Bước tới nội dung

Nho giáo/Quyển IV/Thiên I-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Hứa hành. — Hứa Hành 許 衡, tự là Trọng-bình 仲 平, người châu Hoài, thuộc tỉnh Hà-nam. Thuở nhỏ mới đi học, hỏi thầy rằng: « Đọc sách để làm gì? — Thầy nói rằng: « Đọc sách để đi thi lấy đỗ. » — « Đọc sách chỉ như thế mà thôi ư? » Thầy lấy làm lạ. Được ít lâu thầy bảo với cha mẹ rằng: « Đứa bé này dĩnh ngộ khác thường, ngày sau chắc là hơn người, ta không đủ làm thầy vậy. » Nói rồi từ tạ mà đi. Đến khi Hứa Hành lớn lên, ham học như đói muốn ăn, khát muốn uống. Ông sinh vào đời loạn mà nhà thì nghèo, không có sách để học, thường đến nhà ai có sách gì hay, xin ở lại mượn chép lấy đem về. Kịp khi tránh loạn đến núi Tồ-lai (gần phủ Thái-an) mới được quyển Dịch-thuyết của Vương Bật đời nhà Tấn, ngày đêm luyện tập. Một hôm, mùa nực, đi qua đất Hà-dương, ai nấy đều khát nước, chợt có người trông thấy ở ven bờ đường có cây lê rất nhiều quả. Mọi người tranh nhau lấy lê ăn. Ông nghiễm-nhiên ngồi dưới gốc cây, không hề lấy một quả. Có người hỏi, thì ông nói rằng: « Không phải của mình mà lấy là không nên. » — « Đời loạn cây ấy không có chủ. » — « Cây lê không có chủ, chứ cái tâm của ta cũng không có chủ hay sao? » Ông bình-sinh lập tâm chế hạnh, đại để như vậy.

Đến khi sự loạn đã yên, ông trở về đất Hoài, thường đi lại ở khoảng Hà-lạc theo Diêu Khu được đọc sách của họ Trình họ Chu, sự học của ông càng thêm nhiều điều sở đắc. Ông sang ở đất Tô-môn, cày ruộng mà ăn, rồi cùng với bọn Diêu Khu 姚 樞 và Đậu Mặc 竇 黙 giảng tập. Ông học rất rộng, phàm những Kinh-học, Truyện-học, Sử-học, Tử-học, lễ-nhạc, thiên-văn, lịch-học, binh-học, hình-luật-học, thực-hóa-học, thủy-lợi-học, không có khoa học nào là không giảng tập. Ông khảng-khái lấy đạo làm chức-nhiệm của mình, thường nói với người ta rằng: « Cương thường trong thiên-hạ không thể một ngày mà bỏ mất đi được. Nếu người ở trên không dùng nữa, thì kẻ ở dưới phải dùng. »

Đến khi Hốt-tất-liệt được phong làm vương ở đất Tần, tức là đất Thiểm-tây bây giờ, muốn hóa người xứ ấy, bèn đón ông vào làm chức kinh-triệu đề-học. Người đất Tần từ khi khỏi việc loạn lạc, muốn học không có thầy, nghe Hứa Hành đến, ai cũng vui mừng đến học, và ở các nơi ở đất Tần đều dựng nhà học nhà hiệu.

Hốt-tất-liệt là em vua Mông-cổ, nhưng rất trọng những người Nho-học. Kịp khi lên làm vua, vời bọn Diêu Khu và Hứa Hành vào làm quan tại kinh. Hứa Hành thường nói những việc trị loạn, hưu thích, không gì là không lấy việc nghĩa làm tôn-chỉ, được phong làm chức Quốc-tử tế-tửu, nhưng chẳng được bao lâu cáo bệnh xin về.

Cách ba bốn năm sau, vua Thế-tổ (tức là Hốt-tất-liệt), lại triệu ông vào kinh để giúp quan tể-tướng coi việc chính-trị, ông từ chối không được, bèn dâng sớ bày tỏ năm việc thời-vụ, đại lược nói như sau này:

1• Qui-mô lập nước. — Tự xưa phép lập nước đều có qui-mô, theo đó mà làm thì thành-công, không theo đó thì bụng ngờ, mắt quáng, thay đổi rắc-rối. Xét các đời trước, người phương bắc lấy được đất Trung-hoa, tất phải theo pháp-độ của người Tàu mới lâu dài được.

2• Cách cai-trị cần ở dùng người và lập pháp. — Việc ở Trung-thư[1] rất bề-bộn, song cái đại-yếu cốt ở sự dùng người và sự lập pháp. Phép là để trị người, người là để giúp phép, người với phép dắt-díu với nhau. Kẻ ở trên thì yên, kẻ ở dưới thì thuận; người tể-chấp được ưu-du ở chốn lăng-miếu, không phiền không nhọc, thế gọi là tỉnh vậy. Việc lập pháp dụng nhân, nay tuy chưa được như đời xưa, song kẻ đã làm quan thì nên cấp cho bổng lộc để nuôi cái liêm, kẻ chưa làm quan thì nên rộng đặt ra điều cách để đợi lúc cần dùng, như thế thì cái oán mất chức cũng thư được ít nhiều. Ở ngoài, đặt chức giám-tư để xét việc ô lạm, ở trong chuyên ở bộ Lại để định cái tư-cách và lý-lịch của người làm quan, thì sự cầu cạnh phi-phận có thể bớt được.

3• Việc làm vua là khó. — Mạnh trời ủy thác cho người làm vua làm thầy, là giao cho cái trách-nhiệm rất khó. Sự khó ấy có sáu điều:

a) Sự theo đúng lời nói. Làm đấng nhân-chủ không lo ở sự khó về lời nói, mà lo ở sự khó về cách thi-hành lời nói. Phàm lấy cái phân-biện lớn của thiên-hạ và số nhiều của nhân dân, thì việc có vạn biến, ngày có muôn cơ, đấng nhân-quân đem một cái thân, một cái tâm, mà thù ứng, như thế mà muốn nói ra, há dễ được hay sao? Có điều trước nói rồi nay quên đi, có điều nay truyền xuống, rồi sau lại trái lại. Những điều phải trái, giống nhau, khác nhau, chia ra sửa lại, biến đi đổi lại, kỷ-cương không bày tỏ ra được, pháp-độ không dựng lên được, thiên-hạ không biết cậy ở đâu mà theo, rồi nhân đó mà làm bậy. Làm kẻ trên hay thích sự thư-từ, người làm bầy tôi thì chuộng sự dung-duyệt. Dung-duyệt vốn là vì lòng tư; mà lòng tư thịnh lên thì không sợ người, và thư-từ vốn là vì lòng dục, mà lòng dục thịnh lên thì không sợ Trời. Lấy cái lòng không sợ Trời và lòng không sợ người hợp với nhau làm một, thì làm việc gì cũng chỉ là việc khoái tâm mà thôi. Đã khoái tâm thì miệng muốn nói là nói, thân muốn động là động, chẳng bao giờ chịu nấp-nấp náu-náu nghĩ kỹ và làm kỹ, thế là cái khó của sự thi-hành lời nói vậy. b) Sự phòng bị những điều dối giá. Sự thực sự dối của người ta có cái không hại gì, có cái rất nguy hiểm, có số nhiều số ít, khó làm cho khỏi bị người ta lừa dối mình được. Đấng nhân-quân tự-nhiên vốn không có sẵn sự mừng giận. Nếu có sự mừng giận thì kẻ này khen là hay để cầu ơn, kẻ kia chọc tức để cậy thế. Đấng nhân-quân vốn không có sẵn sự yêu ghét; nếu có sự yêu ghét, thì kẻ này mượn lòng yêu ấy để xong viêc tư của mình, kẻ kia mượn lòng ghét ấy để báo thù. Cho đến khi không có sự mừng gì, người ta cũng nói dối để cho mình mừng, không có sự giận gì, người ta cũng khêu chọc để cho mình giận; hoặc khi không có sự đáng yêu, người ta cũng tôn-ngót làm cho đáng yêu, không có sự đáng ghét, người ta cũng dèm pha làm cho đáng ghét. Nếu cứ như thế, thì kẻ tiến lên, chưa chắc là quân-tử. kẻ lùi xuống chưa chắc là tiểu-nhân, kẻ được thưởng có khi là vô công, kẻ phải phạt có khi là vô tội. Lừa dối mà hại như thế, thì phòng giữ thế nào được. Cho nên đấng nhân-quân lấy sự biết người làm quí, Nếu đã không biết người mà muốn phòng cái dối của người, thì dầu vua Nghiêu và vua Thuấn cũng không làm thế nào được, — c) Sự dùng người hiền. Người hiền gặp thời không hợp, thường lấy sự ẩn-dật làm vui. Nếu đấng nhân-quân có biết đến, mà cách vời đón người ta và cách sai khiến người ta rẻ-rúng như tôi tớ, thì người hiền không thèm ra. Hoặc lấy lễ mạo tiếp đãi người hiền mà không dùng được, hoặc dùng lời nói của người hiền rồi lại để cho kẻ tiểu-nhân dèm pha, thế là chỉ có cái tiếng dùng người hiền, mà không có cái thực dùng người hiền, Người hiền khó tiến lên được là bởi thế. Lại còn một điều nữa: Vua ở ngôi cao, thường thích nghe nói những điều lầm lỗi của người hơn là của mình, thích làm vui sướng cho lòng mình hơn là cho lòng dân, người hiền muốn sửa đổi, can ngăn, để vua làm điều hay, thì cái thế thường là khó hợp, phương chi lại có những kẻ gian tà kiếm nhiều cách để hãm hại người hiền.— d) Trừ bỏ kẻ gian tà. Kẻ gian tà trong lòng thâm hiểm lại nhiều mưu chước khôn khéo: cách chiều chuộng tựa như là cung kính, cách ngon ngọt tựa như là thật-thà, cách dối-giá tựa như có thể tin được, cách dua nịnh tựa như có thể gần được. Nó cốt dò đón cái ý tứ của vua, mượn thế của vua để lập nên uy thế của nó, làm thỏa lòng muốn của vua để cố kết lấy lòng yêu tin của vua. Nó làm hại dân ở dưới mà ở trên vua không biết. Đến lúc ấy dẫu muốn đuổi nó đi, cũng khó vậy. — đ) Được lòng dân. Dân theo vua bởi mạnh Trời, song nếu vua làm cho dân mất trông nhờ, làm cho dân oán, thì dân có lòng giận mà không theo. Tất là phải theo đạo Đại-học, lấy sự tu-thân làm gốc. Một lời nói, một việc làm, có thể làm phép cho thiên-hạ, một sự thưởng, một sự phạt, có thể hợp với sự công-bằng của thiên-hạ. Thế thì không cần dân theo mà dân cũng theo. — e) Thuận đạo trời. Từ Tam-Đại về sau chỉ có đời vua Văn, vua Cảnh nhà Hán là thịnh trị hơn cả. Song lúc bấy giờ Trời thường có tai biến mà vua Văn vua Cảnh biết cẩn-thận đối với sự răn bảo của Trời, một mực lấy việc nuôi dân làm đầu, cho nên lòng dân thuận mà hoà khí ứng.

4• Nông tang học hiệu. — Nhà nước chỉ biết cách khéo thu tiền tài mà không biết rõ cái gốc tiền tài ở đâu, chỉ biết phòng giữ sự khi trá của người mà không biết nuôi lòng thiện của người, chỉ lo pháp luật khó thi-hành mà không lo đến lúc pháp luật không có chỗ thi-hành ra được. Nếu biết trọng về sự làm ruộng, bắt hết cả những kẻ lười biếng không có nghề nghiệp phải chăm chỉ về sự nông tang, thì chỉ độ mươi năm sau kho đụn đầy dẫy. Nếu tự đô ấp đến chỗ châu huyện đều đặt nhà học, để cho từ con vua trở xuống đến con nhà sĩ và thứ-nhân đều đi học cả, thì độ mươi năm sau, trên biết bảo dưới, dưới biết cách thờ trên.

5• Thận vi. — Thiên-hạ sở dĩ trị được là bởi cái đạo có thích nghi, đấng nhân-quân cần phải xét cho kỹ. Xét kỹ rồi mới phát ra, thì phát ra lúc nào cũng tin. Khi mừng khi giận sắc hiện ra mặt, lời nói hiện ra miệng, người ngoài có thể biết trước được. Nếu xét lại cái cớ tại làm sao mà người ngoài biết, chắc hối về sự nông nổi vậy. Bởi thế đấng tiên-vương tiềm tâm cung mặc, mừng giận không khinh dị. Khi chưa phát ra dẫu người rất gần cũng không biết, khi phát ra rồi dẫu người rất thân cũng không làm cho thay đổi đi được, cho nên hiệu-lịnh giản dị mà không khi nào phải hối hận mà sửa đổi lại và vẫn được trúng-tiết vậy.

Bài sớ ấy có đến hơn một vạn lời. Vua Thế-tổ xem rất lấy làm khen. Nhân vì Hứa Hành lắm bệnh, vua cho cứ năm ngày phải vào phủ Trung-thư một lần, sau xin cáo về.

Đến năm Chí-nguyên thứ bảy (1271) lại được triệu vào Kinh để cùng với Diêu Khu định rõ triều nghi. Năm sau ông được cử làm chức Tập-hiền đại-học-sĩ, kiêm chức quốc-tử tế-tửu, cho mở học-viện ở viện khu-mật cũ ở phía nam thành Yên-kinh. Hứa-Hành lấy làm mừng mà nói rằng: »Đó là việc của ta vậy.» Đoạn rồi tâu xin triệu những đệ-tử cũ của ông như bọn Vương Tử, Gia-luật Hữu Thượng, Diêu Toại, tất cả 12 người vào làm trai-trưởng. Lúc ấy những học-trò tuyển vào học đều còn trẻ tuổi cả. Hứa Hành đãi như người lớn, yêu như con. Ra vào, lui tới nghiêm như vua tôi. Phép dạy thì nhân cái đã biết mà làm cho sáng rõ điều thiện, nhân điều thiện mà mở điều che lấp. Học lâu các đệ-tử đều biết tôn sư kính nghiệp, đến đứa trẻ-con cũng biết tam cương ngũ thường làm cái đạo của người đời. Sau vì qnan Mông-cổ là bọn Á-hợp-mã muốn bỏ pháp độ của người Tàu, lương thực của học-trò có khi thiếu thốn. Hứa Hành bèn xin thôi.

Năm Chí-nguyên thứ 15 (1280) vua Thế-tổ lại triệu Hứa Hành vào triều coi việc Thái-sử-viện, cùng với bọn Vương Tuân, Dương Cung-ý, Quách Thủ-kính, Trương Văn-khiêm chế ra một bản nghi-tượng mới và sửa lại cách làm lịch. Đến năm thứ 17, việc làm lịch xong, dâng lên, vua gọi là « thụ-thời lịch » ban ra cho thiên-hạ. Năm ấy Hứa Hành lại cáo bệnh xin về trí-sĩ, vua Thái-tổ cho con Hứa Hành là Hứa Sư-khả làm chức tổng-quản coi đất Mạnh-hoài để cho tiện sự thị dưỡng. Năm sau ông mất.

Khi sắp mất, ông bảo các con rằng: « Ta bình sinh bị cái hư danh làm lụy, kết cục chẳng từ chối được quan chức. Sau khi ta chết rồi, đừng lập bia, chỉ làm cái mộ-chí viết là mả của Hứa mỗ, để con cháu biết là đủ. »

Năm Đại-đức thứ hai (1298) đời vua Thành-tôn, triều-đình cho tên thụy là Văn-chính 文 正 và tặng phong là Ngụy Quốc-công 魏 國 公. Năm Hoàng-khánh thứ hai (1318) đời vua Nhân-tôn lại đem ông vào phối tự ở miếu thờ Khổng-tử, và lập thư-viện ở Triệu-kinh gọi là Lỗ-trai thư-viện. Lỗ-trai là tên của Hứa Hành đặt ra để gọi chỗ ở của mình vậy.

Hứa Hành không làm sách vở gì, nhưng vì ông là một nhà danh nho trong đời Nguyên sơ, những sự nghiệp và ngôn hạnh của ông đủ tỏ ra là một nhà đã có cái sở đắc về Nho-học và rất tinh thâm về lý-học của Tống-nho.

  1. Phủ tể-tướng