cái đạo. » (Tận-tâm, thượng). Thành thử: « Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn, sự tại dị, nhi cầu chư nan 道 在 爾,而 求 諸 遠,事 在 易,而 求 諸 難: Đạo ở gần mà đi tìm ở xa, việc ở cái dễ mà đi tìm ở cái khó. » (Ly-Lâu, thượng). Vậy muốn cho nhân-dân ai cũng hiểu điều phải điền trái, việc hay việc dở, thì phải có sự giáo-hối. Ở trong xã-hội thì phải « trung giã dưỡng bất trung, tài giã dưỡng bất tài 中 也 養 不 中,才 也 養 不 才: người trung-chính dạy người không trung-chính, người có tài-năng dạy người không có tài-năng. » (Ly-Lâu, hạ). Ai là người có tài, có đức, thì cũng phải nghĩ như Y-Doãn: « Thiên chi sinh tư dân giã, sử tiên tri giác hậu tri, sử tiên giác giác hậu giác 天 之 生 斯 民 也,使 先 知 覺 後 知,使 先 覺 覺 後 覺: Trời sinh ra người, khiến kẻ tiên-tri dạy kẻ hậu-tri, khiến kẻ tiên-giác dạy kẻ hậu-giác. » (Vạn-Chương, hạ).

Sự giáo-hối cần phải lấy những khuôn phép của thánh hiền làm tiêu-chuẩn. Vì rằng: « Nếu có cái sáng của Ly-Lâu, cái khéo của Công-Thâu-tử, mà không có cái thước tròn và cái thước vuông, thì không làm được cái hình tròn, cái hình vuông; nếu có cái tai nghe suốt như Sư-Khoáng mà không có sáu luật, thì không chính được năm âm; nếu có cái đạo vua Nghiêu vua Thuấn, mà không làm điều nhân-chính, thì không bình trị được thiên-hạ. » Đã có đạo lý và khuôn phép của thánh hiền đã định ra, thì ta nên nhân đó mà học tập, mà hành-động. » Thánh-nhân đã trông hết cái sức của con mắt, lại lấy cái thước tròn, cái thước vuông, cái thăng-bằng và cái dây, để làm cái tròn, cái vuông, cái mặt bằng và cái mặt thẳng, dùng mãi không xuể; đã nghe hết cái sức của tai, lại lấy sáu luật để chính năm âm, dùng mãi không xuể; đã xét hết sự nghĩ-ngợi của cái tâm, lại dùng cái chính-sự thương người, khiến cho lòng nhân che khắp cả thiên-hạ. » (Ly-Lâu, thượng). Vậy ta phải theo cái đạo của thánh hiền mà dạy người.

Người dạy học và người đi học phải như ngươi Hậu-Nghệ dạy người ta bắn, tất phải dạy để chí vào sự kéo dây cung cho thẳng, mà người học bắn cũng phải để chí vào sự kéo dây cung cho thẳng; người thợ giỏi dạy người làm thợ, tất phải dạy cách dùng thước tròn, thước vuông, mà người học làm thợ cũng phải học cách dùng thước tròn, thước vuông. (Nghệ chi giáo nhân xạ, tất chí ư cấu, học-giả diệc tất chí ư cấu; đại-tượng hối nhân, tất dĩ qui củ, học-giả diệc tất dĩ qui củ 羿 之 教 人 射,必 志 於 彀,學 者 亦 必 志 於 彀;大 匠 誨 人,必 以 規 矩,學 者 亦 必 以 規 矩.) (Cáo-tử, thượng). Nghĩa là dạy điều gì, thì phải chuyên tâm trí chí mà theo cho đúng những cái qui-mô đã định.

Mạnh-tử cho sự giáo-hối có nhiều lối. Ông nói rằng: « Giáo diệc đa thuật hỹ, dư bất tiết chi giáo-hối giả giã, thị diệc giáo-hối chi nhi dĩ hỹ 教 亦 多 術 矣,予 不 屑 之 教 誨 者 也, 是 亦 教 誨 之 而 已 矣: Dạy cũng có nhiều thuật, có người ta không thèm dạy bảo cho, ấy cũng là dạy bảo đó vậy. » (Tận-tâm, thượng). Thường thì người quân-tử có năm cách dạy người là: « Hữu như thời vũ hóa chi giả, hữu thành đức giả, hữu đạt tài giả, hữu đáp vấn giả, hữu tư-thục ngải giả 有 如 時 雨 化 之 者,有 成 德 者,有 達 財 者,有 答 問 者,有 私 淑 艾 者: Có cách như trời mưa xuống mà hóa đi, có cách làm cho thành-tựu cái đức, có cách làm cho đạt cái tài, có cách trả lời cho những câu hỏi, có cách học riêng mà tự-trị lấy mình. » (Tận-tâm, thượng).

Cái phương-pháp giáo hối của người quân-tử cốt ở sự chỉ dẫn cho người ta để ai thích học, thì tự phải cố gắng mà học lấy. Cho nên mới nói rằng: « Quân-tử dẫn nhi bất phát. Dược như giã. Trung đạo nhi lập, năng giả tòng chi 君 子 引 而 不 發.躍 如 也.中 道 而 立,能 者 從 之: Quân-tử dạy người như dạy bắn, chỉ kéo thẳng cái dây cung mà không buông tên ra. Tuy không dạy cho biết hết cái hay, nhưng cái lý sở đắc đã hoạt-động như là nhảy-nhót ở trước mặt vậy. Cứ giữa đạo mà đứng, ai theo được thì theo. » (Tận-tâm, thượng).

Cái phương-pháp của Mạnh-tử có nhiều điều rất thích-hợp với phép sư-phạm ngày nay. Ông nói rằng: « Bác học nhi tường thuyết chi, tương dĩ phản thuyết ước giã 博 學 而 詳 說 之,將 以 反 說 約 也: Học rộng mà phân giải ra cho rõ-ràng rồi nói lại mà tóm hết cả các cái đại-yếu ». Phàm sự học là chủ ở cái tinh-thần hoạt-động, và học điều gì, thì phải suy nghĩ mà phê-bình cho hợp lý, chứ không phải cứ nhắm mắt mà theo sách: « Tận tín thư bất như vô thư 盡 信 書 不 如 無 書: Đọc sách mà tin cả ở sách, thì không bằng không có sách, » (Tận-tâm, hạ).

Người quân-tử là bao giờ cũng phải học, không lúc nào dám tự cậy mình là hoàn-toàn, không cần phải học gì nữa. Cho nên nói rằng: » Nhân chi hoạn, tại hiếu vi nhân sư 人 之 患,在 好 爲 人 師: Cái bệnh của người ta là ở sự thích làm thầy người ta. » (Ly-Lâu, thượng). Nếu mình cho là tự mãn, tự túc chỉ muốn đi dạy người, chứ không học nữa, là một điều rất dở. Vì người như thế, thì còn tiến-hóa sao được?

Người đi học thì truớc hết phải giữ mình cho chính, rồi mới sửa được người. « Uổng kỷ giả vị hữu năng trực nhân giả giã 枉 己 者 未 有 能 直 人 者 也: Mình cong-queo, không thể nào sửa cho người ngay-thẳng được. » Vậy nuốn sửa mình thì phải có lòng sỉ, nghĩa là biết xấu-hổ về việc mình làm điều bậy. Ông nói rằng: «Sỉ chi ư nhân đại hỹ. Vi cơ biến chi xảo giả, vô sở dụng sỉ yên. Bất sỉ bất nhược nhân, hà nhược nhân hữu 恥 之 於 人 大 矣.爲 機 變 之 巧 者,無 所 用 恥 焉.不 恥 不 若 人,何 若 人 有: Lòng biết xấu-hổ đối với người ta là quan-trọng lắm. Người mà khéo dùng cơ-mưu, quyền biến, để lừa dối nguời ta, là người không biết nghĩ đến cái lòng biết xấu-hổ vậy. Không bằng người ta mà không biết xấu-hổ, thì có bằng người ta sao được. » Bởi vậy cho nên: « Nhân bất khả dĩ vô sỉ. Vô sỉ chi sỉ, vô sỉ hỹ 人 不 可 以 無 恥.無 恥 之 恥,無 恥 矣: Người ta không thể không có lòng xấu-hổ về điều mình làm bậy. Nếu ai đã có lòng biết xấu-hổ về điều vô sỉ, thì không có điều gì đáng xấu-hổ nữa. » (Tận-tâm, thượng).

Về đường giáo-dục, Mạnh-tử cho cái tập-khí của hoàn-cảnh có thể cảm-hóa được tâm tính người ta. Ông nói rằng: « Cư di khí, dưỡng di thể, đại tai cư hồ! 居 移 氣,養 移 體,大 哉 居 乎!: Chỗ ở biến đổi cái khí-tượng, sự ăn uống biến đổi cái thân-thể, chỗ ở quan-trọng lắm vậy ôi! » (Tận-tâm, thượng).

Nói về cách xem xét người ta, thì Mạnh-tử cho là không gì bằng trông ở con mắt. Con mắt là cái gương phản-chiếu cái tinh-thần ra ngoài. Cho nên nói rằng: « Tồn hồ nhân giả, mạc lương ư mâu-tử. Mâu-tử bất năng yểm kỳ ác. Hung trung chính, tắc mâu-tử liệu yên; hung trung bất chính, tắc mâu-tử mạo yên. Thính kỳ ngôn giã, quan kỳ mâu-tử, nhân an sưu tai! 存 乎 人 者,莫 良 於 眸 子.眸 子 不 能 掩 其 惡.胸 中 正 則 眸 子 瞭 焉;胸 中 不 正,則 眸 子 眊 焉.聽 其 言 也,觀 其 眸 子,人 焉 廋 哉: Cái còn ở trong người ta, chẳng gì thật bằng con ngươi. Vì rằng con ngươi không thể giấu được cái ác của người ta. Trong bụng ngay thẳng, thì con ngươi trông sáng-tỏ rõ-ràng; trong bụng tà khúc, thì con ngươi mờ-đục tối-tăm. Khi nghe lời nói mà xem con ngươi, thì không giấu được người vậy. » (Ly-Lâu, thượng).

Ấy là nói tóm các cái quan-niệm của Mạnh-tử về đường giáo-dục. Xét ra có lắm điều rất hệ-trọng, kẻ học giả nên chú ý mà ngẫm-nghĩ cho kỹ, tưởng cũng có phần bổ-ích cho sự học vậy.

Quân-tử. — Mạnh-tử cũng theo như Khổng-tử lấy người quân-tử mà đại-biểu bậc người hoàn-toàn trong nhân-loại. Có khi ông dùng chữ đại-trượng-phu hay chữ đại-nhân để thay chữ quân-tử. Người quân-tử của Khổng-tử và người quân-tử của Mạnh-tử đều là bậc người cao minh hoằng đại, song mỗi người có cái khí-tượng đặc-biệt là: người quân-tử của Khổng-tử thì hồn-nhiên lúc nào cũng ôn-hòa, thuần-hậu, mà người quân-tử của Mạnh-tử thì khuê-giốc, nghĩa là cứng-cỏi, có góc, có cạnh.

Mạnh tử cho là người quân-tử bao giờ cũng phải lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, làm tôn-chỉ. Ông nói rằng: « Đất rộng, dân nhiều, đó là sự muốn của người quân-tử, nhưng chưa phải là cái vui của người quân-tử. Đứng đầu trong thiên-hạ, định được sự hòa-bình cho dân bốn bể, đó là cái vui của người quân-tử, nhưng chưa phải là cái mà người quân-tử cho là bản tính của mình. Cái mà người quân-tử cho là bản tính của mình, thì tuy làm việc to lớn cũng không thêm lên được, mà tuy phải khổ sở cũng không bớt đi được, là vì cái đó Trời đã định phận rồi. Cái mà người quân-tử cho là bản tính của mình là: nhân, nghĩa, lễ, trí, căn-bản ở trong tâm người ta. Những cái ấy sinh-sản ra, thì trông thấy rõ ở mặt, thấy sáng ở lưng, thấy hiện ra ở chân tay. Chân tay không nói mà tự khắc hiểu, nghĩa là tự-nhiên hiển-hiện ra ở sự cử-chỉ hành-động. » (Tận-tâm, thượng). Người quân-tử lúc nào cũng cứ ngay thẳng mà làm điều lành điều phải, chứ không vì tư tâm tư lợi mà hại đạo lý. « Cư thiên-hạ chi quảng cư, lập thiên-hạ chi chính vị, hành thiên-hạ chi đại đạo. Đắc chí, dữ dân do chi; bất đắc chí, độc hành kỳ đạo; phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất, thử chi vị đại-trượng-phu 居 天 下 之 廣 居,立 天 下 之 正 位,行 天 下 之 大 道.得 志,與 民 由 之不 得 志,獨 行 其 道富 貴 不 能 淫,貧 賤 不 能 移,威 武 不 能 屈,此 之 謂 大 丈 夫: Ở cái chỗ ở rộng trong thiên-hạ, đứng giữa cái ngôi chính trong thiên-hạ, đi con đường lớn trong thiên-hạ. Đắc chí thì cùng với dân mà theo đạo, không đắc chí thì một mình mình theo đạo; giàu sang không thể làm cho đãng được cái lòng của mình, nghèo hèn không thể làm cho đổi được cái chí của mình, uy-quyền võ-lực không thể làm cho khuất được cái khí của mình, ấy thế mới gọi là đại-trượng-phu. » (Đằng Văn-công, hạ). Chỗ ở rộng trong thiên-hạ là nhân, ngôi chính trong thiên-hạ là lễ. đường lớn trong thiên-hạ là nghĩa.

Người quân-tử bao giờ cũng « Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân 仰 不 愧 於 天,俯 不 怍 於 人: Ngửng lên không xấu với Trời, cúi xuống không thẹn với người. » (Tận-tâm, thượng). « Cùng bất thất nghĩa, đạt bất li đạo 窮 不 失 義,達 不 離 道: Cùng-khổ không mất nghĩa, hiển-đạt không lìa đạo, » Khi đắc chí ra đương việc nước, thì đem cái ơn rải khắp muôn dân; không gặp thời, không làm được gì, thì sửa mình cho rõ ra ở đời. « Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên-hạ 窮 則 獨 善 其 身,達 則 兼 善 天 下: Cùng-khổ thì một mình mình làm hay cho mình, hiển-đạt thì làm hay cho cả thiên-hạ» (Tận-tâm, thượng).

Người quân-tử phải biết phân-biệt thực giả để hành-động cho hợp đạo trung. « Phi lễ chi lễ, phi nghĩa chi nghĩa, đại nhân phất vi 非 禮 之 禮,非 義 之 義,大 人 弗 爲: Lễ không phải là lễ, nghĩa không phải là nghĩa, bậc đại nhân không làm. » (Ly-Lâu, hạ). Đạo làm người quí nhất là nhân với nghĩa, dẫu đến bậc vua có quyền thế mà không có nhân nghĩa cũng là khinh, cho nên người quân-tử không thấy người sang giàu mà muốn, không thấy mình nghèo hèn mà sợ. « Bỉ dĩ kỳ phú, ngã dĩ ngô nhân, bỉ dĩ kỳ tước, ngã dĩ ngô nghĩa, ngô hà khiểm hồ tai! 彼 以 其 富,我 以 吾 仁,彼 以 其 爵,我 以 吾 義,吾 何 慊 乎 哉!: Kẻ kia cậy ở cái giàu của nó, ta đây cậy ở cái nhân của ta, kẻ kia cậy ở cái tước của nó, ta đây cậy ở cái nghĩa của ta, ta có điều gì bất-mãn vậy thay! » (Công-tôn Sửu, hạ). Người quân-tử tôn quí cái đạo, chứ không chuộng cái thế-lực. « Lạc kỳ đạo nhi vong nhân chi thế 樂 其 道 而 忘 人 之 勢: Vui về cái đạo của mình mà quên cái thế-lực của người ta. » (Tận-tâm, thượng).

Người ta phải biết thế nào là nhân, thế nào là nghĩa. « Nhân giai hữu sở bất-nhẫn, đạt chi ư kỳ sở nhẫn, nhân giã; nhân giai hữu sở bất vi, đạt chi ư kỳ sở vi, nghĩa giã 人 皆 有 所 不 忍,達 之 於 其 所 忍,仁 也;人 皆 有 所 不 爲,達 之 於 其 所 爲,義 也;Người ta ai cũng có điều bất-nhẫn, đem điều bất-nhẫn ấy mà thi ra ở những điều mình sở nhẫn, thế là nhân; người ta ai cũng biết có điều không nên làm, đem điều ấy mà thi ra ở những điều mình làm, thế là nghĩa. » (Tận-tâm, hạ). Hễ biết rõ nhân, rõ nghĩa, thì cứ tùy thời, tùy cảnh-ngộ, mà hành-động cho hợp đạo, chứ không phải là cổ nhân làm thế nào cứ làm như thế mới được: « Quân-tử diệc nhân nhi dĩ hỹ, hà tất đồng 君 子 亦 仁 而 已 矣,何 必 同: Người quân-tử chỉ có theo đạo nhân mà thôi, hà tất phải giống nhau? » (Cáo-tử, hạ).

Cái đức của người quân-tử to lớn mênh-mông, cho nên: « Quân-tử sở quá giả hóa, sở tồn giả thần, thượng hạ dữ thiên địa đồng lưu 君 子 所 過 者 化,所 存 者 神,上 下 與 天 地 同 流: Quân-tử đi đâu là hóa được người ta, làm điều gì là thần-diệu, trên dưới cùng đồng lưu với trời đất. » (Tận-tâm, thượng). Người quân-tử phải có lòng tin ở đạo. để làm chuẩn-đích cho sự hành-vi của mình. « Quân-tử bất lượng, ô hồ chấp? 君 子 不 亮,惡 乎 執?: Người quân-tử không có lòng tin, thì giữ cái gì làm cốt? » (Cáo-tử, hạ). Nguời quân-tử đã có lòng tin ở đạo, thì dẫu chết cũng không bỏ. « Sinh diệc ngã sở dục giã, nghĩa diệc ngã sở dục giã. Nhị giả bất khả đắc kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả giã 生 亦 我 所 欲 也,義 亦 我 所 欲 也.二 者 不 可 得 兼,舍 生 而 取 義 者 也: Cái sống ta cũng muốn, điều nghĩa ta cũng muốn. Giá ta không thể giữ được cả hai, thì ta bỏ cái sống mà giữ lấy điều nghĩa vậy. » (Cáo-tử, thượng). Người qnân-tử cứ hết lòng theo đạo mà ở đời, được thế nào đã có Trời. « Quân-tử hành pháp dĩ sĩ mệnh nhi dĩ hỹ 君 子 行 法 以 俟 命 而 已 矣: Quân-tử theo phép của trời đất mà làm, để đợi mệnh mà thôi. » (Tận-tâm, hạ),

Đại để, sự học của Mạnh-tử chủ giữ lấy cái bản tâm cho tinh thuần, không để cái tư dục làm mai-một mất cái tính chí thiện của Trời đã phú cho. Kẻ học-giả theo được cái tôn-chỉ ấy ắt là thành người quân-tử có cái đức lớn, hiểu rõ thiên-lý chí công chí chính, và cứ an ở cái mệnh mà làm việc nghĩa. Cái mục-đích của sự học ấy, cốt gây thành cái tâm-học rất sâu xa và có cái đức-tính rất mạnh-mẽ, khiến người ta ở vào địa-vị nào, hay cảnh-ngộ nào, cũng giữ được cái phẩm-giá tôn-quí, không phụ cái tiếng làm người đứng trong trời đất vậy.

II. — CHINH-TRỊ TRIẾT-LÝ

Mạnh-tử đã lấy nhân nghĩa làm bản tính người ta, thì sự chính-trị tất cũng phải lấy nhân nghĩa làm gốc. Cho nên khi ông sang nước Lương, vua Huệ-vương hỏi ông rằng: « Ông có điều gì làm lợi cho nước Lương không? » Ông gạt đi mà nói rằng: « Vương hà tất viết lợi. Diệc hữu nhân nghĩa nhi dĩ hỹ 王 何 必 曰 利.亦 有 仁 義 而 已 矣: Vua hà tất phải nói lợi. Chỉ có nhân nghĩa mà thôi. Nếu ông vua nói rằng: làm thế nào cho lợi nước ta, quan đại-phu nói rằng: làm thế nào cho lợi nhà ta, kẻ sĩ và kẻ thứ-dân nói rằng: làm thế nào cho lợi thân ta; kẻ trên người dưới ai nấy đều tranh nhau về việc lợi, thì nguy vậy. » (Lương Huệ-vương, thượng). Lại một khi ông gặp ngươi Tống-Hình toan đi sang nước Tần, nước Sở, lấy điều lợi mà can hai nước ấy đừng đánh nhau nữa. Ông nói rằng: « Nếu tiên-sinh lấy điều lợi mà nói với vua nước Tần, nước Sở, thì vua hai nước ấy ắt là vì lợi mà thôi sự đánh nhau; nhưng nếu ai cũng chỉ thích vì lợi, thành ra người làm tôi lấy bụng mong lợi mà thờ vua, người làm con lấy bụng mong lợi mà thờ cha, người làm em lấy bụng mong lợi mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em, đều bỏ cả nhân nghĩa, chỉ đem cái bụng mong lợi mà tiếp đãi nhau, như thế mà nước không mất là chưa có vậy. Lấy nhân nghĩa mà nói, thì người làm tôi đem lòng nhân nghĩa mà thờ vua. người làm con đem lòng nhân nghĩa mà thờ cha, người làm em đem lòng nhân nghĩa mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em, đều bỏ lợi, chỉ đem lòng nhân nghĩa mà tiếp đãi nhau, như thế mà không trị được thiên-hạ, là chưa có vậy. Vậy thì hà tất phải nói lợi. » (Cáo-tử, hạ).

Ý Mạnh-tử cho là nếu người ta ai cũng nghĩ đến điều lợi mà quên cả nhân nghĩa, thì thành ra người ở đời cứ say đắm vào chỗ lợi lộc riêng của mình, rồi chỉ tìm cách mà phá hại lẫn nhau. Bởi đó mà sinh ra có sự biến-loạn và sự chiến-tranh, làm cho thiên-hạ phải nhiều nỗi lầm than. Rút cục lại, cái lợi tự-tư, tự-lợi ấy, chính là cái hại, chứ không phải là thật lợi. Nhân nghĩa tuy không nói đến lợi, nhưng kỳ thực là cái lợi rất to, vì là người ở với nhau trong xã-hội, ai cũng đem lòng lo cái lợi chung cả đoàn-thể trước cái lợi riêng của mình, thành thử trên hòa dưới thuận, thiên-hạ được hưởng cái hạnh-phúc cả. Cái lợi chung ấy, mới thật là lợi vậy.

Mạnh-tử tuy thừa nhận cái chính-thể quân-chủ, nhưng ông cho thiên-hạ là của chung của thiên-hạ, chứ người làm vua không có quyền được lấy thiên-hạ làm của riêng của mình. Cái quyền trị dân là do Trời trao cho, tức là do lòng dân ưng thuận cho ai, thì người ấy mới được. Ông nói rõ cái ý ấy ở thiên Vạn-Chương, thượng. Môn-đệ ông là Vạn-Chương hỏi rằng: « Vua Nghiêu lấy thiên-hạ cho vua Thuấn, việc ấy có không? — Mạnh-tử nói rằng: Không. Thiên-tử không thể lấy thiên-hạ cho người khác được. — Vậy thì vua Thuấn có thiên-hạ là ai cho? — Rằng: Trời cho. — Trời cho, thì chăm chăm bảo rõ ra hay sao? — Rằng: Không. Trời không nói, chỉ lấy sự hành-vi với sự-nghiệp mà tỏ ra mà thôi. » Mạnh-tử lại lấy chuyện vua Nghiêu dâng vua Thuấn và vua Thuấn dâng vua Vũ cho Trời và dân thuận theo vua Thuấn và vua Vũ, đến vua Vũ dâng ông Ích cho Trời mà dân không theo ông Ích, để làm bằng chứng ý dân là ý Trời.

Dân với Trời đã tương quan với nhau như thế, thì trong thiên-hạ dân là quí hơn. Vậy nên Mạnh-tử nói rằng: « Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh 民 爲 貴,社 稷 次 之,君 爲 輕: Dân làm quí, xã-tắc là thứ, vua làm khinh. » (Cáo-tử, hạ). Có dân mới có nước, có nước mới có vua. Cái chức-vụ người làm vua là phải « bảo dân 保 民 », nghĩa là phải giữ gìn cái hạnh-phúc của dân. Nếu người làm vua mà không hiểu rõ cái nghĩa-vụ ấy là làm việc trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời. Người giữ quyền trị dân mà chỉ dùng mãnh-lực để áp-chế dân, là không có nghĩa lý gì chính đáng cả.

Bởi cái tư-tưởng ấy, cho nên trong cái chính-trị triết-lý của Mạnh-tử có cái tinh-thần duy dân. Phàm cái chính-trị đã có cái tinh-thần duy dân, thì việc trị dân trị nước chỉ có phép công là trọng hơn cả, dẫu ai có quyền thế to thế nào cũng không ra ngoài phép công được. Phép công đã định, thì vua quan cho chí người thường dân không ai được vượt qua mà làm điều trái phép. Vì lẽ ấy cho nên Đào-Ứng là môn-đệ Mạnh-tử hỏi răng: « Vua Thuấn làm thiên-tử, Cao-Dao làm quan sĩ, Cổ-Tẩu giết người, thì làm thế nào? » — Mạnh-tử trả lời rằng: « Cứ việc bắt Cổ-Tẩu mà thôi. » — « Vậy thì vua Thuấn không cấm ạ? » — « Vua Thuấn cấm sao được. Phép truyền thụ đời nọ qua đời kia là phép công vậy. ». (Tận-tâm, thượng). Đã có phép công, thì thiên-tử cũng không thể lấy quyền thế mà bỏ được. Người làm quan giữ phép cứ theo phép mà trị tội, dẫu người có tội là ông Thái-thượng-hoàng cũng không tha. Ấy thế mới là công. Theo cái lý-tưởng ấy thì rõ là Mạnh-tử phát-minh ra chủ-nghĩa bình-đẳng trong luật pháp.

Mạnh-tử rất chú trọng sự « bảo dân » cho nên ông bày tỏ ra nhiều ý-kiến rất có giá-trị về đường chính-trị. Ông cho là người làm vua lúc nào cũng lo đến cái hạnh-phúc của dân: cùng với dân mà hưởng sự phú-quí, cùng với dân mà chịu sự lo-sợ. thì không bao giờ dân bỏ mình được. « Lạc dân chi lạc giả, dân diệc lạc kỳ lạc; ưu dân chi ưu giả, dân diệc ưu kỳ ưu. Lạc dĩ thiện-hạ, ưu dĩ thiên-hạ, nhiên nhi bất vương giả, vị chi hữu giã 樂 民 之 樂 者,民 亦 樂 其 樂;憂 民 之 憂 者,民 亦 憂 其 憂.樂 以 天 下,憂 以 天 下,然 而 不 王 者,未 之 有 也: Người vui cái vui của dân, thì dân cũng vui cái vui của mình; người lo cái lo của dân, thì dân cũng lo cái lo của mình. Vì thiên-hạ mà vui, vì thiên-hạ mà lo, thế mà không làm vương thì chưa có vậy ». (Lương Huệ-vương, hạ).

Người trị dân trị nước là phải chăm lo việc dân, khiến cho dân được sung-túc, rồi phải dạy dỗ dân, để cho dân đừng làm điều bậy. « Dân chi vi đạo giã, hữu hằng sản giả, hữu hằng tâm; vô hằng sản giả, vô hằng tâm. Cẩu vô hằng tâm, phóng, tịch, tà, xỉ, vô bất vi giã. Cập hãm hồ tội, nhiên hậu tòng nhi hình chi, thị võng dân giã 民 之 爲 道 也,有 恆 產 者,有 恆 心;無 恆 產 者,無 恆 心.茍 無 恆 心,放,辟,邪,侈,無 不 爲 也.及 陷 乎 罪,然 後 從 而 刑 之,是 罔 民 也: Cái lối của dân, là người có của sẵn, thì có sẵn lòng tốt; người không có của sẵn, thì không có sẵn lòng tốt. Nếu không có sẵn lòng tốt, thì sinh ra phóng-đãng, chênh-lệch, gian-tà, càn-rỡ, không có điều gì là không làm. Đến khi phạm tội, nhiên hậu mới lấy hình-luật mà trừng-trị, thế là chăng lưới để đánh lừa dân ». (Đằng Văn-công, thượng). Bởi vậy cho nên: « Đấng minh quân chế định cái tài-sản của dân, ắt là khiến cho ngửng lên đủ thờ cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi vợ con, năm được mùa thì được no luôn, năm mất mùa không đến nỗi chết. Được như thế rồi mới bắt dân làm điều lành, thì dân theo làm điều lành dễ lắm ». (Lương Huệ-vương, thượng).

Việc giáo-hóa là cái chức-vụ rất trọng-yếu trong việc chính-trị của Nho-giáo. Vua Nghiêu nói rằng: « Lạo chi, lại chi, khuông chi, trực chi, phụ chi, dực chi, sử tự đắc chi, hựu tòng nhi chấn đức chi 勞 之,來 之,匡 之,直 之,輔 之,翼 之,使 自 得 之,又 從 而 振 德 之: An-ủy dân, vỗ-về dân, sửa cho ngay chính cái lòng tín-ngưỡng của dân, nắn cho thẳng cái đức-tính của dân, giúp đỡ dân, che chở dân, khiến dân tự mình biết vui về đạo, lại theo mà làm cho chấn-khởi cái đức của dân ». (Đằng Văn-công, thượng). Bởi vậy cho nên đế vương đời trước đặt nhà tường, nhà tự, nhà học, nhà hiệu, để dạy dân biết rõ nhân luân, khiến cho người ta biết thân yêu nhau và hiểu rõ hiếu đễ, kẻ đầu hoa dâm không phải mang đội ở dọc đường, kẻ già cả có áo lụa mặc, có thịt ăn, người dân không đói không rét. (Lương Huệ-vương, thượng).

Cái chính-trị của Nho-giáo chủ lấy sự bảo dân làm cốt. Ông vua nào không theo tôn-chỉ ấy, mà chỉ cần lấy sự vui thú riêng của mình, để dân phải chịu những điều cực khổ, là ông vua bất nhân. Có khi ở trong nhà vua nuôi những súc vật cho ăn béo tốt, mà dân ở ngoài thì đói khổ, không ai thương đến. « Cẩu trệ thực nhân thực, nhi bất tri kiểm, đồ hữu ngã biễu, nhi bất tri phát. Nhân tử tắc viết: phi ngã giã, tuế giã. Thị hà dị ư thích nhân nhi sát chi, viết: phi ngã giã, binh giã 狗 彘 食 人 食,而 不 知 檢,塗 有 餓 莩,而 不 知 發,人 死 則 曰:非 我 也,歲 也.是 何 異 於 剌 人 而 殺 之,曰:非 我 也,兵 也: Chó lợn ăn cái ăn của dân mà không xét, dọc đường có những thây người chết đói, mà không phát của trong kho ra cứu. Có người chết thì nói rằng: không phải tại ta, tại năm mất mùa đấy. Thế thì có khác gì cầm giao đâm người ta chết rồi nói rằng: có phải ta giết đâu, con giao đấy ». Người làm vua là làm cha mẹ dân, tất phải thương dân: « Bào hữu phì nhục, cứu hữu phì mã; dân hữu cơ sắc, dã hữu ngã biễu. Thử suất thú nhi thực nhân giã. Thú tương thực, thả nhân ố chi. Vi dân phụ mẫu, hành chính, bất miễn ư suất thú nhi thực nhân, ô tại kỳ vi dân phụ mẫu giã 庖 有 肥 肉,廄 有 肥 馬;民 有 饑 色,野 有 餓 莩.此 率 獸 而 食 人 也.獸 相 食,且 人 惡 之.爲 民 父 母,行 政,不 免 於 率 獸 而 食 人,惡 在 其 爲 民 父 母 也: Bếp có thịt béo, chuồng ngựa có ngựa béo; dân có sắc đói, ngoài đồng có thây người chết đói. Thế là đem thú vật ăn thịt người vậy. Thú vật ăn thịt lẫn nhau, thì người ta ghét. Làm cha mẹ dân, làm việc chính-trị, mà không khỏi cái việc đem thú vật ăn thịt người, thế thì làm cha mẹ dân đâu có thế ». (Lương Huệ-vương, thượng). Vậy người làm vua mà tàn-ngược như vua Kiệt, vua Trụ, thì người có nhân, có đức, như vua Thang, vua Vũ, được quyền trừ bỏ đi. Người nhân-đức trừ được kẻ tàn-bạo mà cứu dân, thì không phải là người có tội giết vua. Bởi vậy Mạnh-tử nói rằng: « Tặc nhân giả, vị chi tặc, tặc nghĩa giả, vị chi tàn. Tàn tặc chi nhân vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hỹ, vị văn thí quân giã 賊 仁 者 謂 之 賊,賊 義 者 謂 之 殘.殘 賊 之 人,謂 之 一 夫.聞 誅 一 夫 紂 矣,未 聞 弒 君 也: Người làm hại nhân, gọi là tặc, người làm hại nghĩa, gọi là tàn. Người tàn tặc, gọi là một đứa không ra gì. Ta nghe nói: giết một đứa Trụ, chưa nghe nói giết vua vậy ». (Lương Huệ-vương, hạ).

Mạnh-tử theo cái lý-thuyết ấy mà định rõ nghĩa thế nào là vương, thế nào là . Ông nói rằng: « Dĩ lực giả nhân giả bá; bá tất hữu đại quốc. Dĩ đức hành nhân giả vương; vương bất đãi đại 以 力 假 仁 者 霸霸 必 有 大 國.以 德 行 仁 者 王王 不 待 大: Người dùng sức mạnh mà mượn tiếng làm điều nhân, là bá; người làm bá tất phải có nước lớn. Người lấy đức mà làm điều nhân, là vương; người làm vương không đợi có nước lớn ». Người làm bá cần phải có sức mạnh luôn để đè nén người ta, cho nên phải có nước lớn; người làm vương thì chỉ cần người ta kính-phục, chứ không cần đến sức mạnh, cho nên không cần có nước lớn. « Dĩ lực phục nhân giả, phi tâm phục giã, lực bất thiệm giã. Dĩ đức phục nhân giả, tâm trung duyệt nhi thành phục giã 以 力 服 人 者,非 心 服 也,力 不 贍 也.以 德 服 人 者,中 心 悅 而 誠 服 也: Người lấy sức mạnh mà bắt người ta phục, là không phải người ta tâm phục, chỉ vì sức không đủ mà thôi. Người lấy đức mà làm cho người ta phục, thì trong lòng người ta yêu mến, mà thành-thực vậy ». (Công-tôn Sửu, thượng).

Người làm vua muốn cho dân kính phục, thì phải biết: « Quí đức nhi tôn sĩ, hiền giả tại vị, năng giả tại chức, quốc gia nhàn hạ, cập thị thời, minh kỳ chính hình 貴 德 而 尊 士,賢 者 在 位,能 者 在 職,國 家 閒 暇,及 是 時,明 其 政 刑: Quí kẻ có đức mà tôn người có học-thức, kẻ hiền ở ngôi, kẻ giỏi ở chức, nước nhà nhàn hạ, trong lúc ấy lo sửa-sang việc hình, việc chính, cho phân-minh... Kim Quốc-gia nhàn hạ, cập thị thời, ban lạc đãi ngạo, thị tự cầu họa giã. Họa phúc vô bất tự kỷ cầu chi giả 今 國 家 閒 暇,及 是 時,般 樂 怠 敖,是 自 求 禍 也.禍 福 無 不 自 己 求 之 者: Nay quốc gia nhàn hạ, trong lúc ấy mà vui chơi lười biếng, thì là mình tự cầu lấy cái vạ vậy. Cái vạ hay cái phúc không có cái gì là chẳng phải tự mình cầu lấy ». (Công-tôn Sửu, thượng).

Người muốn làm vương cả thiên-hạ, thì phải: « Phát chính, thi nhân, sử thiên-hạ sĩ giả giai dục lập ư vương chi triều; canh giả giai dục canh ư vương chi dã; thương cổ giai dục tàng ư vương chi thị; hành lữ giai dục xuất ư vương chi đồ 發 政,施 仁,使 天 下 仕 者,皆 欲 立 於 王 之 朝;耕 者 皆 欲 耕 於 王 之 野;商 賈 皆 欲 藏 於 王 之 市;行 旅 皆 欲 出 於 王 之 塗: Phát cái chính-trị ra, thi-hành những điều nhân, khiến kẻ ra làm quan ở trong thiên-hạ, ai cũng muốn đứng ở triều nhà vua; kẻ cày ruộng ai cũng muốn cày ở đất nhà vua; kẻ buôn bán ai cũng muốn đến ở chợ nhà vua; người đi đường ai cũng muốn đi ở đường nhà vua ». Được như thế, ai chống lại được mình nữa. (Lương Huệ-vương, thượng).

Mạnh-tử thường lấy vua Nghiêu vua Thuấn là hai bậc thánh-nhân đời trước, làm tiêu-biểu cho những người có trách-nhiệm trị dân trị nước. Ông nói rằng: « Dục vi quân, tận quân đạo, dục vi thần, tận thần đạo, nhị giả giai pháp Nghiêu Thuấn nhi dĩ hỹ. Bất dĩ Thuấn chi sở dĩ sự Nghiêu, sự quân, bất kính kỳ quân giả giã. Bất dĩ Nghiêu chi trị dân, trị dân, tặc kỳ dân giả giã 欲 爲 君,盡 君 道,欲 爲 臣,盡 臣 道,二 者 皆 法 堯 舜 而 已 矣.不 以 舜 之 所 以 事 堯,事 君,不 敬 其 君 者 也.不 以 堯 之 所 以 治 民,治 民,賊 其 民 者 也: Muốn làm vua, phải hết đạo vua, muốn làm tôi, phải hết đạo tôi, hai điều ấy chỉ bắt-chước vua Nghiêu vua Thuấn mà thôi. Không theo cái cách vua Thuấn thờ vua Nghiêu mà thờ vua, là không kính vua vậy. Không theo cái cách trị dân của vua Nghiêu mà trị dân, là hại dân vậy ». (Ly-Lâu, thượng).

Việc chính-trị chỉ có nhân và bất nhân mà thôi. Nhân là Nghiêu Thuấn, bất nhân là Kiệt Trụ. Dùng nhân mà trị thiên-hạ, là phải đạo, dùng bất-nhân mà trị thiên-hạ, là trái đạo. « Thiên-hạ hữu đạo, tiểu đức dịch đại đức, tiểu hiền dịch đại hiền. Thiên-hạ vô đạo, tiểu dịch đại, nhược dịch cường. Tư nhị giả thiên giã: thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong 天 下 有 道,小 德 役 大 德,小 賢 役 大 賢.天 下 無 道,小 役 大,弱 役 彊.斯 二 者 天 也:順 天 者 存,逆 天 者 亡: Thiên-hạ có đạo, thì người có đức nhỏ làm tôi tớ người có đức lớn, người hiền nhỏ làm tôi tớ người hiền lớn. Thiên-hạ không có đạo, thì kẻ nhỏ làm tôi tớ kẻ lớn, kẻ yếu làm tôi tớ kẻ mạnh. Hai điều ấy cũng tự-nhiên ở Trời cả: thuận đạo Trời là còn, trái đạo Trời là mất ». Nước không có đạo thì « thượng vô lễ, hạ vô học, tặc dân hưng, táng vô nhật hỹ 上 無 禮,下 無 學,賊 民 興,喪 無 日 矣: người trên không có lễ, người dưới không có học, giặc-giã nổi lên, chẳng bao lâu mà mất vậy ». (Ly-Lâu, thượng). Trong nước mà « bất tín nhân hiền, tắc quốc hư không; vô lễ nghĩa, tắc thượng hạ loạn; vô chính-sự, tắc tài dụng bất túc 不 信 仁 賢,則 國 虛 空;無 禮 義,則 上 下 亂;無 政 事,則 財 用 不 足: không tin người hiền, thì nước trống không; không có lễ nghĩa, thì trên dưới loạn cả; không có chính-sự, thì của dùng không đủ. » (Tận-tâm, hạ). Vậy làm vua là phải có người hiên người giỏi giúp rập, có lễ nghĩa để giữ trật-tự, chính-sự tốt để kinh-doanh việc tài-sản, thì nước mới có thể thịnh-trị được.

Trong cái chính-thể quân-chủ, tuy có vua có tôi, nhưng vua phải lấy lễ mà dãi bầy tôi; bầy tôi phải lấy trung mà thờ vua. Trên dưới đều có định phận rõ-ràng. Nếu vua mà vô lễ, khinh bỉ kẻ bầy tôi, thì còn có gì là cái nghĩa vua tôi nữa. Bởi thế Mạnh-tử bảo vua Tề Tuyên-vương rằng: Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù 君 之 視 臣 如 手 足,則 臣 視 君 如 腹 心.君 之 視 臣 如 犬 馬,則 臣 視 君 如 國 人.君 之 視 臣 如 土 芥,則 臣 視 君 如 寇 讐: Vua xem bầy tôi như tay chân, thì bầy tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bầy tôi như chó như ngựa, thì bầy tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bầy tôi như đất như cỏ, thì bầy tôi xem vua như giặc như thù ». (Ly-Lâu, hạ). Xem thế thì nghĩa chữ trung của người làm tôi có cái giới-hạn rõ-ràng, chứ không phải gặp thế nào cũng trung được.

Kẻ làm tôi giúp vua phải hết sức khiến vua theo cái đạo nhân nghĩa mà trị nước trị dân. « Quân-tử chi sự quân giã, vụ dẫn kỳ quân dĩ đương đạo, chí ư nhân nhi dĩ 君 子 之 事 君 也,務 引 其 君 以 當 道,志 於 仁 而 已: Người quân-tử thờ vua, là vụ lấy dẫn ông vua theo đạo phải mà đi, cái chí là ở điều nhân mà thôi ». (Cáo-tử, hạ).

Thời Chiến-quốc bấy giờ, vua chúa các nước đều để chí vào sự doanh tư, mưu lợi, không ai nghĩ gì đến sự cứu dân, ai cũng chỉ lo việc tranh quyền cướp nước, gây ra nhiều sự chiến-tranh, làm cho thiên-hạ thật là khổ-sở. Bởi vậy Mạnh-tử hết sức công-kích sự chiến-tranh và những người vị danh, vị lợi, mà làm hại dân. Đối với những hạng người ấy, ông nói lắm câu rất kịch-liệt.

Ông nói rằng: « Cổ chi vi quan giã, tương dĩ ngự bạo; kim chi vi quan giã, tương dĩ vi bạo 古 之 爲 關 也,將 以 禦 暴;今 之 爲 關 也,將 以 爲 暴: Đời xưa làm cửa ải để ngăn chống sự tàn-bạo; đời nay làm cửa ải để làm điều tàn-bạo. (Tân-tâm, hạ). Nghĩa là đời xưa vua chúa lo giữ cho dân khỏi sự tàn-bạo, đời nay lo giữ cho vững cái thế-lực của mình mà làm điều tàn-bạo.

« Kim chi sự quân giả, viết: ngã năng vị quân tịch thổ địa, sung phủ khố. Kim chi sở vị lương thần, cổ chi sở vị dân tặc giã. Quân bất hướng đạo, bất chí ư nhân, nhi cầu phú chi, thị phú Kiệt giã 今 之 事 君 者,曰:我 能 爲 君 辟 土 地,充 府 庫.今 之 所 謂 良 臣,古 之 所 謂 民 賊 也.君 不 鄉 道,不 志 於 仁,而 求 富 之,是 富 桀 也: Nay người thờ vua nói rằng: Ta có thể vì vua mà mở rộng ruộng đất, làm đầy kho tàng. Người mà đời nay bảo là lương thần, đời xưa cho là dân tặc. Ông vua không theo đạo phải, không để chí làm điều nhân, mà lại theo giúp làm giàu cho ông vua ấy, tức là làm giàu cho vua Kiệt vậy. » (Cáo-tử, hạ).

Công-kích sự chiến-tranh, thì ông nói: « Hữu nhân viết: ngã thiện vi trận, ngã thiện vi chiến, đại tội giã 有 人 曰:我 善 爲 陳,我 善 爲 戰,大 罪 也: Có người nói: ta giỏi bày trận, ta giỏi đánh giặc. Như thế là tội lớn vậy. » (Tận-tâm, hạ). Ông lại nói: « Quân bất hành nhân chính, nhi phú chi, giai khí ư Khổng-tử giả giã. Huống ư vi chi cường chiến. Tranh địa dĩ chiến, sát nhân doanh dã; tranh thành dĩ chiến, sát nhân doanh thành, thử sở vị suất thổ địa nhi thực nhân nhục, tội bất dung ư tử. Cố thiện chiến giả, phục thượng hình; liên Chư-hầu giả, thứ chi; tịch thảo lai, nhiệm thổ địa giả, thứ chi 君 不 行 仁 政,而 富 之,皆 棄 於 孔 子 者 也.況 於 爲 之 強 戰.爭 地 以 戰,殺 人 盈 野;爭 城 以 戰,殺 人 盈 城;此 所 謂 率 土 地 而 食 人 肉,罪 不 容 於 死.故 善 戰 者,服 上 刑;連 諸 侯 者,次 之;辟 草 萊,任 土 地 者,次 之: Ông vua không làm nhân-chính, mà theo làm giàu cho ông vua ấy, là Khổng-tử cho là không phải vậy. Huống chi lại vì ông vua ấy mà làm những điều cường chiến. Đánh nhau để lấy đất, giết người đầy đồng; đánh nhau để lấy thành, giết người đầy thành; như thế gọi là đem đất ăn thịt người, tội ấy đem xử tử còn chưa hết tội. Cho nên kẻ thiện chiến thì nên chịu thượng hình, kẻ liên-hợp Chư-hầu để đánh nhau, thì nên chịu tội thứ, kẻ bắt dân đi mở chỗ rừng rậm để làm ruộng đất cho vua, thì nên chịu tội thứ nữa. » (Ly-Lâu, thượng).

Nói rút lại, cái học-thuyết của Mạnh-tử về đường chính-trị là cốt lấy sự hòa-bình mà bảo-tồn lấy dân. Đó là do sự cảm-xúc cái hoàn-cảnh đương thời, dân tình khổ-sở vì nỗi vua chúa tranh quyền tranh lợi, thiên-hạ loạn-lạc, cho nên ông muốn đem cái đạo lớn của thánh hiền mà khuyên răn mọi người, khiến cho ai nấy đều hồi-tỉnh lại, lấy nhân nghĩa mà đối với quốc-gia để cứu vớt muôn dân. Cái chính-sách của ông là cái chính sách cứu đời vậy.

III. — TÀI NGHỆ CỦA MẠNH-TỬ

Bài-xích các học thuyết khác. — Trong thời Mạnh-tử, các học-thuyết thịnh-hành lên, có nhiều học-thuyết xung-đột nhau kịch-liệt lắm, mà nhất là cái học của họ Dương và họ Mặc lại có thế-lực rất mạnh. « Dương-tử thủ vị-ngã, bạt nhất mao nhi lợi thiên-hạ, bất vi giã. Mặc-tử kiêm ái, ma đỉnh phóng chủng, lợi thiên-hạ, vi chi 楊 子 取 爲 我,拔 一 毛 而 利 天 下,不 爲 也.墨 子 兼 愛, 摩 頂 放 踵,利 天 下,爲 之: Dương-tử thì lấy vị-ngã làm chủ-nghĩa, nhổ một cái lông mà lợi cả thiên-hạ, cũng không làm. Mặc-tử thì lấy kiêm-ái làm chủ-nghĩa, dẫu nhẵn trán mòn gót mà lợi thiên-hạ, cũng làm ». (Tận-tâm, thượng).

Mạnh-tử cực lực bài-xích những học-thuyết ấy, để làm cho sáng rõ cái đạo của Khổng-tử. Có người bảo ông rằng: Ông hay biện-bác lắm. Ông trả lời rằng: « Dư khởi hiếu biện tai! Dư bất đắc dĩ giã 予 豈 好 辨 哉予 不 得 已 也: Há phải ta muốn biện-bác đâu! Ta bất đắc dĩ đó thôi... Thánh vương không có, Chư-hầu phóng-tứ, những kẻ xử-sĩ bàn ngang. Cái học của Dương Chu 楊 朱 và Mặc Địch 墨 翟 đầy khắp thiên-hạ. Người trong thiên-hạ không học theo họ Dương, thì học theo họ Mặc. Họ Dương theo chủ nghĩa vị-ngã, ấy là không có vua; họ Mặc theo chủ-nghĩa kiêm-ái, ấy là không có cha[6]. Không có cha. không có vua, là cầm thú vậy..... Nếu cái đạo của họ Dương, họ Mặc không tắt đi, cái đạo của Khổng-tử không sáng rõ ra, thì những tà thuyết sinh ra để lừa dối dân, làm tắt mất nhân nghĩa. Nhân nghĩa đã tắt mất thế là đem giống thú ra để ăn thịt người, rồi đến người ăn thịt lẫn nhau. Ta lấy điều ấy làm sợ, giữ cái đạo của tiên thánh, chống lại họ Dương ho Mặc, đuổi xa những dâm từ tà thuyết, khiến cho không khởi lên được. Vì rằng những dâm từ tà thuyết, đã khởi phát ra ở lòng người, thì hại cho việc làm, mà đã khởi phát ra ở việc làm, thì hại cho chính-thể.... Ta muốn sửa lòng người cho ngay chính, làm tắt những tà thuyết, ngăn cấm những việc làm chếch-lệch, đuổi xa những lời nói bậy, để theo cái đạo của thánh-nhân. Há phải là ta muốn biện-bác đâu! Ta bất đắc dĩ đó thôi. » (Đằng Văn-công, hạ).

Thuở ấy lại có Hứa Hành ở nước Sở xướng lên cái thuyết nông-phố, lấy sự cày cấy làm chủ-nghĩa. Theo cái học ấy thì trong nước, bất cứ vua chúa, hay người thường dân, ai cũng phải cày lấy ruộng, nấu lấy cơm mà ăn. Hứa Hành tự nước Sở đến nước Đằng, nói với Đằng Văn-công rằng: « Hiền giả dữ dân tịnh canh nhi thực, úng tôn nhi trị. Kim giã Đằng hữu thương lẫm phủ khố, tắc thị lệ dân nhi tự dưỡng giã 賢 者 與 民 竝 耕 而 食,饔 飧 而 治.今 也 滕 有 倉 廩 府 庫,則 是 厲 民 而 自 養 也: Kẻ hiền-giả cùng cày ruộng với dân, buổi sáng buổi tối nấu lấy mà ăn, mà trị việc thiên-hạ. Nay nước Đằng có kho tàng đựng đầy thóc gạo và của cải, thế là làm hại dân để nuôi mình vậy ».

Lúc ấy có Trần Tương theo học cái đạo của Hứa Hành và đem đạo ấy nói với Mạnh-tử. Mạnh-tử lấy cái đẳng-cấp cần phải có ở trong xã-hội mà bài-bác cái học ấy. Ông nói rằng: « Có việc của bậc đại nhân, có việc của bậc tiểu nhân. Nếu đem cái thân một người mà làm việc trăm người, việc gì cũng phải làm lấy mà dùng, thế ra bắt thiên-hạ cứ chạy luôn ở ngoài đường. Cho nên nói rằng: Hoặc lao tâm. hoặc lao lực. Lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân. Trị ư nhân giả tự nhân, trị nhân giả tự ư nhân. Thiên-hạ chi thông nghĩa giã 或 勞 心,或 勞 力.勞 心 者 治 人,勞 力 者 治 於 人.治 於 人 者 食 人,治 人 者 食 於 人.天 下 之 通 義 也: Hoặc lao tâm, hoặc lao lực. Nguời lao tâm thì trị người, người lao lực thì để người ta trị mình. Kẻ để người ta trị mình thì phải nuôi người ta, kẻ trị người thì được người ta nuôi mình. Cái thông nghĩa của thiên-hạ là thế vậy ».

Trần Tương nói rằng: « Cứ theo cái đạo của Hứa-tử, thì chợ không có hai giá, trong nước không có sự giả dối. Dẫu sai đứa trẻ con đi ra chợ, cũng không bị ai lừa đảo. Tấm lụa tấm vải dài ngắn bằng nhau, thì cùng bán một giá; gai, sợi, tơ, bông, nặng nhẹ bằng nhau, thì cùng bán một giá; gạo thóc nhiều ít bằng nhau, thì cùng bán một giá; dày dép lớn nhỏ bằng nhau, thì cùng bán một giá ». — Mạnh-tử trả lời rằng: « Phù vật chi bất tề, vật chi tình giã 夫 物 之 不 齊,物 之 情 也: Phàm vật mà không đều nhau, là sự thực của vật vậy. Có cái hơn gấp đôi gấp năm, có cái hơn gấp mười gấp trăm, có cái hơn gấp nghìn gấp vạn, ông đem cho như nhau cả, ấy là loạn thiên-hạ vậy. Giả sử làm dép lớn dép nhỏ mà bán đồng một giá, thì có ai còn làm dép lớn nữa không? Vậy theo cái đạo của Hứa-tử, thành ra bảo nhau mà làm điều giả dối. Như thế thì trị thế nào được quốc gia? » (Đằng Văn-công, thượng). Theo cái thuyết của Hứa Hành, thì chỉ nói cái lượng là dài ngắn, nặng nhẹ, lớn nhỏ, để định giá bằng nhau mà thôi, chứ không nghĩ đến cái phẩm là tinh thô, xấu đẹp, khéo vụng. Mạnh-tử lấy cái phẩm của vật không thể đồng được, mà bác cái thuyết của Hứa Hành.

Cái quan-niệm cho người ở trong xã-hội có giai-cấp và vạn vật ở trong vũ-trụ có sai-đẳng là một điều rất trọng-yếu trong Nho-giáo. Có giai-cấp, có sai-đẳng, thì mới có cái đạo điều-hòa, khiến cho vạn vật các-đắc kỳ sở để cùng nhau theo thiên-lý mà lưu-hành, mà tiến-hóa ở trong trật-tự. Thiết tưởng đó là cái sở trường của Nho-giáo vậy.

Văn-từ và học-vấn của Mạnh-tử. — Mạnh-tử là người hiểu rõ cái đạo của Khổng-tử, và lại lĩnh-hội được hết các ý nghĩa uyên-áo trong sáu kinh. Ông rất sùng bái Khổng-tử, cho nên điều gì ông cũng thường hay lấy Khổng-tử làm tiêu-chuẩn. Ông nói rằng: « Khổng-tử thánh chi thời giả giã 孔 子 聖 之 時 者 也: Khổng-tử là bậc thánh về thời vậy ». Nghĩa là ngài có gồm hết cả cái đức tốt của các bậc thánh khác, và ở vào thời nào cũng ứng-dụng được. Ông lại nói rằng: Khổng-tử là bậc tập đại thành 集 大 成. Tập đại thành là nói gồm cả tiếng kim thanh và tiếng ngọc chấn. Kim thanh là tiếng chuông khởi đầu đề điều-lý cả các tiếng hòa-nhạc, ngọc chấn là tiếng khánh cuối cùng để điều-lý cả các tiếng hòa-nhạc. Điều-lý lúc đầu là việc trí, điều-lý lúc cuối là việc thánh ». (Van-Chương, hạ). Ý nói là Khổng-tử có đủ cả trí và đức, gồm cả mối đầu và mối cuối cái đạo rất hoàn-toàn vậy.

Ông muốn đem cái sở đắc của ông để tùy thời mà hành đạo. Ông thấy thuở ấy nhà Chu đã suy-nhược lắm rồi, vua các nước Chư-hầu không ai biết đến vua nhà Chu nữa, cho nên không những là ông không nói đến sự tôn nhà Chu như Khổng-tử, mà lại khuyên vua các nước nên làm điều nhân-chính để làm vương cả thiên-hạ. Dẫu ông không gặp được cơ-hội mà thi-thố cái tài năng của mình, song nhờ có những lời biện-luận mạnh-mẽ của ông mà cái đạo của thánh-nhân sáng rõ ra được. Thật ông là một người có công rất lớn trong Nho-giáo. Nhưng vì cái học của ông không được thuần-túy và hàm-súc bằng cái học của Khổng-tử, cho nên hậu-thế gọi ông là á-thánh, nghĩa là gần bậc thánh, chứ chưa được là thật bậc thánh.

Cái học của ông đã rộng, cái văn của ông lại có cái anh khí làm cho lời văn rất mạnh. Có lắm chỗ lời ông nói rất là thiết-tha chặt-chẽ. Khi ông đã bài-bác điều gì, thì ông xoắn chặt lấy điều ấy và dùng câu hỏi mà xoay mãi cho đến khi người ta phải chịu, không trả lời được nữa mới thôi. Trong những lời biện-bác của ông, bao giờ mạch lạc vẫn quán thông, nghĩa lý vẫn rõ-ràng. Khi ông nghị-luận điều gì, thì ông hay lấy những chuyện giản-dị để viện chứng cho rõ cái lý-thuyết của ông. Có lắm khi ông muốn sửa cái nết xấu của người ta, thì ông kể một chuyện nào, rồi đem ý tứ rút vào trong mấy lời kết thúc sau cùng. Như khi ông chê những kẻ tham danh lợi làm những điều đê-hạ mà không biết xấu-hổ, thì ông lấy chuyện một người nước Tề làm thí-dụ. Ông nói rằng: « Một người nước Tề cùng ở một nhà với hai vợ. Người ấy cứ ngày ngày đi đâu về cũng thấy no say. Người vợ cả hỏi đi ăn uống với ai, thì người ấy nói đi ăn uống rặt với những người sang giàu cả. Người vợ cả bảo người vợ lẽ rằng: « Chồng ta đi đâu thì cũng ăn uống no say rồi mới về. Hỏi thì nói rằng: đi ăn uống với những người sang giàu hết cả. Thế mà ta chưa thấy ai là người sang-trọng đến nhà ta. Ta sẽ giò xem chồng ta đi những đâu ». Ngày hôm sau, sáng dậy, người vợ cả lẻn đi theo người chồng. Đi khắp mọi nơi, không thấy ai đứng nói chuyện với chồng mình. Sau thấy người chồng đi đến xóm phía đông, chỗ có người đang cải mả, xin những đồ người ta cúng tế xong mà ăn, ăn chưa đủ, lại nghểnh lên trông xem có chỗ nào lại đi đến xin ăn nữa. Ấy là cái cách của người ấy làm cho được no say là thế. Người vợ cả về nói với người vợ lẽ rằng: « Người chồng là người của ta trông cậy suốt đời, nay đệ-hạ như thế đấy ». Người vợ cả nói cái xấu-xa của chồng với người vợ lẽ, rồi cả hai người cùng khóc ở giữa sân. Người chồng về không biết, hớn-hở đi từ ngoài vào, lên mặt với hai vợ.

« Cứ người quân-tử xét ra, thì người cầu phú quí lợi đạt, mà thê thiếp không xấu-hổ và không khóc với nhau, là ít có vậy ». (Ly-Lâu, hạ),

Lối lập-ngôn như thế rất dễ hiểu, mà xem không mỏi, không chán. Song lời văn của Mạnh-tử thường hay có góc có cạnh, không được ôn-nhuận như lời văn của Khổng-tử. Lời văn của Khổng-tử là lời nói của ông thầy, câu nào cũng sung-thiệm hàm-súc, thật đáng là bậc thánh-sư muôn đời. Lời văn của Mạnh-tử là lời nói của một người đi truyền đạo, có cái khí-tượng hùng-kính và bộc-trực, rất đáng giúp thánh-nhân làm cho rõ mối đạo vậy.

Bộ sách Mạnh-tử và sách Luận-ngữ, sách Đại-học, sách Trung-dung cùng với năm kinh của Khổng-tử là mấy bộ sách cốt-yếu của Nho-giáo. Về đường học-vấn của Nho-giáo, thì sách Mạnh-tử rất có giá-trị. Trình Y-xuyên đời nhà Tống nói rằng: « Kẻ đi học nên lấy sách Luận-ngữ và sách Mạnh-tử làm cốt. Đã biết được hai bộ sách ấy, thì không cần phải học năm kinh cũng rõ được đạo của thánh-hiền vậy ».

Phái chính-truyền của Nho-giáo là phái Tăng-tử ở nuớc Lỗ, truyền đến Mạnh-tử là hết. Về sau học-trò ông không có ai nối được đạo thống, thành thử cái học của Nho-giáo càng ngày càng sai lầm mãi đi. Vả ngay đời Chiến-quốc bây giờ, sau Mạnh-tử độ bốn năm mươi năm, trong Nho-giáo đã có học-phái thiên về cái thuyết tính ác, đối với việc thực-hành và việc chính-trị thì chủ lấy lễ-nghi và hình-pháp làm tôn-chỉ. Phái này là phái của Tuân-tử, ta sẽ xét ở thiên sau vậy.

  1. Trong sách Mạnh-tử thường dùng chữ tình với chữ tài đồng một nghĩa. Chữ tình ở đây cũng nghĩa như chữ tài.
  2. Triệu Mạnh là quan đại-phu nước Tề.
  3. Tống nho cắt nghĩa chữ ch 至 là cực, cho chí là trên, khí là dưới. Nhưng Minh-nho Vương Dương-Minh nói nên để chữ chíđến, vì sau có câu: « Trì kỳ chí, vô bạo kỳ khí. » Đã trì kỳ chí lại vô bạo kỳ khí, việc nọ ở trong việc kia, chứ không phải là hai việc khác nhau. Xét ra cái ý-kiến ấy phải hơn.
  4. Chương này chư nho chấm câu như sau này: 必 有 事 焉 而 勿 正,心 勿 忘,勿 助   也, và cắt nghĩa chữ chính 正 là mong chóng thành hiệu. Nhưng xét ra cái nghĩa ép lắm. Theo Lục Tượng-sơn để chữ tâm lện câu trên, thì thuận nghĩa hơn. Lục Tượng-sơn cho: 必 有 事 焉 而 勿 正 心 làm một câu, 勿 忘,  助 長 也 làm một câu. Câu dưới giải nghĩa câu trên, như là nói: 心 有 事 焉,勿 忘 也.勿 正 心,勿 助 長 也.
  5. Cô-thần là người làm tôi ông vua mất nước: nghiệt-tử là đứa con trọi một mình, trên không có cha mẹ trông coi, dưới không có anh em giúp đỡ.
  6. Dương Chu theo cái học-thuyết của Lão-tử, chỉ biết yêu thân mình mà không biết cái ý-nghĩa trí thân 致 身, tức là bỏ mình mà thờ vua, cho nên là không có vua. Mặc Địch theo cái chủ-nghĩa kiêm-ái, coi người chí-thân chang khác gì người đi đường, cho nên là không có cha.