Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ nhất/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III

Tư-bản của người Tầu trong Nam-kỳ. — Mấy ông vua tiền bạc. — Cái thế-lực kim-tiền của họ. —

Đại phàm trong trường kinh-tế chiến-tranh, quyết hơn thua với nhau, không cần gì có giáo sắc gươm dài, không cần gì phải có đạn to súng lớn, mà chỉ nhờ về một đội quân, gọi là đội quân « tư-bản ». Người Tầu sang đất Nam-kỳ mà làm được ông chủ trong trường công-nghệ thương-mại như ngày nay, toàn là nhờ sức của đội quân « tư-bản » cả, cho nên ta đã biết người của họ là đông, ta cũng phải nên biết tư-bản của họ là lớn nữa mới được.

Tư-bản của họ ở đâu ra? Nói rằng: họ vận ở bên Tầu sang để buôn bán sinh lợi, thì cũng có thế, mà nói rằng: ấy là họ vơ vét được của ta, thì cũng chẳng phải là không. Lẽ trên cố-nhiên, mà lẽ dưới càng là cố-nhiên nữa, vì ai làm ra tiền thời nấy ăn, mình không thể nói được. Vả chăng, chủ ý đoạn này không phải cứu cái nguyên-nhân rằng tư-bản của họ ở đâu mà ra, chỉ xét đại khái xem tư-bản của họ ít nhiều mạnh yếu thế nào mà thôi.

Ta xem ngay bản trình sổ chi-thu các thuộc-địa, mà ông thượng-nghị-viên là Saint-Germain trình Thượng-nghị-viện từ năm 1906 về tư-bản của các thuộc-điạ, thì mới biết rằng tư-bản của người Tầu ở bên ta này to.

Trong tờ trình ấy, thì ông chia tư-bản của xứ ta làm 3 thứ, trong có một thứ tư-bản dùng để làm mọi công-việc thuộc về canh-nông, thương-mại và công-nghệ. Thứ tư-bản này tới 223.914.816 frs. trong số đó người Pháp có 126.863.900 frs. còn 97050.916 frs. là tư bản của người ngoại-quốc. Ta nên nhận kỹ rằng gọi là tư-bản của người ngoại-quốc ấy, thì phần nhiều là của Hoa-kiều.

Nếu ta đem số tư-bản của người ngoại-quốc mà tách bạch ra, thì những tư-bản về việc canh-nông không mấy. mà dùng vào việc công-nghệ nhiều, đến như về công-cuộc buôn bán, thì tư-bản của ngoại-quốc — ta nên nhớ luôn rằng Hoa-kiều ở phần nhiều — hơn tư-bản của người Pháp.

Bởi vậy cho nên trong 19.676.831 frs dùng vào việc canh-nông, thì 13.201.575 frs. của người Pháp, mà người ngoại-quốc chỉ có 6.475.256 frs. mà thôi. Đến như các công-cuộc kỹ-nghệ, thì số tổng-cộng là 96.408.535 frs. mà chia ra như sau này: tư-bản của người Pháp: 72.243.375 frs; tư-bản của người ngoại-quốc: 24.165.150 frs. Sau hết đến tư-bản để buôn bán, tổng cộng lại là 107.829.460 frs. thì người Pháp chỉ có 41 418.950 frs, mà người ngoại-quốc — số đông là Hoa-kiều — có những 6 410 510 frs.

Giá bạc bấy giơ chỉ lên xuống từ 2f.50 cho đến 3f00, mà năm ấy đến năm nay, tuy xa cách gần 20 năm giời, thì tình-thế e cũng có nhiều phần thay đổi, song le cái thực-lực của Hoa-kiều ở ta, so với mấy năm ấy về trước, thì phương diện nào là cũng hơn xưa, thế thì tư-bản của họ bây giờ, có lẽ gấp mấy những ngày ấy nữa. Đây là nói chung về Hoa-kiều ở nước ta, nhưng bề nào thì bao giờ Hoa-kiều ở Nam kỳ cũng chiếm một phần lớn.

Kể sự giầu của năm bang Hoa-Kiều trong Nam-Kỳ, thì bang Phúc-Kiến là hơn, mà bang Quảng-Đông là thứ, còn các bang kia cũng chỉ tầm thường mà thôi. Có một người Tầu — người trong báo-giới — đã xét đến cái tổng-số tư bản của Hoa-Kiều, chưa kể đến các của bất-động-sản, như là nhà cửa đất cát, và vốn liếng các nhà máy gạo, các xưởng máy, các thương-hội lớn v... v... thì tính phỏng, cứ bỏ rẻ mỗi người Hoa Kiều hơn bù kém có 300 p. 00 trong tay, nếu kể tất cả những cái trên kia, thì tư bản không kém gì 500 triệu; thế thì đủ biết tư bản của họ to là nhường nào?

Họ lập cả nhà ngân-hàng nữa. Hiện nay, họ có hai nhà ngân-hàng trong Nam-Kỳ, làm cơ-quan tài-chính của họ: một nhà Đông-Á ngân-hàng (東 亞 銀 行) tư-bản 500 vạn; hai là nhà Hoa thương ngân-hàng (華 商 銀 行) tư-bản 200 vạn. Kể cách sinh-lý của hai nhà ngân-hàng này, không được đâu to lớn phát đạt như những nhà Đông-Pháp ngân-hàng (Banque de l'Indochine) và Quản-lý Trung-Hoa Thực-nghiệp ngân-hàng công-ty (Société de Gérance de la Banque Industrielle de Chine) song vì cái lợi của họ mà họ tổ-chức lên, và hoạt-động với nhau, kể cũng đã có tư-cách như mấy nhà ngân-hàng Âu-Mỹ lắm.

Các nhà ngân-hàng có vốn như thế cũng cho là to, nhưng còn có những tay hào-thương, trong tay có tư-bản nhiều gấp mấy như thế nữa.

Trong bọn Hoa-Kiều bây giờ, duy chỉ có Hoàng-trọng-Tán 黃 仲 贊 là giầu nhất, tư-bản có đến 3000 vạn. trong Nam-Kỳ đã suy-tôn lên làm ông vua tiền bạc, hay là ông vua nhà cửa, vì Hoàng có nhiều nhà cửa đất cát lắm.

Hoàng vốn là người Phúc-kiến, xuất thân hàn-vi, sang ở Saigon đã lâu, những khi còn độ 3, 4 xu một thước vuông đất, mà bây giờ đã lên tới 9, 10 đồng, Hoàng nhờ có cơ hội ấy, mua được nhiều đất cát, rồi làm nhà cửa cất lên từng dãy hai ba từng liền khin khít đến 2, 3 chục cái một, những nhà ở phía chợ Bến Thành trong Saigon bây giờ, Hoàng có một phần chia ba, lại còn biết bao nhiêu là nhà ở trong Chợ Lớn, nhiều quá kể không xiết, chỉ biết rằng cứ tiền cho thuê nhà, Hoàng thu mỗi tháng đến hàng vạn bạc. Lại còn các tiệm cầm đồ ở hai thành phố Saigon và Chợ-Lớn hầu hết là ở trong tay Hoàng lĩnh trưng. Nhà riêng của Hoàng ở Saigon, chỉ kém thua phủ Toàn-Quyền một ít mà thôi: ai ở chợ Bến-Thành đi thẳng ra trông thấy một toà nhà ba từng đột ngột, rộng rãi bao la, mới trông tưởng là công-phủ chi của nhà nước, đó tức là cung-điện của ông vua nhà cửa trong Nam-Kỳ là Hoàng-trọng-Tán vậy. Hoàng mỗi ngày một tậu đất cát, làm nhà cửa thêm, cho nên người Nam-Kỳ, ai cũng biết trước chỉ nay mai Hoàng sẽ có nửa phần thành-phố Saigon và ba phần chia mười thành phố Chợ Lớn. Ôi! giầu như thế thực đáng ghê thay.

Sau Hoàng thì còn Tạ-Mã-Diên 謝 媽 延 cũng là người Phúc-Kiến, giầu đến 1000 vạn.

Ngoài hai ông vua tiền bạc ấy ra, còn thì những tay có tài sản hàng 100 vạn, ước có 200 người; tài sản có 50 vạn, ước có 3, 4 trăm người; ấy đều là những tay cự-phú, đến như những hạng có 5, 3 nghìn, 1 vạn đồng bạc trong tay thì thật nhan nhản, xe chở đấu đong không hết.

Ta đã biết họ giầu có như thế rồi, ta lại phải nên biết họ giầu có như thế, cho nên cái thế-lực kim-tiền của họ to lắm. Một vài người nào, từng giao-tiếp với Hoa-kiều nhiều, và chịu khó tò mò xem xét những cách hành-động của họ, rất là kín-đáo, thâm-trầm, khôn-ngoan, độc-ác, hễ làm việc gì, không cứ gì là thương-mại, công-nghệ, trưng-thầu. mua-bán chi chi, đều lấy thế-lực kim-tiền mà dẫy hết cả. Thương mại đem kim tiền mà dẫy, thì không ai tranh nổi; công-nghệ đem kim-tiền ra dẫy, thì không ai tranh nổi; cho đến trưng thầu mua bán chí chi, đem kim-tiền ra mà dẫy, thì cũng không ai tranh nổi; vì thế mà có việc đang xấu nên tốt, đang dở ra hay, đang nguy mà chuyển ngay ra thế an được. Ta đã từng nghiệm rằng: có thứ rượu của họ cất ra, ở trong do nước bùn nước rãnh chi không biết, mà ngoài gián giấy nói bổ huyết, bổ thận, mà uống chẳng có ích gì, nhưng được cái giấy chứng-nhận hay, ấy là bởi thế-lực kim-tiền; có thứ thuốc của họ chế ra, đóng chai đóng lọ hẳn hoi, xưng rằng: thuốc bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ, mà uống mấy cũng chẳng thấy vần gì, nhưng có giấy phân chất rằng thuốc hay, đăng phi-lộ nói rằng thuốc hay, lại người đi cổ-động miệng rằng thuốc hay, ấy cũng là bởi thế-lực kim-tiền. Xem một tờ Thời-Báo trong Nam-kỳ năm xưa cãi nhau về hiệu Nhị-thiên-Đường xuất bản một quyển mục-lục thuốc, thuê mỗi báo một người chủ-bút làm cho một bài tựa là 50p. để lấp miệng không ai còn dám phản-đối thuốc mình nữa. Ay là cái thế-lực kim-tiền của họ như thế đấy! Lại một năm Chính phủ rục rịch tính lấy lại môn-bài bán thuốc phiện của những người Khách ở Nam-kỳ để cho những vợ con người tùng-chinh hồi Âu-chiến mới rồi kiếm lợi, thế mà không biết họ lấy kim-tiền vận-động thế nào, rồi việc ấy lại im đi mất! Cho đến giá cả hàng hóa, ai mật báo với nhau họ cũng biết được, cũng là thế-lực kim-tiền, trưng thầu mua bán gì, mà thường họ vẫn được người, thì cũng là thế-lực kim-tiền cả. Họ vốn sẵn cái trí xem xét lợi hại rất là sáng suốt, cho nên họ thấy có việc lợi cho họ, mà tài tranh không lại, sức tranh không lại, thì vận-động ngay bằng kim-tiền. Việc của cá nhân, thì vận-động bằng kim-tiền cá nhân, việc của đoàn-thể, thì vận-động bằng kim-tiền của đoàn-thể. Họ biết rằng việc làm có lợi cho mình, thì không gì bằng quăng tiền ra mà vận-động, vận-động hết mấy cũng không tiếc gì, bởi họ lại biết rằng: mất đi ít mà thu lại nhiều vậy.

Tác-giả xin đem mấy việc mà viện chứng.

Năm 1919, trong Nam-kỳ nổi lên cái phong-chào «tẩy chay Khách-trú», nguyên nhân chỉ tại có một tiệm cà-phê kia bán tăng giá hai xu lên ba x, mà gây nên lòng công-phẫn của người mình, rủ nhau trước thì Saïgon, Chợ-lớn, rồi đến Lục-tỉnh, trong mấy hôm mà cả ngoài ta. mấy chỗ to như Hànội, Hảiphòng Namđịnh v...v... đâu đâu cũng hưởng-ứng như chớp, ai nấy đều biểu đồng tình để tẩy chay Khách-trú rất là hăng hái, đến nỗi phố xá đông như kiến, học chò bỏ nhà trường, chỗ kia hô hào, chỗ này diễn thuyết, Khách-trú — thứ nhất là ở trong Nam-kỳ — đã lấy làm lo lắng lắm, tưởng chừng như trong trường thương chiến, ta đánh lui ngay được họ, không ai ngờ như nồi nước nóng đang sôi sùng sục thế này, phút chốc nguội ngắt như đá, thôi thế là việc hỏng bét... Ta có biết rằng việc hỏng bởi đâu không? Bởi người mình không kiên-nhẫn đồng-tâm đã đành. mà phần nhiều tại Khách-trú vận-động riết lắm. Họ vận động bằng gì? Ấy, cũng bằng thế-lực Kim-tiền!

Tác-giả có nghe người bạn trong Nam-kỳ, hồi có việc này cũng là người chủ-động, thuật truyện lại rằng: «Giữa hồi tẩy chay, khách nó dụ tôi, bỏ ra cho tôi 6.000$ để tôi xuất-bản một tờ báo quốc-ngữ trong 6 tháng. » — «Thế sao không làm?»—«Vì nó định thuê tôi chưởi lại Annam, tôi nào đang tâm như thế» Một việc ấy đủ chứng rằng đồng tiền họ to, mà thủ-đoạn họ độc rồi. Giữa lúc ấy họ lại lập ngay ra mấy tờ báo nữa, thoạt tiên là «Nam kỳ Hoa-kiều Nhật báo» 南 圻 華 僑 日 報 để nói xa xôi người mình, bây giờ báo ấy vẫn còn, chuyển thành một cơ-quan mạnh cho việc buôn bán. Sau đấy lại có tờ báo viết bằng chữ Pháp, là báo «Eclair», nhưng không bao lâu thì đổ. Những cái đó đều là thường, ta không đủ sợ, chỉ đáng sợ nhất là trong lúc phong-chào đang ầm ầm, mà họ tìm được một cách giải vây diệu nhất, là tiền, chỉ gọi có mấy tiếng trong mấy ngày, gom góp được mấy chục vạn bạc, rồi mấy chục vạn bạc ấy, họ khiêng vào đâu không biết,... trong mấy ngày nữa thì việc tẩy chay của « Ố-nàm» đi đời, tựa như có cái sức mạnh gì, khiến mình phải im đi, thế là hết truyện.

Lại mới rồi ở Saigon có cái việc « độc quyền cửa bể Saigon Chợ-Lớn » « Monopole du Port Saigon Chợ-Lớn » xẩy ra, đại khái là sự chuyên chở vận tải ở cửa bể Saigon Chợ Lớn, xưa nay là của linh tinh từng người, nay định đem quy vào một hội riêng, gọi là hội « Candelier » có độc quyền chuyên chở ở đấy mà thôi, như thế không những gì là người mình có thiệt, mà thứ nhất là nghề buôn gạo, nghề chuyên chở của Hoa-Kiều bị thiệt-hại lắm, cho nên họ lại rắc tiền ra mà vận động phá ngầm, lợi cho họ mà lợi cả cho ta, tuy thế cũng nên hiểu rằng cái thế-lực đồng tiền của họ là mạnh đến thế. Năm ngoái lại có một việc nữa cũng đủ chứng tỏ cái thế lực đồng tiền của họ to, là có một chú ở Chợ-Lớn — tiếc thay quên mất tên — bỏ ra cho Chính-Phủ mấy chục vạn bạc và một khu đất của va ở Bình Đông (gần Chợ-Lớn) yêu cầu Chính-phủ đem cái chợ ở giữa thành phố Chợ-Lớn ra Bình-Đông, mà va chỉ lấy một quyền lợi cất nhà ở khu đất chợ cũ kia, để cho các tiệm thuê mà thôi.

Ấy là kể mấy việc to, còn những việc nhỏ mà họ cũng lấy kim tiền vận động, thật lắm cách độc ác gớm ghê. ta đã từng thấy, mà cũng có việc kín đáo lắm, ta không thể hiểu rõ được Ta chỉ nên nhớ kỹ rằng: đối phó với Hoa-Kiều, một cái sức kim tiền của họ, đủ làm cho ta phải đảo điên liểng xiểng vậy.