Bước tới nội dung

Nho giáo/Quyển II/Thiên IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN IV

CUỐI ĐỜI CHIẾN-QUỐC VÀ ĐỜI NHÀ TẦN
(230-202 trước Tây-lịch)

THỜI-KỲ TRUNG-SUY CỦA NHO-GIÁO

Nho-giáo truyền đến đời Chiến-quốc phải một thời trung-suy. Tình-thế xã-hội Tàu thủa ấy loạn-lạc đến cực-điểm: phong-tục bại-hoại, luân-thường đổ nát, vua chúa các nước chỉ chăm lo việc chiến-tranh, hết nước này đánh nước nọ, thì đến nước nọ đánh nước kia, việc can-qua không lúc nào nghỉ. Ở ngoài thì có Cường-Tần hà-hiếp và xâm-lược, ở trong thì việc chính-trị rối loạn. Những nhà học-giả phần nhiều hoài-bão cái tư-tưởng hoài-nghi của họ Lão họ Trang, khuynh-hướng về mặt tiêu-cực, cho đời người có hạn, mà sự tri-thức thì vô cùng, dẫu có học tập tìm kiếm, cũng không biết thế nào là thật phải, thế nào là thật trái. Bởi cái tư-tưởng hoài-nghi ấy, cho nên người ta bỏ mất cái lòng tín-ngưỡng về chân-lý và sự tiến-hóa. Còn những người muốn cứu đời thì thấy sự học cao xa không có ích ngay cho việc đương thời, đều chú-trọng ở sự công-dụng thiển-cận, và thiên về mặt hình-pháp, chủ-trương cái thủ-đoạn chuyên-chế mà bắt buộc nhân-chúng phải phục-tùng những nhà có quyền-thế. Vì những lẽ ấy, các học-phái đều mất dần đi, chỉ còn lại cái học-phái hình-danh, chuyên chủ về mặt chính-trị.

Nho-giáo vốn là cái học tích-cực có cái tôn-chỉ rất cao minh, thế mà đến bấy giờ cũng biến-thiên ra cái học chuyên trị về mặt hình-pháp, chỉ cầu lấy sự công-dụng hẹp-hòi trước mắt. Ấy là đủ biết cái học-thuật ở cuối đời Chiến-quốc đã suy kém lắm vậy.

Sự biến-thiên ấy có thể chia ra làm ba độ. Lúc đầu Khổng-tử lấy « nhân » mà dạy người ta cách đối thời dục vật, tức là lấy cái trực-giác mẫn-nhuệ mà theo thiên-lý để xử-trí mọi việc cho hợp thời thuận lý, khiến vạn vật các đắc kỳ sở và giữ được cái sinh-thú ở đời. Thật là một sự học có cái thái-độ rất ung-dung hoằng-đại, đáng làm cơ-sở cho sự học của người quân-tử.

Cái học ấy truyền được hơn một trăm năm, Mạnh-tử lại phát-minh ra cái mối tâm-học rõ-ràng hơn nữa. Ông dạy người ta giữ lấy cái bản-tâm rất linh-diệu, tự nó sáng suốt, khiến ta biết rõ cái chân-lý ở đời. Theo cái học của ông mà hễ nguời nào giữ được cái tâm sáng-suốt, thì biết « nhân » là vườn rộng ta ở, « nghĩa » là cái đường lớn ta đi, không bao giờ bị cái lợi và cái dục làm cho ta lầm đường lạc lối. Nho-giáo truyền đến đó tuy về đường hình-thức có một vài điều hơi khác cái học của Khổng-tử, nhưng cái tinh-thần vẫn là một.

Cách Mạnh-tử độ mấy chục năm, thì có Tuân-tử xuớng lên cái thuyết tính-ác và lại chú-trọng ở sự dùng lễ mà kiểu-sức cái tính-ác. Tuy ông vẫn giữ cái nền nhân nghĩa trung tín để làm cơ-sở cho sự giáo-hóa, nhưng ông thiên về mặt công-dụng và chủ-trương cái thủ-đoạn chuyên-chế để trừ bỏ những điều mà ông cho là tà-thuyết, bí-từ. Cái kết-quả của sự học ấy gây thành cái chính-trị chuyên-chế ở đời nhà Tần vậy.

Ấy là từ đời Xuân-thu đến cuối đời Chiến-quốc cái học của Nho-giáo đã biến-thiên đi như thế. Hết đời Tuân-tử thì trong Nho-giáo chỉ còn có một người trứ-danh hơn cả là Hàn Phi; song Hàn Phi lại không phải là người chân-nho nữa, cho nên ta có thể nói rằng Nho-giáo truyền đến đầu đời nhà Tần là đã gián-đoạn vậy.

Hàn Phi. — Hàn Phi 韓 非 là một vị công-tử nước Hàn, cùng với Lý Tư 李 斯 theo học Tuân-tử. Song Lý Tư vẫn chịu Hàn Phi giỏi hơn mình. Hàn Phi có tật nói ngọng, không đàm-thuyết được, cho nên hay làm sách. Ông thấy nước Hàn suy-nhược, thường hay dâng thư lên Hàn-vương để bày tỏ cái đạo trị-nước, nhưng Hàn-vương không dùng. Sau nước Tần đánh nước Hàn nguy-cấp lắm, vua nước Hàn sai ông đi sang sứ nước Tần. Vua nước Tần (tức về sau là vua Thủy-hoàng) đã xem sách của Hàn Phi, vẫn có lòng kính-phục, muốn dùng ông, nhưng lúc ấy bạn ông là Lý Tư đã làm tướng nước Tần, sợ ông được trọng-dụng, thì tranh mất quyền-lợi của mình, bèn nói dèm với vua nước Tần, bắt bỏ ngục. Lý Tư lại sai người đưa thuốc độc cho ông uống mà tự tự. Hàn Phi tuy không được dùng ở đời, nhưng cái học của ông sau đem thi-hành ra ở nước Tần.

Hàn Phi là môn-đệ Tuân-tử, nhưng vì cái học của ông thiên về mặt hình-pháp, không phải là tôn-chỉ của Nho-giáo, vậy nên không thể cho ông vào hạng học-giả, đại-biểu Nho-giáo được. Tuy nhiên cái học của ông có quan-hệ đến sự trung-suy của Nho-giáo, nên chi ta lược qua một vài điều để bày tỏ cái học ấy là thế nào.

Sách của Hàn Phi làm ra hiện nay có tất cả là 55 thiên, trước gọi là Hàn-tử, rồi đến đời nhà Tống, các nho-giả sợ người ta lầm với Hàn Dũ ở đời Đường, cho nên mới đổi là Hàn-phi-tử. Trong 55 thiên ấy có nhiều thiên không phải là nguyên-văn của tác-giả. Song xét kỹ sách ấy ta cũng có thể biết rõ cái phần tinh-hoa vậy.

Trong sự học có hai lối tìm chân-lý. Một là dùng trực-giác, tức là dùng cái sáng-suốt tự-nhiên của tâm mà biện-biệt các sự-vật; hai là dùng lý-trí mà suy-xét các sự-vật. Lối thứ nhất thì biết rất nhanh và thấu ngay tới tinh-thần sâu-xa. Lối ấy chính là lối Khổng-tử và Mạnh-tử thường dùng. Học theo lối ấy thì lúc nào cũng cần phải có cái tâm hư-tĩnh để tu-dưỡng cho đến bậc nhân, thì rồi mới có cái trực-giác mẫn-nhuệ và mới có cái biết rất sáng-suốt. Song theo cái học ấy thì có một điều rất khó là ai biết cái gì thì tự mình ý-hội lấy mà thôi, chứ thường không thể lấy lời nói mà giải rõ ra hết các ý nghĩa được, vậy nên mới gọi là cái học tâm-đắc, phi hạng trung nhân dĩ thượng có tư-cách đặc-biệt thì không học được. Hạng trung-nhân dĩ hạ, dẫu có học cũng không thành-tựu, bởi thế cho nên có người học mất rất nhiều công-phu mà vẫn mang vô sở đắc 茫 無 所 得, nghĩa là vẫn mơ-màng không có cái gì là sở đắc. Học như thế thì không có bổ-ích gì. Cũng vì thế cho nên thành ra bao nhiêu người học đạo thánh hiền mà vẫn không hiểu được đạo của thánh hiền.

Lối thứ hai thì dùng lý-trí mà suy sự-lý nọ đến sự-lý kia, cho đến cái sự-lý cuối cùng. Lối ấy chính là lối của Mặc-tử bên Mặc-giáo và Tuân-tử bên Nho-giáo thường dùng. Học theo lối này thì bất cứ hạng người trung nhân dĩ thượng hay trung nhân dĩ hạ cũng có thể học được, mà đã học cái gì thì biết tinh-tường cái ấy, và có thể phu-diễn ra lời nói rất rõ-ràng. Bởi thế cho nên phải nói nhiều và viết nhiều, trái với cái lối tâm-học chỉ muốn « bất ngôn nhi giáo ». Lối dùng lý-trí có mấy điều không lợi, là những điều mà ta có thể nói rõ ra được, thường là những điều thuộc về phần bì-phu ở ngoài, ít khi thấu tới phần cốt tủy ở trong. Mà có thấu tới phần sâu xa nữa, thì cũng chỉ xét mặt nào biết mặt ấy mà thôi, chứ không thể quán-xuyến được hết các mặt khác. Lý-trí lại dễ uốn ra mặt nào cũng được, và nó hay tùy-tùng cái tư-tâm tư-ý của người ta mà gây thành cái ý-kiến thiên-lệch. Thí dụ: Một điều, theo lẽ tự-nhiên là phải, nhưng vì lòng ghét rồi lấy lý-trí mà viện ra các lẽ cho là trái được; hoặc một điều trái thật, nhưng vì lòng yêu, rồi lấy lý-trí mà viện ra các lẽ để cho là phải được. Cái lý-trí của người ta dễ uốn như thế, thì lấy gì làm chắc? Vậy, nếu bỏ cái tâm sáng-suốt, mà chỉ theo cái lý-trí không chắc-chắn, thì thường hay có nhiều sự sai lầm mà không biết.

Những chân-lý ở đời ví như các con đường đi trong rừng rậm. Người có trực-giác sáng rõ tự hồ người bay bổng lên trên cao, trông xuống thấy rõ các con đường đi ngang đi dọc. Người theo lý-trí thì hình như người len-lỏi theo một con đường, đi đường nào chỉ biết đường ấy, còn ở bên cạnh có những đường nào khác nữa không biết. Hoặc có biết thì cũng không biết hết cả mọi đường. Ấy hai lối khác nhau là thế, mỗi lối có cái sở trường và cái sở đoản, kẻ học-giả nên tế-nhận mà biết cho rõ.

Hàn Phi học theo Tuân-tử dùng lý-trí mà suy-luận cho đến cùng, tất phải thiên về mặt hình-pháp và mặt công-dụng, kết-quả là thành cái chế-độ chuyên-chế độc tôn. Nguyên cái học của Tuân-tử đã có nhiều điều xa cái tôn-chỉ của Khổng-giáo, đến Hàn Phi thì trái hẳn cái tôn-chỉ ấy.

Khổng-giáo lấy những bậc thánh hiền đời cổ làm tiêu-chuẩn là cốt dạy người ta biết dùng những điều nhân nghĩa để tùy thời mà ứng-dụng cho hợp thời và thuận lý, chứ có phải là bảo nên theo cho đúng những sự-nghiệp của thánh hiền đã làm đâu. Hàn Phi không hiểu lẽ ấy, cho nên mới nói ở thiên Ngũ-đố rằng: « Đời thượng-cổ, người ít, cầm thú nhiều, thánh-nhân chụm cây làm tổ, để tránh các loài thú dữ làm hại; người ta ăn trái cây cùng các loài sống-sít hôi tanh, thánh nhân dùi gỗ lấy lửa để nấu chín mà ăn cho khỏi bệnh tật. Đời trung-cổ nước lụt mênh-mông, ông Cổn ông Vũ khơi ngòi cho nước chảy. Đời cận-cổ vua Kiệt vua Trụ tàn-bạo, vua Thang vua Vũ phải chinh-phạt. Nay nếu có người chụm cây làm tổ, dùi gỗ lấy lửa ở đời nhà Hạ, thì tất bị ông Cổn ông Vũ cười; nếu có người khơi ngòi cho nước chảy ở đời nhà Ân, nhà Chu, thì tất bị vua Thang vua Vũ cười. Vậy nay có người cho đạo vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, vua Võ là hay ở đương thời, tất là bị bậc thánh đời nay cười. Ấy là bậc thánh-nhân không vụ theo cổ, không bắt-chước cái đạo thường khả, chỉ xét việc đời và nhân đó mà phòng-bị ».

Thánh hiền cho cái đạo của cổ kim vẫn là một, bao giờ cũng phải lấy nhân nghĩa mà trị người, nhưng phải tùy thời mà ứng-dụng. Ở đời chất-phác phải dùng lối chất-phác, ở đời văn-minh phải dùng lối văn-minh. Đó là cái nghĩa tùy thời ở trong kinh Dịch. chính đúng cái nghĩa « thế dị tắc sự dị 世 異 則 事 異: đời khác thì việc khác » và « sự dị tắc bị biến 事 異 則 備 變: việc khác thì cách phòng-bị phải biến đổi » (Ngũ-đố, XLIX). Thế mà Hàn Phi lại lấy những lẽ ấy mà bài-bác đạo của thánh hiền, thật là ông không hiểu cái tinh-thần sâu xa của Nho-giáo.

Hàn Phi lại theo cái thuyết pháp hậu vương của Tuân-tử mà thiên trọng về mặt chứng-nghiệm. Ông nói rằng: « Khổng-tử, Mặc-tử đều nói đạo vua Nghiêu, vua Thuấn, mà cái lấy cái bỏ không đồng nhau. Hai bên đều tự nhận là mình biết rõ vua Nghiêu, vua Thuấn; nhưng vua Nghiêu, vua Thuấn, không sống lại, thì ai định được cái chân-thực của đạo Nho và đạo Mặc? Nay muốn xét rõ cái đạo vua Nghiêu, vua Thuấn, từ trước 3000 năm, thì có thể nào chắc được không? Không có cái tham-nghiệm rõ-ràng mà quyết-chắc, là ngu; không quyết-chắc được mà cứ theo, là lầm vậy. Cho nên ai theo tiền-vương mà quyết-chắc ở vua Nghiêu, vua Thuấn, không phải là ngu thì là lầm vậy. Cái học ngu và lầm là trái với việc làm, đấng minh-chủ không chịu vậy » (Hiến-học, L).

Cái học cần có chứng-nghiệm chính là cái học rất hay, nhưng về đường lý-thuyết có khi dẫu không có chứng-nghiệm mà cũng có thể hay được. Vì vậy mới cần có cái tâm sáng-suốt để biện-biệt cái hay cái dở, sự phải sự trái. Vậy không nên cố-chấp bó-buộc sự tri-thức của người ta vào một chỗ chứng-nghiệm, khiến cho cái tinh-thần không mở rộng ra được mà soi đến những chỗ vô-hình uyên-áo. Những chỗ ấy có cái thế-lực quan-hệ đến sự tiến-hóa của nhân-loại, thường lại mạnh hơn những cái mà ta có thể chứng-nghiệm được. Phàm cái học nào mà chỉ chuyên chú về một mặt là hẹp và nông, rất hại cho tinh-thần và trí-tuệ của người ta.

Song phải biết rằng cái học của Hàn Phi là gấp về sự cứu thời, vụ lấy sự làm cho mạnh cái thế-lực của nhà vua, cho nên bất cứ điều gì hễ không lợi cho nhà vua là ông bác đi hết. Ông ở vào thời-đại cực loạn, người đời chỉ biết xu danh trục lợi, miệng nói những điều nhân nghĩa mà việc làm thì rất tàn-bạo. Ông thấy cái tình-thế đương thời như vậy, cho nên ông tính cái đạo trị nước không gì hơn cái thủ-đoạn chuyên-chế, lấy thế-lực rất mạnh của nhà vua mà đàn-áp thần dân, bắt mọi người phải phục-tùng mệnh-lệnh, chứ không muốn có người trí-xảo, hay gây ra nhiều sự nguy-biến. Ông nói rằng: « Thánh-nhân chi đạo, khử trí dữ xảo. Trí xảo bất khử, nan dĩ vi thường 聖 人 之 道,去 智 與 巧.智 巧 不 去,難 以 爲 常: Đạo của thánh-nhân là bỏ cái trí và cái xảo. Trí xảo không bỏ thì khó lấy làm đạo thường » (Đương-quyền, VIII). Đây ta phải hiểu rằng bản ý của Hàn Phi không phải theo như cái học của Lão-tử, vụ lấy cái chất-phác mà theo đạo, nhưng cốt chủ-trương việc chuyên-chế độc tôn, cần cho người trong nước chỉ biết có quyền ông vua mà thôi, chứ không biết có quyền nào khác nữa. Ông vua muốn thế nào, thiên-hạ phải theo như thế, những người trí xảo thường hay thừa cơ mà cướp-quyền của vua, vậy nên phải bỏ,

Hàn Phi bác cả những điều cốt-yếu trong đạo luân-thường, như là hiếu đễ trung tín. Ông cho những điều ấy là làm loạn thiên-hạ. « Thiên-hạ giai dĩ hiếu đễ trung thuận chi đạo vi thị giã, nhi mạc tri sát hiếu đễ trung thuận chi đạo, nhi thẩm hành chi, thị dĩ thiên-hạ loạn 天 下 皆 以 孝 悌 忠 順 之 道 爲 是 也,而 莫 知 察 孝 悌 忠 順 之 道,而 審 行 之,是 以 天 下 亂: Thiên-hạ đều lấy cái đạo hiếu đễ trung thuận làm phải, mà không biết xét cái đạo hiếu đễ trung thuận, để biết rõ mà thi-hành, là thiên-hạ loạn (Trung-hiếu, LI). Cứ như ý ông thì người làm vua trị thiên-hạ chỉ cần có pháp-luật rất nghiêm mà thôi, chứ không cần đến luân-thường đạo-lý, Song có một điều ông không nghĩ đến nơi, là dầu xã-hội cần phải có pháp-luật, nhưng dùng pháp-luật mà không lấy luân-lý làm gốc, thì thành ra hà-khốc, không phải là cái đạo chính-đáng để trị nước. Cách biện-luận trái ngược như thế, thật là một lý-thuyết quái-đản. Nhưng thời bấy giờ học-thuật đã kém, tư-tưởng của người ta khuynh-hướng về mặt công-dụng thiên-cận, học-giả còn ai nghĩ đến đạo-lý cao xa nữa, thành thử cái học hình-pháp mới thịnh-thành. Hàn Phi nói rằng: « Phế thường thượng hiền tắc loạn, xả pháp nhiệm trí tắc nguy. Cố viết: thượng pháp nhi bất thượng hiền 廢 常 上 賢 則 亂,舍 法 任 智 則 危.故 曰:上 法 而 不 上 賢: Bỏ đạo thường, chuộng kẻ hiền, thì loạn; bỏ phép, dùng kẻ trí, thì nguy. Cho nên nói rằng: chuộng phép mà không chuộng hiền » (Trung-hiếu, LI).

Trong cái học của Hàn Phi có phần khả thủ là phần nói về cái thể cách của pháp-luật. « Pháp giả hiến lệnh trứ ư quan phủ, hình phạt tất ư dân tâm. Thưởng tồn thận pháp, nhi phạt gia hồ gian lệnh giả giã 法 者 憲 令 著 於 官 府,刑 罰 必 於 民 心.賞 存 慎 法,而 罰 加 乎 姦 令 者 也: Pháp là phép-tắc hiệu-lệnh rõ ra ở chỗ công, hình-phạt là để cho lòng dân quyết-chắc mà theo. Ai giữ phép cẩn-thận thì thưởng, trái lệnh thì phạt » (Định-pháp, XLIII). Những pháp-luật của-một nước phải biên chép rõ-ràng và tuyên-bố cho công-chúng biết. « Pháp giả biên trứ chi đồ tịch, thiết chi ư quan phủ, nhi bố chi ư bách tính giả giã 法 者 編 著 之 圖 籍,設 之 於 官 府,而 布 之 於 百 姓 者 也: Pháp là biên rõ ra ở trong sách vở, bày ra ở chỗ công và tuyên-bố ra chỗ trăm họ » Nạn-tam, XXXVIII).

Hàn Phi theo cái chủ-nghĩa cực-đoan về đường hình-pháp, cho nên ngoại giả những điều gì không can-hệ đến hình-pháp, hay là những điều cao xa không có ích lợi ngay, là ông muốn bỏ hết. Ông cho việc ích lợi ngay là việc làm cho nước giàu binh mạnh, còn sự văn-học, nghĩa-hiệp đều là vô ích. Cho nên nói rằng: « Những việc không tương dung là không tương đối với nhau được. Ai chém kẻ cừu-địch thì được thưởng, mà lại nâng cao những việc từ-huệ; ai lấy được thành-trì thì ban cho tước lộc, mà lại tin cái thuyết kiêm-ái. Làm cho bền áo giáp, mài sắc lưỡi gươm để phòng-bị lúc nguy-nan, mà lại trang-sức đồ mặc của quan văn. Dùng nghề làm ruộng để làm giàu cho nước, cậy ở sĩ tốt để chống quân giặc, mà lại quí những kẻ văn-học. Bỏ cái dân kính trên và sợ phép, mà nuôi bọn du-hiệp và kiếm-sĩ. Cách cử-hành như thế thì làm cho trị và mạnh không thể được. Nuớc yên thì nuôi bọn nho bọn hiệp, nước có nạn thì dùng võ-sĩ, cái lợi không phải cái dùng, cái dùng không phải cái lợi. Ấy thế cho nên kẻ làm việc thì bỏ sơ-sài sự-nghiệp của mình, người du-học thì càng ngày càng nhiều. Tại thế mà hóa ra đời loạn vậy. Vả cái mà đời cho là hay là việc trinh-tín, đời cho là khôn là lời nói vi-diệu. Lời nói vi-diệu, bậc thượng-trí còn khó biết vậy. Nay lấy những điều bậc thượng-trí cho là khó biết mà làm khuôn phép cho nhân-chúng thì dân không biết theo đâu mà biết vậy. Cho nên kẻ ăn tấm cám không no, thì được đủ ăn là sướng, không cần phải có cao-lương mới ăn được. Kẻ mặc áo ngắn rách không đủ ấm mà được đủ mặc là thích, không cần phải có gấm vóc. Phàm việc trị đời mà cái kíp không được, thì cái hoãn không phải là việc cần. Nay cái chính-sự để trị nước, và những việc của dân-gian, mà cái gì kẻ thất-phu thất-phụ có thể biết rõ được thì không dùng, lại chuộng những luận-thuyết của bậc thượng-trí, thì trái với sự trị vậy. Cho nên những lời nói vi-diệu không phải là việc của dân vậy. Nay dân trong nước đều nói việc trị, những người chứa ở trong nhà những- chế-độ của họ Thương họ Quản thì có, mà nước thì nghèo; những người nói cày ruộng thì nhiều, mà người cầm cày đi cày thì ít. Người trong nước đều nói việc binh, những người chứa ở trong nhà những sách của họ Tôn họ Ngô thì có, mà binh thì càng ngày càng yếu. Người nói việc chiến-đấu thì nhiều, mà người mặc áo giáp thì ít. Cho nên đấng minh-chủ chỉ dùng cái sức, chứ không nghe lời nói, thưởng cái công, trừng-trị và ngăn-cấm cái vô dụng » (Ngũ-đố, XLIX).

Đoạn này Hàn Phi nói rõ cái tệ học hư-văn của người đời bấy giờ. Song vì cái tệ đó mà muốn bỏ hết các cái học-thuyết có lý-tưởng cao xa, thì lại thiên về cái chủ-nghĩa cực-đoan, rất hại cho sự học-vấn. Ông cho là việc gì không hợp với công-dụng, thì dẫu hay thế nào cũng là dở. « Phù ngôn hạnh giả dĩ công dụng vi chi đích cấu giả giã... Kim thính ngôn quan hạnh, nhi bất dĩ công dụng vi chi đích cấu, ngôn tuy chí sát, hạnh tuy chí kiên, tắc vọng phát chi thuyết giã 夫 言 行 者 以 功 用 爲 之 的 彀 者 也… 今 聽 言 觀 行 而 不 以 功 用 爲 之 的 彀,言 雖 至 察,行 雖 至 堅,則 妄 發 之 說 也: Hễ ngôn hạnh là phải lấy công-dụng làm cái đích... Nay nghe lời nói xem việc làm mà không lấy công-dụng làm cái đích, thì lời nói dẫu tinh-vi, việc làm dẫu kiên-cố, cũng là vọng-phát vậy » (Vấn-biện, XLI). Vọng-phát tức như là bắn bậy ra ngoài bia. Bởi vậy người làm vua chỉ cần lấy sự thực mà thôi, chứ không muốn nghe những điều nhân nghĩa là điều vô-dụng. « Cố minh chủ cử thực sự, khử vô dụng, bất đạo nhân nghĩa giả 故 明 主 舉 實 事,去 無 用,不 道 仁 義 者: Cho nên bậc minh-chủ quí sự thực, bỏ cái vô-dụng, không nói nhân nghĩa » (Hiến-học, L). Hàn Phi cho sự thực là những sự có ích ngay trước mắt và vô-dụng là những điều có nghĩa lý sâu xa. Cái học của ông nông-nổi và hẹp-hòi như thế, cho nên mới nói rằng: « Nhân chủ chi thính ngôn giã, bất dĩ công dụng vi đích, tắc thuyết giả đa cức thích 人 主 之 聽 言 也,不 以 功 用 爲 的,則 說 者 多 棘 刺: Kẻ nhân-chủ, nghe nói mà không lấy công-dụng làm đích, thì thuyết-giả hay nói nhiều điều gai gốc » (Ngoại-chừ thuyết-tả thượng, XXXII). Lời nói có nhiều gai gốc tất là sinh ra biện-luận; biện-luận tuy có lợi cho sự văn-học, nhưng không lợi cho sự chuyên-chế của nhà vua. Hàn Phi cho là văn-học, mà nhiều ra thì trên có lệnh xuống, dân lấy văn học mà bẻ là trái; phép đặt ra, dân lấy việc riêng mà làm trái phép; ấy là loạn. Vậy nên ông rất ghét văn-học. Theo cái học của ông thì trong nước không cần có dư-luận, chỉ một mình ông vua có quyền được chế-định ra các phép tắc, bắt mọi người đều phải phục-tùng. Dẫu những phép tắc ấy hay dở thế nào, cũng không ai được nghị-luận gì cả. Ông nói rằng: « Minh chủ chi quốc, lệnh giả ngôn tối quí giả giã, pháp giả sự tối thích giả giã. Ngôn vô nhị quí, pháp bất lưỡng thích. Cố ngôn hạnh nhi bất quĩ ư pháp-lệnh giả, tất cấm 明 主 之 國令 者 言 最 貴 者 也,法 者 事 最 適 者 也.言 無 二 貴,法 不 兩 適.故 言 行 而 不 軌 於 法 令 者,必 禁: Nước của kẻ minh-chủ thì lệnh là lời nói rất quí, phép là việc làm rất phải. Lời nói không có hai cái quí, phép không có hai cái phải. Cho nên lời nói và việc làm mà không theo pháp-lệnh, là cấm » (Vấn-biện, XLI).

Đại khái cái học của Hàn Phi là chủ ở cái chính sách chuyên-chế độc-tôn, lấy pháp-luật mà trị nhân-chúng, chứ không cần đến nhân nghĩa và tài trí. Sở dĩ tại sao mà ông theo cái chủ-nghĩa cực đoan như thế, là vì thủa ấy ông thấy: « Nho phục đái kiếm giả chúng, nhi canh chiến chi sĩ quả kiên bạch vô hậu chi từ chương, nhi hiến lệnh chi pháp tức 儒 服 帶 劍 者 眾,而 耕 戰 之 士 寡;堅 白 無 厚 之 詞 章,而 憲 令 之 法 息: Những kẻ mặc áo nhà nho đeo gươm thì nhiều, mà những người cày ruộng và đánh giặc thì ít; những lời bàn về cái thuyết kiên bạch không có đức hậu thì rõ, mà phép theo phép-tắc hiệu-lệnh thì bỏ » (Vấn-biện, XLI). Bởi thế ông muốn phản-động lại để cứu cái tệ đương-thời. Nhưng không ngờ cái học ấy về sau thi-hành ra ở đời nhà Tần lại thành những hà-pháp gớm-ghê, rất thiệt-hại cho sự học-vấn và sự tiến-hóa của nhân-quần.

Xem sách Hàn-Phi-tử thì biết Nho-học đến cuối đời Chiến-quốc đã suy lắm rồi. Các học-giả chỉ giữ cái lối thủ-cựu, hơi có việc gì mới lạ, thì lấy chuyện thánh hiền đời cổ ra mà bài-bác, chứ không hiểu cái tinh-thần của đạo thánh hiền, cần phải tùy thời mà tiến-thủ. Bởi vậy mới gây thành cái vạ đốt sách và chôn nho ở đời nhà Tần vậy.

Sự đốt sách và chôn nho. — Hàn Phi sang sứ nước Tần rồi bị giam và chết ở trong ngục, vào năm 233 trước Tây-lịch kỷ-nguyên. Cách ba năm sau là năm 230 nhà Tần lấy nước Hàn, năm 228 lấy nước Triệu, năm 225 lấy nước Ngụy, năm 223 lấy nước Sở, năm 222 lấy nước Yên, năm 221 lấy nước Tề. Từ năm 221 trở đi nhà Tần nhất-thống cả thiên-hạ, bỏ cái chế-độ phong-kiến và đặt ra quận huyện, lập thành một đế-quốc trung-ương tập quyền rất mạnh.

Vua Thủy-hoàng nhà Tần bỏ hết cái chế-độ cũ, lập thành cái chính-thể mới, lấy hình-pháp mà trị thiên-hạ. Đời nhà Tần thủa ấy có 70 người bác-sĩ, số nhiều là những kẻ du-khách và biện-sĩ ở các nước chư-hầu đến. Năm 213 trước Tây-lịch, có bác-sĩ là Thuần-vu Việt tâu rằng: « Nhà Ân nhà Chu làm vua hơn một nghìn năm, phong cho con em và công-thần để làm vây cánh. Nay bệ-hạ gồm có bốn bể, mà con em không có chức tước gì cả. Nhỡ có kẻ làm tôi như bọn Điền Hằng và Lục Khanh[1] thì lấy ai mà cứu. Việc làm không theo cổ mà lâu dài được, là chưa thấy bao giờ.» Vua Thủy-hoàng giao cho quần-thần hội-nghị. Thừa-tướng là Lý Tư tâu rằng: « Năm đời Đế không trở lại, ba đời Vương không bắt-chước nhau, thế mà vẫn trị được thiên-hạ, không phải đời nọ trái khác đời kia, chỉ vì thời biến khác nhau vậy, Nay bệ-hạ mở nghiệp lớn, dựng công muôn đời, vốn không phải là kẻ ngu-nho giám biết. thế mà ngươi Việt nói những việc đời Tam-đại thì sao đủ theo được. Vừa rồi các nước Chư-hầu tranh nhau, hậu với những kẻ có học. Nay thiên-hạ đã định rồi, pháp-luật tự một chỗ mà ra, trăm họ ai làm ăn thì cố sức cày ruộng, ai theo nghề sĩ thì học tập pháp lệnh và hình cấm. Nay chư sinh không theo đời bây giờ, mà cứ bắt-chước đời xưa, để chê đương-thế, làm hoặc-loạn bọn dân ngu. Tôi, thừa-tướng, tên là Tư, dám liều chết nói để nhà vua biết: Thủa trước thiên-hạ tán-loạn, không có thống nhất, cho nên chư nho dấy lên, động nói cái gì là nói đời cổ để làm hại đời kim, trang-sức những lời hư ngôn để làm rối mất sự thực. Người nào cũng cho cái học riêng của mình là phải, mà chê-bai những điều kiến-lập của người trên. Nay Hoàng-đế đã gồm cả thiên-hạ, phân-biệt cái đen cái trắng mà định nhất tôn, thế mà những nhà có cái học riêng cứ cùng nhau bẻ-bác pháp-giáo của nhà vua. Mỗi một khi nhà vua có một hiệu-lệnh gì xuống họ cứ lấy cái học của họ để nghị-luận, vào thì trong lòng không cho là phải, ra thì túm năm tụm ba lại để bàn-tán, khoe cái chủ-kiến của mình để lấy tiếng, cố lập dị cái cách thái thủ để làm cao, đem kẻ quần-hạ để đặt lời hủy-báng. Nếu để như thế mà không cấm, thì ở trên thế vua kém đi, mà ở dưới đảng phái lập thành, vậy xin cho cấm ngay là tiện hơn cả. Tôi xin phát lệnh rằng: Sử-quan thấy sách gì không phải là sách của nhà Tần thì đốt hết cả. Sách gì không phải là quan bác-sĩ được phép giữ, mà trong thiên-hạ có chứa dấu như Thi, Thư, cùng Bách-gia-ngữ, phải đem đến quan Thủ-úy đốt hết. Ai dám nói thầm với nhau sách Thi, Thư, thì chém bỏ xác ngoài chợ, ai lấy đời xưa để chê đời nay thì giết cả họ. Kẻ lại có thấy hay là biết mà không tố-giác, đều phải đồng chịu một tội. Lệnh xuống ba mươi ngày mà không chịu đốt, thì gọt đầu bôi đen, bắt đi làm phu. Những sách để lại là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây. Ai muốn học pháp-lệnh thì phải lấy kẻ lại làm thầy ».[2] Vua Thủy-hoàng xuống chiếu rằng: được. Từ đó mới thực-hành cái lệnh đốt sách.

Hậu-nho cho sách vở mất hết, là bởi cái lệnh ấy. Song xét ra dẫu lệnh vua Thủy-hoàng có nghiêm thật, nhưng cũng chỉ đốt những sách ở các chỗ gần Kinh-đô mà thôi, còn những nơi ở xa như nước Tề, nước Lỗ, vị tất đã đốt hết được. Hãy xem như sử Tàu chép rằng khi vua Cao-tổ nhà Hán vây thành Lỗ, còn nghe chư nho giảng sách, và đàn hát, thì đủ rõ nho-học vẫn chưa hết. Vả lại một nước lớn rộng như nước Tàu, làm thế nào mà cấm những người ở chỗ dân-gian không dấu sách được. Tuy nhiên những sách đời cổ đều là sách viết cả, tất không có nhiều, mà lại phải nghiêm-cấm, thì dẫu có dấu-diếm được, rồi cũng hư-hỏng đi, thành-thử về sau không còn được mấy nữa.

Còn việc chôn nho sẩy ra năm 212 trước Tây-lịch, sách Sử-ký của Tư-mã Thiên chép rằng: « Hầu-sinh và Lư-sinh bàn với nhau rằng: « Thủy-hoàng là người có cái thiên-tính cương-lệ và không nghe ai cả. Tự nước Chư-hầu dấy lên mà kiêm-tính được thiên-hạ, ý muốn thế nào, thì được ngay thế, cho là tự xưa không ai bằng mình. Chuyên dùng kẻ ngục-lại, những kẻ ấy được thân hạnh. Các quan bác-sĩ tuy hơn 70 người, nhưng chỉ là bị-viên mà thôi, chứ không dùng đến. Quan thừa-tướng cùng các đại-thần đều chịu cái mệnh-lệnh sẵn để làm việc, trên sai thế nào thì làm thế. Trên thì thích hình sát để ra oai, dưới thì khiếp-sợ, mạn-khi, để lấy lòng trên. Phép nhà Tần không được một người làm cả hai phương-thuật; nếu chuyên một phương-thuật mà không nghiệm cũng phải tội chết. Những kẻ chiêm hậu tinh khí, đến ba trăm người, đều là lương-sĩ, vị sự húy-kỵ, phải a-dua không dám nói thực. Việc thiên-hạ không cứ lớn nhỏ đều do trên quyết-định. Trên lấy cân để cân giấy má, ngày đêm có hạn là phải nặng bao nhiêu, chưa đủ hạn là chưa được nghỉ. Còn tham quyền thế như vậy, thì chưa có thể cầu được thuốc tiên.» Bọn Hầu-sinh và Lư-sinh bèn rủ nhau trốn đi. Thủy-hoàng nghe thấy bọn ấy trốn đi, lấy làm giận lắm, nói rằng: « Trước ta thu những sách không hợp với sự dùng, để bỏ đi hết, lại vời cả những kẻ sĩ văn-học và phương-thuật rất nhiều, muốn để dấy cuộc thái-bình. Bọn phương-sĩ muốn tu-luyện để cầu thuốc lạ, song bọn Hàn Chúng đi không thấy tin-tức gì, bọn Từ-thị phí-tổn muôn kể, vẫn không cầu được thuốc, rồi trong bọn họ lại tố-cáo những cái gian của nhau. Bọn Lư-sinh là bọn ta đãi rất hậu, mà lại phỉ-báng ta để tỏ những điều bất-đức của ta! Chư sinh ở Hàm-dươug, ta ho người đi dò xét, thì ra họ lại hay đặt ra dao-ngôn để làm cổ-hoặc dân ngu. » Thủy-hoàng liền sai quan Ngự-sử tra hỏi chư sinh, chư sinh tố-cáo lẫn nhau, bèn xét ra những người phạm cấm là hơn 460 người, đều đem chôn cả ở Hàm-dương, để thiên-hạ thấy thế mà răn sợ. Sau mỗi ngày càng thêm nhiều, đều bắt đi đày ra ngoài biển».

Khi Thủy-hoàng chôn chư sinh, Thái-tử là Phù-Tô can rằng: « Chư sinh đều học và bắt-chước Khổng-tử, nay lấy trọng pháp mà bắt tội, tôi sợ thiên-hạ không yên ». Thủy-hoàng giận lắm, bắt Phù-Tô đi giám-đốc quân của Mông Biền ở đất Thượng-quận.

Vua Thủy-hoàng nhà Tần dùng cái chính-sách bạo-ngược để trừng-trị những người văn-học thời bấy giờ, thì thật là tàn-ác đến cùng-cực vậy. Nhưng ta phải biết rằng chư sinh thủa ấy chẳng qua phần nhiều là bọn phương-sĩ, mượn tiếng nho-học mà kiếm lợi lộc, kỳ thực không có mấy người là thật nho. Mà dẫu có nữa, thì cũng chỉ là bọn học lối từ-chương mà thôi, chứ không có ai là người đã học đến bậc lập thành cái nghiệp « khai vật thành vụ » như cái tôn-chỉ chính-đáng của Nho-giáo. Vậy nên lúc ấy tuy cái lệnh đốt sách và chôn nho vốn là rất hại cho sự văn-học, nhưng không phải chỉ vì một cớ ấy mà cái học của Nho-giáo mất đi. Nho-giáo đến đó mà gián-đoạn, là bởi đã lâu từ trước, các học-giả hoài-bão cái chủ-nghĩa hoài-nghi, bỏ mất lòng tín-ngưỡng của chân-lý, và ai cũng chú-trọng ở sự công-dụng thiển-cận hẹp-hòi, cho nên giả sử nhà Tần không đốt sách và không chôn nho, thì Nho-giáo cũng không tránh khỏi được sự suy-đồi vậy.

Vua Thủy-hoàng nhà Tần mất năm 210 trước Tây-lịch. Bọn Lý Tư cùng với hoạn-quan là Triệu Cao mạo chỉ giết Thái-tử Phù-Tô và tướng Biền Mông, rồi lập con thứ vua Thủy-hoàng là Hồ-Hợi lên làm vua, tức là Nhị-thế Hoàng-đế. Được ít lâu Nhị-thế giết Lý Tư và tru-di cả ba họ.

Lúc ấy các nước Chư-hầu bị hà-pháp nhà Tần làm cực khổ, đều nổi lên đánh nhà Tần. Nhị-thế thì hoang-dâm bạo ngược, việc nước để cho Triệu Cao quyết-đoán. Khi quân các nước Chư-hầu đánh nhà Tần nguy cấp lắm, Triệu Cao sợ tội, mưu giết Nhị-thế, rồi lập Tử-Anh lên làm Tần-vương. Nhưng chẳng được bao lâu quân Chư-hầu vào lấy được nước Tần.

Trong thời cực loạn như thế, người trong nước ai cũng mưu sự sinh tồn, việc học-thuật bỏ hết cả. Đến khi nhà Hán dẹp yên mối loạn, thống-nhất thiên-hạ rồi, dần dần chấn-hưng cái nền văn-học, Nho-giáo từ đó lại thịnh lên vậy.

  1. Điền Hằn cướp ngôi vua nước Tề: Lục Khanh là sáu quan Khanh nhà Tấn sau cướp nước Tấn, chia ra làm nước Ngụy, nước Triệu, và nước Hau.
  2. Xem trong sách Sử-ký của Tư-mã Thiên.