Thư trả lời cho phái Tờ rốt kít

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

I. Thư gởi đến

Lỗ Tấn tiên sinh:

Sau Cách mạng thất bại năm 1927, người communit Trung Quốc không lấy chính sách rút lui để dự bị nổi dậy lần nữa, mà lại chuyển hướng sang đầu cơ quân sự. Họ vứt bỏ công tác ở thành thị, ra lệnh cho đảng viên đến nhiều nơi gây bạo động sau khi phong triều cách mạng xuống, toan chế tạo reds[1] trên cơ sở nông dân để dẹp an thiên hạ. Bảy tám năm nay, mấy chục vạn thanh niên mạnh dạn có tài bị cái chính sách ấy hy sinh mất, làm cho hiện nay là lúc cuộc vận động dân tộc lên cao, dân chúng ở thành thị không có lãnh tụ cách mạng, và đẩy xa lần cách mạng sau đến một cái tương lai không biết bao giờ.

Bây giờ đây, cuộc vận động reds dẹp an thiên hạ đã thất bại rồi. Người communit Trung Quốc lại mù quáng tiếp thụ mệnh lệnh của quan liêu Mạc Tư Khoa, quay sang cái gọi là "chính sách mới". Họ phản lại việc làm trước kia, vứt bỏ lập trường giai cấp, thay đổi mặt mũi, phát ra tuyên ngôn, phái đại biểu đi giao thiệp đòi "liên hiệp một mặt trận" với bọn quan liêu, chính khách, quân phiệt, rất đỗi với tên đao phủ thủ của dân chúng[2]. Họ cất giấu cờ xí của mình, làm mập mờ sự nhận thức của dân chúng, làm cho dân chúng tưởng rằng quan liêu, chính khách, đao thủ phủ đều là người dân tộc cách mạng, đều có thể kháng Nhật, cái kết quả là phải trao dân chúng cách mạng trong tay đao thủ phủ để lại bị giết hại lần nữa. Cái thứ hành vi phản bội không biết xấu hổ ấy của đảng Stalin khiến cho người cách mạng Trung Quốc cảm thấy sỉ nhục.

Hiện nay ở Thượng Hải, giai cấp tự do tư sản nói chung cùng với phần tử lớp trên của tiểu tư sản thảy đều hoan nghênh cái "chính sách mới" ấy của đảng Stalin. Đó là sự không lấy gì làm lạ. Cái uy tín truyền thống của Mạc Tư Khoa, cái vết máu lịch sử của reds Trung Quốc cùng lực lượng hiện tồn đó - còn có gì sánh với nó đáng lợii dụng hơn ư? Nhưng mà cái "chính sách mới" của đảng Stalin càng được hoan nghênh chừng nào, thì cách mạng Trung Quốc lại càng bị độc hại chừng nấy.

Cái đoàn thể nầy của chúng tôi, từ sau năm 1930, ở trong hoàn cảnh khó khăn trăm thứ, cứ đấu tranh không ngớt cho chủ trương chúng tôi. Sau cuộc Cách mạng lớn thất bại, chúng tôi liền phản đối cái chính sách gà mờ của phái Stalin mà đưa ra đường lối "đấu tranh dân chủ cách mạng". Chúng tôi cho rằng Cách mạng lớn đã thất bại rồi, mọi sự chỉ có bắt đầu làm lại. Chúng tôi luôn luôn đoàn kết cán bộ, nghiên cứu lý luận cách mạng, tiếp thu sự dạy dỗ của thất bại, giáo dục công nhân cách mạng, mong ở trong thời kỳ gian khổ phản cách mạng nầy xây đắp nền tảng bền vững cho cách mạng lần sao. Bao nhiêu sự biến mấy năm may chứng minh rằng đường lối chính trị và phương pháp công tác của chúng tôi thật đúng, chúng tôi phản đối chủ nghĩa cơ hội, chính sách gà mờ và đảng chế quan liêu của đảng Stalin, hiện giờ chúng tôi lại kiên quyết đả kích cái "chính sách mới" phản bội nầy nữa. Nhưng cũng vì thế, hiện nay chúng tôi đang bị các phần tử đầu cơ và bọn đảng quan liêu căm ghét. Điều đó là may, hay là không may?

Tiên sinh là người tôi ngưỡng mộ về học thức, văn chương, phẩm cách hơn mười năm nay, trong khi nhiều người có tư tưởng đều chìm đắm vào cái hố cá nhân chủ nghĩa, chỉ một mình tiên sinh phấn đấu chẳng thôi theo kiến giải của mình! Cái ý kiến chính trị của chúng tôi nếu có thể được tiên sinh phê bình cho, lòng riêng tôi sẽ lấy làm vẻ vang lắm. Nay gửi hầu mấy thứ sách báo, xin thu duyệt cho. Nếu được trả lời, nhờ để ở chỗ X, trong ba ngày sẽ đến nhận lãnh. Kính chúc mạnh giỏi.

Trần X. X.
Ngày 3-6

II. Thư trả lời

Trần tiên sinh:

Thư và mấy thứ sách báo như Đấu tranh, Hỏa họa của tiên sinh gởi cho tôi, tôi đã nhận được rồi.

Tóm tắt mọi ý trong thư của tiên sinh, đại khái có hai điểm: một là mắng bọn ông Stalin là quan liêu, một nữa là bác cái chủ trương "liên hợp các đảng phái nhất trí kháng Nhật" của bọn ông Mao Trạch Đông cho là bán đứt cách mạng.

Điều đó rất làm cho tôi "mập mờ" không hiểu. Vì rằng sự thành công bất cứ về phương diện nào của cái nước Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nga Xô Viết của bọn ông Stalin ở trên thế giới, chẳng đã thuyết minh cái vãn cảnh của ông Tờrốtky bị đuổi, lang thang, vất vả, đến nỗi "không thể không" tiêu tiền của kẻ địch là đáng tội nghiệp sao? Sự lưu lạc ngày nay phải là không giống với cái tình cảm ở Sibêri năm nọ trước Cách mạng[3], bởi vì lúc bấy giờ cả đến người cho một miếng bánh mỳ e cũng không có ; nhưng cái tâm trạng lại phải là không giống, đó là vì sự thành công của Liên Xô hiện nay. Sự thực đánh thắng hùng biện, thật không ai ngờ hiện nay cái điều biếm nhẻ không nể nang như thế nó đã đến. Thứ đến "lý luận" của các ông thật cao siêu hơn của bọn ông Mao Trạch Đông nhiều lắm, chẳng những nhiều mà thôi, gỏn gọn là một ở trên trời, một ở dưới đất. Song le, cao siêu cố nhiên là cái đáng phục, ngặt vì cái cao siêu ấy lại vừa vặn là cái mà bọn xâm lược Nhật Bản đang hoan nghinh, thì cái cao siêu ấy vẫn không khỏi từ trên trời rơi xuống, rơi đến cái chỗ rất không sạch trên đất nầy đi mất. Bởi vì cái lý luận cao siêu của các ông được Nhật Bản hoan nghinh, nên tôi thấy mấy thứ sách báo in rất gọn gàng của các ông mà không khỏi vì các ông áy náy: ở trước mặt đại chúng, giá có kẻ phao đồn một câu công kích các ông, nói người Nhật bỏ tiền ra cho các ông in báo, thì các ông liệu có thể rửa cho sạch tiếng được không? Đó quyết không phải là vì ngày trước trong đám các ông từng có người hùa theo kẻ khác chửi tôi ngửa tay nhận đồng rúp mà bây giờ tôi nói thế để trả nũa. Không phải thế, tôi không đến nỗi hạ lưu như thế đâu, vì tôi không tin rằng các ông có thể xuống đến nỗi lấy tiền Nhật Bản ra báo công kích cái thuyết nhất trí kháng Nhật của bọn ông Mao Trạch Đông. Các ông quyết không có thể như thế được. Tôi chỉ muốn thưa với các ông một lời, cái lý luận cao siêu của các ông sẽ không được đại chúng Trung Quốc hoan nghinh, cái việc các ông làm có điều trái với đạo đức làm người hiện giờ của người Trung Quốc. Cái điều tôi muốn nói với các ông chỉ có một chút đó.

Sau cùng, có một điều tôi cảm thấy hơi khó chịu, ấy là bỗng dưng các ông gởi thư và sách báo cho tôi, không phải là không có cớ. Đó là vì cớ mấy người "chiến hữu" nào đó của tôi từng nói tôi là thế nào thế nào chứ gì. Nhưng tôi, dù cho không ra gì đến thế nào nữa cũng tự thấy mình cách với các ông rất xa. Những người bằng chắc thiết thực, đạp chân sát đất, vì sự sinh tồn của người Trung Quốc hiện giờ mà phấn đấu đến chảy máu kia, tôi được coi họ làm đồng chí là điều tôi lấy làm vẻ vang lắm. Xin ông tha thứ cho, vì có thể đến chỗ đó mà nhận được, cho nên tôi trả lời bằng thư ngỏ. Tiện chúc bình an.

Lỗ Tấn
9-6-1936

(Bức thư này do Lỗ Tấn đọc, O.V. chép)[4]
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn mạt biên)

   




Chú thích

  1. Reds, tiếng Ănglê, nghĩa là đỏ.
  2. "Tên đao phủ thủ của dân chúng" là chỉ Tưởng Giới Thạch.
  3. Đây nói về Tờrốtky. Trước Cách mạng tháng Mười, Tờrốtky bị đày ở Sibêri.
  4. Hai chữ tên tắt "O.V." đây, theo nơi khác có nói rõ, là Phùng Tuyết Phong.