Phật lục/II-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

II

CHƯ PHẬT

諸 佛

Theo cái lý-thuyết tam thân 三 身 của Đại-thặng Phật giáo, thì Phật có ba thân, là pháp-thân, báo-thân và ứng thân. Pháp-thân 法 身 là lý-pháp tụ-tập lại mà thành ra thân, tức là lấy pháp-tính làm thân vậy. Pháp-tính không phải là sắc chất mà cũng không phải là tâm-trí, mà khắp đầy cả vũ-trụ, đâu đâu cũng có, không sinh không diệt, lúc nào cũng thường trụ[1], thuần-nhiên là cái diệu lý chân-thực thanh-tĩnh. Vạn pháp phải nương vào đấy mà có và mọi đức phải tu lại ở đấy mà thành.

Báo-thân 報 身 là cái phần hơn, phần tốt của phúc-đức trí-tuệ tích-tụ làm thân, mà được cái quả-báo viên-mãn. Báo-thân lúc nào cũng nương vào pháp-thân, không bao giờ gián-đoạn, tức là trí khế-hợp[2] với lý để đối với mình và đối với người mà thụ-dụng, cho nên còn gọi là thụ-dụng-thân 受 用 身.

Ứng-thân 應 身 là tùy loại mà hóa hiện ra sắc-thân để phổ-ứng quần-cơ[3] tu thành chính-giác và thuyết-pháp độ chúng. Vì thế có khi gọi là hóa-thân 化 身 hay là biến-hóa-thân 變 化 身.

Nói tóm lại, pháp-thân là trỏ cái thể sở chứng được; báo-thân và ứng-thân là trỏ cái dụng nhờ ở cái thể ấy mà phát ra. Vậy nên tuy nói là ba thân, nhưng thực là chỉ có một thể. Một thể tức là một Phật.

Một Phật, nghĩa là một cái minh-giác linh-diệu chung khắp cả vũ-trụ. Cái minh-giác linh-diệu ấy lưu chuyển phát-hiện ra các thân khác, tức là thành ra chư Phật. Do cái phúc-đức trí-tuệ hay do sự biến-hóa phổ-ứng ở đời, thì có nhiều Phật; mà do cái thuần-lý thì chỉ có một Phật. Một mà hóa ra nhiều, nhiều mà vẫn là một.

Lấy ngay chư Phật nói ở trong các kinh mà xét, thì biết rằng hết thảy chư Phật là đều một pháp-thân cả. Đức A-di-đà là báo-thân của Phật và đức Thích-ca mầu-ni là ứng-thân của Phật; hay là nói ngược lại: đức Thích-ca mầu-ni đã thành Phật là được cái pháp-thân của Phật, cái đời Ngài hiện ra ở thế-gian mà thuyết-pháp và giáo-hóa chúng sinh là ứng-thân của Phật; mà đức A-di-đà ở Tây-phương Cực-lạc, hưởng-thụ yên vui và cứu-độ chúng sinh, là báo-thân của Phật; hay là nói như cái thuyết của phái Chân-ngôn rằng: đức Đại-nhật Như-lai là pháp-thân của đức Thích-ca mầu-ni, mà đức A-di-đà là báo-thân của đức Thích-ca mầu-ni, và đức Thích-ca mầu-ni là ứng-thân của đức Đại-nhật Như-lai.

Vậy xét về pháp-thân thì chư Phật là đồng một thể, tức là có một mà thôi; mà xét về báo-thân thì có A-di-đà Phật và các Phật khác; và xét về ứng-thân thì có Thích-ca mầu-ni Phật cùng chư Phật khác đã giáng thế mà tu thành chính-giác. Ví như trong không-gian chỉ có một mặt trăng là pháp-thân, cái ánh-sáng của mặt trăng chiếu ra khắp thiên-hạ là báo-thân, và những bóng mặt-trăng hiện ra ở dưới nước là ứng-thân.

Bởi có cái lý-thuyết tam-thân ấy, cho nên đạo Phật nhận có nhiều Phật ở đời quá khứ, đời hiện-tại và đời vị-lai. Hiện các kinh bên phái Đại-thặng nói trong một trụ-kiếp có một nghìn vị Phật giáng thế, để thuyết-pháp mà cứu-độ chúng sinh. Kiếp là tiếng gọi tắt chữ kiếp-ba 刧 波, dịch theo âm chữ phạm kalpa. Kiếp có ba thứ là tiểu-kiếp, trung-kiếp và đại-kiếp. Hai-mươi tiểu-kiếp là một trung-kiếp, bốn trung-kiếp là một đại-kiếp[4]. Trong cái số chư Phật đã sinh ra ở thế-gian mà tu thành chính-quả, thì các kinh chép rõ danh-hiệu của bảy vị. Ba vị trên thuộc về cuối Trang-nghiêm-kiếp 莊 嚴 劫 là một tiểu-kiếp quá-khứ trong trụ-kiếp này, và bốn vị dưới thuộc về Hiền-kiếp 賢 刧 là tiểu-kiếp hiện-tại.

Bẩy vị Phật ấy là:

1. — Tỉ-bà thi Phật 毘 婆 尸 佛 (Vipaçyin Bouddha).

2. — Thi-khí Phật 尸 棄 佛 (Çikhin Bouddha).

3. — Tỉ-xá-phù Phật 毘 舍 浮 佛 (Viçvabhù Bouddha).

4. — Câu-lưu tôn Phật 抅 留 孫 佛 (Krakutchhanda Bouddha)

5. — Câu-na-hàm mầu ni Phật 抅 那 含 牟 尼 佛 (Kanaka muni Bouddha).

6. — Ca-diếp Phật 迦 葉 佛 (Kaçyapa Bouddha).

7. — Thích-ca mầu-ni Phật 釋 迦 牟 尼 佛 (Çakya muni Bouddha).

Còn vị Phật thứ tám sẽ là đức Di-lặc 彌 勒 tức là vị Phật tương-lai.

Ở Ni-ba-na (Nepal) và ở Tây-tạng cũng lấy cái lý-thuyết tam-thân của Phật mà xướng lên một thuyết nói rằng từ đời vô-thủy vẫn có vị Bản-sơ Giác-giả 本 初 覺 者 hay là Bản-sơ Bản-Phật 本 初 本 佛, gọi theo tiến phạm là A-đề Phật 阿 提 佛 (Adi-Bouddha).

A-đề Phật tức là chí-thiện pháp-thân, thường gọi là Tối-thắng Phật 最 勝 佛 hay là Tối-thượng-thắng Phật 最 上 勝 佛 thống lĩnh hết thảy chư Thiền-na Phật (Dhyani Bouddhas) và chư Thiền-na Bồ-tát (Dhyani-Bodhisattvas), vì lẽ rằng Phật và Bồ-tát đều do A-đề Phật mà phát-hiện ra.

Phái-cổ-giáo ở Tây-tạng rất sùng-bái đức A-đề Phật, hiệu là Pháp-thân Phổ-hiền 法 身 普 賢 (Dharmakya Samantabhadra); phái tân-giáo thì thờ đức Kim-cương-trì 金 剛 持, tức là đức Bạt-chiết-ra-đà-la 跋 折 囉 陀 羅 (Vajrabhara) và đức Kim-cương hữu-tình, 金 剛 友 情 tức là Bạt-chiết-ra tát-đóa 跋 折 囉 薩 埵 (Vajrasattva) Hai vị này là biểu-hiệu cái thể[5] và cái dụng[6] của A-đề Phật, tuy là hai, nhưng cùng đồng một thể, cho nên tượng hai vị ấy tạc giống nhau, hình dáng như vị Bồ-tát ngồi trên tòa sen, mà đều gọi cả là A-đề Phật.

A-đề Phật do năm cái trí của mình mà hóa ra năm vị Thiền-na Phật (Dhyani-Bouddhas), là:

1⋅— Đại-nhật Như-lai 大 日 如 來 hay là Tỷ-lô-già-na Phật 毘 盧 遮 那 佛 (Vairocana) ở trung-ương, tức là Thường-trụ tam-thế diệu-pháp-thân 常 住 三 世 妙 法 身.

2⋅— Bất-động Như-lai 不 動 如 來 hay là A-xúc Phật 阿 閦 佛 (Aksobhya), ở đông phương, tức là Kim-cương kiên cố tự-tính-thân 金 剛 堅 固 自 性 身.

3⋅— Bảo-sinh Phật 寳 生 佛 (Ratnasambhava), ở nam phương, tức là Phúc-đức trang-nghiêm thánh-thân 福 德 莊 嚴 聖 身.

4⋅— Vô-lượng-thọ Phật 無 量 壽 佛 (Amitiyus), ở tây phương, tức là Thụ-dụng trí-tuệ-thân 受 用 智 慧 身.

5⋅— Bất-không-thành-tựu Phật 不 空 成 就 佛 (Amoghasidhi) ở bắc phương, tức là Tác-biến-hóa-thân 作 變 化 身.

Năm vị Thiền-na Phật này do tự tính luân thân 自 性 輪 身[7] của mình mà hóa ra năm vị Thiền-na Bồ-tát (Dhyani Bodhisattavas), là:

1⋅— Phổ-hiền Bồ-tát 普 賢 菩 薩 (Samantabhadra Bodhisattva).

2⋅— Kim-cương-thủ Bồ-tát 金 剛 手 菩 薩 (Vajrapâni Bodhisattva).

3⋅— Bảo-thủ Bồ-tát 寳 手 菩 薩 (Ratnapâni Bodhisattva).

4⋅— Quan-thế-âm Bồ-tát 觀 世 音 菩 薩 (Avalokitésvara Bodhisavattva).

5⋅— Văn-thù Bồ-tát 文 殊 菩 薩 (Manjuçri Bodhisavattva).

Các thuyết trong Đại-thặng Phật-giáo tuy có nhiều chỗ khác nhau, nhưng không bao giờ ra ngoài cái thuyết tam thân của Phật. Hiện nay ở những nước theo Đại-thặng Phật-giáo như Trung-quốc, Nhật-bản, Cao-ly và Việt-nam, thì có phái Mật-giáo Chân-ngôn chuyên thờ đức Đại-nhật Như-lai và phái Tĩnh-thổ chuyên thờ đức A-di-đà Phật.

Ở nước Việt-nam ta chỉ có phái Tĩnh-thổ là thịnh hành. Về đường giáo-lý, thì phái này thờ đức Thích-ca mầu-ni Phật làm giáo-chủ, mà về đường tín-ngưỡng thì thờ đức A-di-đà Phật làm Đạo-sư. Vậy sau này nói qua sự-tích và công đức hai vị Phật đã phát đại nguyện để cứu-độ chúng sinh, như đức A-di-đà Phật và đưc Dược-sư Lưu-ly-quang Phật, là hai vị Phật thường ở các chùa, người ta hay tụng niệm đến luôn.

  1. Thường-trụ: Có luôn luôn.
  2. Khế-hợp: Hợp đúng.
  3. Phổ-ứng quần-cơ: Ứng khắp cả các cơ của chúng-sinh.
  4. Xem ở mục thứ IV.
  5. Thể: Phần nhất-định không biến đổi
  6. Dụng: Sự ứng dụng ở việc hành-vi
  7. Tự tính luân thân: Tự cái tính bản-nhiên mà luân chuyển hóa ra thân khác