Bước tới nội dung

Thơ Đỗ Phủ/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource



NHỮNG THƠ LÀM TRONG KHOẢNG BẢO-ỨNG, THI-SĨ Ở THÀNH-ĐÔ RỒI SANG TỬ-CHÂU

CXLV. — ĐÙA TẶNG BẠN

Năm đầu, vừa tháng Tư,
Có ông Tiêu Hiệu-Thư
Tự khoe: « ngựa bất kham
Cũng đủ sức cưỡi thừa! »
Một sớm bị ngựa vật,
Răng sứt, môi nát nhừ!
Còn định ra rẹp giặc!
Lòng hăng chưa chịu thua!

CXLVI. — LÚA CÁI

Lúa cái khô, lúa con chín dợ!
Chồng trốn rồi còn vợ khóc lăn!
Đông Tây mấy quận xa, gần,
Hỏi ai gặt lúa! Rặt quân giặc-trời!

Non sông rộng trông coi khó nhọc,
Dẫu ba nghìn quân Thục ra chi!.
Ước gì mình giống chim kia:
Nương làn mây bạc bay về quê hương!

CXLVII. — ĐÁNH LIỀU...

Tướng Mã liều mình cho giặc giết!
Dòng dõi Phục-Ba ai chẳng biết!
Anh-hùng mất giữa buổi can-qua,
Hồn mộng xui ta bao thảm-thiết!
Nào đâu là lúc năm ngoái đây,
Tiễn bạn ra trận, tay cầm tay...
Đám mây khi ấy nay còn đó...
Vuốt ngực, trông mây lệ thấm đầy...

CXLVIII. — LẦU VIỆT-VƯƠNG.

Dinh thự châu Miên sang trọng thật!
Đức ông Việt-Vương hồi trước cất!
Góc thành Tây Bắc một lầu cao,
Ngói biếc, mành son, hoa cả mắt!
Sông dài dưới lầu trăm trượng trong!
Ác chìm đỉnh núi nửa vừng hồng!
Dấu xưa vua, chúa, nay ta ngắm!
Sau trước nghìn thu một tấm lòng!

CXLIX. — DỐC QUANG LỘC

Vừa xuống dốc, mặt trời hồ tối.
Trông về Nam đỏ ối muôn non...
Một mình về với hoàng-hôn...
Có con chim hót véo-von trên cành...
Hang sâu thẳm, không kinh sa ngựa!
Cỏ rì-rào, chỉ sợ trúng tên!
Ước gì như buổi Khai-Nguyên:
Chẳng lo trộm cướp rình then dọc đường;

CL. — GẶP LÃO NHÀ QUÊ NÀI UỐNG RƯỢU, KHEN NGHIÊM TRUNG-THỪA[1]

Đi dong theo ngọn gió xuân,
Lòng hoa xóm liễu lần lần bước sang...
Ông già nhân có việc làng,
Mời ta uống rượu, uống xoàng mà say!
Say rồi lão vội khoe ngay:
« Tốt như quan mới đời này không hai! »
Ngảnh nhìn chỉ đứa con trai:
« Thằng này thằng lớn có tài tinh nhanh
« Bao năm cung, nỏ tập-tành:
« Có tên trong sổ kỵ-binh từ ngày.

« Cho về làm ruộng mới đây.
« Làm ăn khó nhọc, đỡ thay cha già...
« Thuế, sưu, chết cũng xin ra!
« Thề không bỏ trốn cả nhà như ai!
« Xin mời Quan-lớn ở chơi!
« Năm nay cúng thánh cỗ thời làm to!
« Rượu ngon cho lão đầy tô!
« Mẹ-mày đâu nhỉ! Mở vò rót mau!.. »
Xem tuồng mừng rỡ xiết đâu...
Xưa nay phong hóa bắt đầu ở dân.
Chuyện nhiều lộn-xộn có phần,
Ơn quan miệng vẫn ân cần nhắc luôn!
Sớm ra dạo cảnh hương-thôn,
Tình cờ chiều đến vẫn còn bê-tha!
Quê người quý bụng thiết-tha,
Lòng nào nỡ chối ông già làng bên?
Gọi thêm đồ nhắm huyên-thiên!
Mình toan đứng dậy, lão liền nắm tay
Giằng co kéo lại đến rầy!
Quê mùa, láo hỗn thế này thì thôi!
Trăng lên săn đón giữ hoài!
Quát con: « Hũ rượu còn vơi hay đầy? »

CLI. — NGHIÊM TRUNG-THỪA QUÁ BỘ ĐẾN CHƠI

(Nghiêm từ Đông-Xuyên cất lên coi Tây Xuyên, sắc cả hai quận Xuyên đều phải chịu quyền tiết chế).

Tìm hoa, hỏi liễu tới nhà tranh,
Đội nhỏ Nguyên-Nhung cất khỏi thành.
Đất họp Đông, Tây xem rộng lớn.
Bèo trôi Nam, Bắc mặc lênh-đênh.
Thuyền con chẳng những như Trương Hãn,[2]
Mũ lụa xem còn giống Quản Ninh[3]...
Vắng vẻ trời sông mây, khói tỏa,
Ai rằng trong có bóng Văn-tinh?

CLII. — KÍNH ĐÁP BÀI THƠ ÔNG NGHIÊM GỬI ĐỀ NHÀ CỎ.

Thập-Di từng được đội ơn trời.

Bến nước, nhà tre, tính thích lười.
Ngựa tới sân rồng lòng vẫn thẹn.
Cá câu sông Gấm cảnh rầy vui.
Tạ-An chẳng ngại tiền chơi núi.[4]
Nguyễn Tịch nào hay thói nịnh đời.[5]
Phiền đến tàn, cờ ra khỏi phủ,
Đường quê muốn dọn sạch tranh, gai.

CLIII. — TUYỆT CÚ

Hương thu thơm, cạnh bực câu...
Hoa vừa chiếng nở, đáng đâu hết mùa?
Cơn say thà để gió vò,
Còn hơn lúc tỉnh nhìn cho mưa vầy!..

CLIV. — ĐÙA LÀM MẤY BÀI TUYỆT CÚ

I

Rữu-Tín già càng lắm ý cao.
Ngất mây bút khoẻ dễ bì đâu!

Đời nay mai mỉa van truyền lại,
Hiền trước ra thua lũ đẻ sau!

II

Dương, Vương, Lư, Lạc, văn hồi ấy[6]
Khinh-bạc còn mang tiếng đến giờ!
Thân chết, các người tên cũng mất!
Giang, Hà vẫn chẩy mãi nghìn xưa!

III

Cho dẫu Lư, Vương, Văn có kém,
Kém xưa nào phải kém nay đâu!
Các người ngựa giỏi bao nhiêu nữa,
Trải độ đường xa mới biết nhau!

IV

Mấy ông tài học mấy ai hơn?
Nào thấy ngày nay sức vượt đàn
Đáng mặt lôi kình trong bể biếc?
Chỉ phường vẽ trả đậu chồi lan!

CLV. — NGƯỜI NHÀ QUÊ CHO ANH ĐÀO CHÍN

Anh-đào đất Thục cũng xinh ghê!
Hàng xóm cho đầy một xọt tre.
Mắt ngắm mấy lần coi thích nhỉ!
Ai vê muôn quả thẩy tròn xoe?
Nhớ xưa dưới bệ ban cho khắp,
Nâng tự trong cung hý hửng về...
Đũa ngọc, mâm vàng tin-tức bặt!
Lúc này ăn nếm dạ buồn se!

CLVI.— TRẠM PHỤNG-TẾ, TIỄN ÔNG NGHIÊM

Non xanh bỡn cợt chi người?
Tiễn đưa giờ thật đôi nơi cách trùng!
Chén son nào buổi tương phùng?
Trăng thanh đêm trước mới cùng bước chơi!
Mấy châu ca-tụng tiếc hoài!
Ba triều vinh-hiển trong ngoài vào ra...
Làng sông trở lại mình ta,
Im lìm liệu sống cho qua ngày tàn!

CLVII. — TRẠM BA TÂY XEM SÔNG RAY TRÌNH ĐẬU SỨ-QUÂN

Sông Nam mưa chứa, nước tràn.
Sóng xa trông lẫn với làn núi xa!
Ồn ào dào dạt nhìn ra,
Quán, đình muốn đổ, cửa nhà muốn trôi!
Chim cao lo sợ lưng trời!
Rồng già khốn khổ giữa nơi bùn lầy!.
Cùng nhà bạn có ý hay:
Giắt ta ngắm cảnh cho khuây cõi lòng!

CLVIII. — ĐÊM QUÊ NGƯỜI

Trời Thu mãi chẳng sáng!
Đất lạ ngủ không thành!
Sông-sóng gào quanh gối...
Trăng tàn lọt kẽ mành...
Áo cơm, ngu kiếm vụng!
Bạn hữu kiết nhờ quanh!
Thư gửi, về chưa được
« Bu-em » có biết tình?

CLIX. — QUÁN KHÁCH

Gió lộng, lá đua rụng.
Ánh mai vừa tới song.

Mặt sông sương phủ trắng,
Sườn núi nắng loe hồng.
Hay ốm, già nên sớm.
Có tài vua đã dùng!
Sống thừa trôi dạt mãi,
Khéo giống cánh hoa hồng!

CLX. — THU HẾT.

Thu hết sang Đông vẫn cứ đi!
Góc thành gửi lại chiếc nhà tre!
Cúc già bên dậu hoa vàng rũ!
Chén chuốc bên sông máu đỏ loè!
Đỉnh Tuyết một nhìn vầng ác lặn...
Ải Gươm còn vắng bóng người về!
Xa quê gan dạ bao giờ cởi?
Muôn dậm long đong chẳng dám nề!

CLXI. — VỊNH CẢNH SƠN THỦY Ơ TRẠM THÔNG TUYỀN.

Qua khe áo thấy ướt.
Non trưa hơi mới tan!
Đông ấm muỗi họp chợ,
Người vắng le hàng đàn!
Nghiêng lệch bờ đứng dốc!

Thấp cao mây ngút ngàn!
Lầu trạm liễu già gục!
Thành huyện khói chiều lan!
Dòng sông sao đẹp thế?
Đưa mắt cảnh muôn vàn...
Ánh nước tối lấp loáng...
Mầu núi xa mê man!
Riêng tủi quê xa vắng:
Dám thương đời gian nan!
Chiếc thân xiêu dạt khổ,
Đi đâu không thở-than!

CLXII. — NHỮNG HẠC DO TIẾT THIẾU BẢO VẼ Ở SAU VÁCH DINH HUYỆN THÔNG-TUYỀN.

Mười một hạc dưới tay ông Tiết,
Đều vẽ cho đúng hệt giống tiên.
Xuất trần một vẻ thiên-nhiên,
Lâu ngày mầu dẫu ố-hoen gần nhòa.
Cao hay thấp đều là có ý.
Ngắm mà coi chí-khí tuyệt vời
Đủ làm hăng hái lòng người!
Cứ gì phấn mới, mực tươi mới tình!
Cả đàn cũng một tinh-thần ấy.
Muôn dậm bay phải cậy sức đâu!

Oanh vàng chẳng phải bạn nhau!
Oai phong phượng trắng so vào kém chi!
Thềm cao nhớ những khi chưa đổ,
Vui mắt cho bao lũ khách sang!
Bây giờ dầu dãi ngoài tường.-
Tuần mưa, cữ gió đáng thương bội phần!
Quê tiên thẳm chín lần mây đỏ,
Lòng sao cam uống chỗ ao tù!
Mông-mênh mặc sức tự do!
Chuồng nuôi, lồng nhốt dễ hồ được đâu!

CLXIII. — NGHE QUAN-QUÂN LẤY LẠI HÀ-NAM, HÀ BẮC.

Kế Bắc nghe đồn vừa lấy lại,
Thoắt thôi xiêm áo lệ đầm đìa!
Vợ con nhìn tới buồn đâu có!
Sách vở thu vào sướng đã ghê!
Đầu bạc hát ngao nên đánh chén!
Xuân xanh dịp tốt sẽ thăm quê.
Kẽm Vu, kẽm Giáp liền chân bước,
Thành Lạc thành Tương thẳng lối về...
(Ruộng vườn của tôi ở cả Đông-Kinh (Lạc-Dương)

  1. Nghiêm-Vũ, bấy giờ làm Tiết-độ sứ ở Thục
  2. Hạ-Tuần đậu thuyền ở Xương-môn, ngồi gẩy đàn. Trương Hãn nghe tiếng, sang chơi nói chuyện, biết là người tài-giỏi, liền mời sang thuyền mình, cùng về Bắc kinh. (chuyện đời Tấn)
  3. Quản-Ninh người cuối đời Hán, không chịu làm quan, ở nhà thường đội mũ lụa đen.
  4. Tạ-An Đời Tấn, bỏ tiền sửa sang biệt-thự ở Đông-sơn để làm chỗ chơi.
  5. Nguyễn-Tịch Đời Tấn, tính ngông nghênh cẩu thả. Những người giữ lễ-phép, ghét như kẻ thù!
  6. Dương...., Vương-Bột, Lư-Chiến-Lân, Lạc-Tân-Vương, bốn tay danh-sĩ đời Vũ-Tắc Thiên.