Bước tới nội dung

Nho giáo/Quyển IV/Thiên I-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Triệu Phục. — Triệu Phục 趙 復, tự là Nhân-phủ 仁 甫, người châu Đức-an, thuộc tỉnh Hồ-bắc, bình sinh rất mến cái học-thuyết của phái lý-học, nhất là cái học của họ Trình họ Chu. Ông nổi tiếng là người học giỏi ở vùng sông Dương-tử và sông Hán, học-giả thường gọi ông là Giang-Hán tiên-sinh 江 漢 先 生.

Gặp khi quân Mông-cổ đến đánh lấy thành Đức-an, ông bị bắt đem lên phía bắc. Ông không đi, xin cho chết. Khi ấy có Diêu Khu là quan cũ của nước Kim ngày trước, được vua Mông-cổ cho đi theo trong quân để tìm những người Nho-học, Phật-học, Lão-học, cùng những người làm thuốc và xem bói. Diêu Khu gặp Triệu Phục đem về nhà tìm lẽ khuyên giải. Triệu Phục nghe lời theo Diêu Khu lên phương bắc.

Triệu Phục lên ở Yên-kinh, không chịu nhận quan chức gì cả, ở nhà đem sách Tính-lý của họ Trình họ Chu ra dạy học-trò, có đến hàng trăm người. Bọn Diêu Khu và Dương Duy-trung cùng nhau lập một thư-viện, gọi là Thái-cực thư-viện ở Yên-kinh và làm miếu thờ Chu Đôn-di, đón Triệu-Phục vào giảng dạy ở trong viện.

Triệu Phục làm bức tranh gọi là Truyền-đạo-đồ trên vẽ vua Phục-hi, vua Thần-nông vua Nghiêu, vua Thuấn, rồi đến Khổng-tử, Nhan-tử, Mạnh-tử, sau cùng vẽ họ Chu, họ Trình, họ Trương, họ Chu, để bày tỏ cái đạo-thống từ đời xưa. Đằng sau bức tranh ấy lại ghi mục-lục các sách của thánh hiền để tiện cho học-trò kê-cứu. Ông lại vẽ bức Sư-hữu-đồ biên chép những đức-hạnh và những danh-ngôn của các tiên-nho, biên tập bộ sách Hi-hiền-lục kể những ngôn hạnh của Y Doãn và Nhan Hồi, và làm sách Y-Lạc phát-huy để nói rõ cái tôn-chỉ của phái lý-học nhà Tống.

Bọn Diêu Khu nhờ có sự giảng dạy của Triệu Phục mới biết rõ cái học-thuyết của Tống-nho, rồi đem truyền rộng ra ở phương bắc. Sau có Hứa Hành theo học Diêu Khu mà thành một nhà học-giả có tiếng trong đời nhà Nguyên.