Bài văn đăng lộn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm

Hiện nay, trên sách báo in ra cho bọn thiếu niên xem, thấy có những bài kể chuyện Nhạc Phi, Văn Thiên Tường. Cố nhiên hai ông ấy là người vớt vát thể diện cho người Trung Quốc, nhưng đem làm gương mẫu cho bọn thiếu niên hiện giờ thì hình như khí xa vời một chút.

Hai ông ấy, một là văn quan, một là võ tướng. Nếu quả thật bọn thiếu niên vì đó cảm động, toan bắt chước hai ông, thì họ trước phải học cho tốt nghiệp bậc phổ thông, rồi hoặc vào đại học, dự kỳ thi văn quan, hoặc vào trường lục quân, làm đến cấp tướng, thế rồi võ thì chuẩn bị chịu mười hai kim bài đòi về, chết trong lao ngục; văn thì khởi binh và thất bại, chết trong tay người Mông Cổ[1].

Triều đình nhà Tống ra thế nào? Còn có lịch sử đó, xin phép miễn nói.

Nhưng mà trái lại, hai ông ấy thật có thể làm nóng chí các văn quan võ tướng dương kim và làm bẽ mặt các võ tướng đầu hàng, văn quan bỏ trốn dạo trước[2]. Tôi ngờ rằng những sự tích ấy vốn là bài văn viết đăng trên sách báo cho cá quan lớn cụ lớn xem, chẳng biết thế quái nào lại đem đăng lộn trong sách báo cho bạn trẻ. Nếu không phải thế, thì người viết những bài ấy quyết không đến nỗi khờ khạo đến như thế được.

1936
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn mạt biên)

   




Chú thích

  1. Nhạc Phi là đại tướng đánh giặc Kim ở triều Cao Tông (tên là Triệu Cấu) đời Nam Tống. Nguyên nhà Tống trước đóng đô ở Biện Kinh, bị giặc Kim tiến đánh, chiếm kinh đô, bắt mất hai ông vua là Huy Tông và Khâm Tông. Cao Tông được lập lên, dời đô về phía Nam Trường Giang, gọi là Nam Tống. Bấy giờ dùng Nhạc Phi làm đại tướng, kéo binh qua sông đánh thắng Kim nhiều trận, cơ chừng có thể lấy lại đất đã mất. Nhưng trong triều có tên Tần Cối, là hán gian, làm tể tướng, chủ hòa với Kim, ra lệnh vua, cho mười hai kim bài giục phải về; Nhạc Phi về đến, bị hạ ngục, xử tử. Theo sử chép thì như thế, cho nên xưa nay hễ nói đến việc nầy, ai cũng đổ tội cho Tần Cối. Nhưng thực ra không phải một mình Tần Cối làm được cái việc to và ngang ngược như thế. Đó chính là Cao Tông đồng tình làm việc ấy mà để một mình Tần Cối đứng ra chịu mang tiếng. Vì Cao Tông sợ đánh thắng Kim hẳn, hai ông vua kia sẽ được trở về, thì khó xử trí lắm, cái ngai vàng mình khó mà ngồi yên được.
    Cuối cùng, Nam Tống bị Mông Cổ (nhà Nguyên) tấn công. Tể tướng là Văn Thiên Tường cử binh kháng chiến, nhưng thất bại, Thiên Tường bị bắt tù và giết, Nam Tống mất.
  2. "Các võ tướng đầu hàng, văn quan bỏ trốn" là chỉ các võ tướng văn quan của chính phủ Quốc dân đảng đánh với quân Nhật Bản từ trận Lư Câu Kiều về sau.