Trở vỏ lửa ra/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

II

TRONG một làng cách Qui-nhơn ba cây số, có tòa nhà đất (theo thói-tục ở đây những nhà giầu không làm nhà gạch mà làm nhà đất), vừa nhỏ vừa lớn cộng bảy cái, trước ngõ có bốn-năm cây rơm cao ngất trời, quanh vườn có chuồng bồ-câu, chuồng ngỗng: Đó là dinh-cơ của vợ chồng ông bá Giám ngày trước, mà ngày nay do Cửu-phẩm Trần công Thưởng chủ-trương. Gian giữa của cái nhà chính, đặt bàn thờ bà bá là người mới vừa chết, chôn ba hôm nay. Hôm nay mở cửa mả, làng họ ăn uống đã về từ lúc chiều rồi; tối lại, trong nhà đầy một không-khí buồn-rầu, lạnh-lẽo.

Bên cạnh bàn-thờ, về phía trước, để cái chõng tre thấp trệt, vừa hai người ngồi. Cửu Thưởng đi đâu ba đồng bảy đỗi trở lại thắp trên bàn thờ một cây hương, rồi để nguyên cả khăn chế áo sô mà ngả lưng trên đó.

Giữa lúc ấy, bà Tuấn ở nhà dưới lên, đứng trước bàn thờ lâm-dâm vái, chừng như muốn từ-giã vong-linh chị để sáng mai về nhà mình. Cửu Thưởng thấy vậy, vội-vàng chỗi dậy mời bà cùng ngồi với mình trên chõng. Bà Tuấn mở đầu nói:

— Đưa đám chị xong, tôi nói để anh cửu biết mai sớm tôi lại trở về Phan-thiết. Con Nghi..

Cửu Thưởng không để bà nói dứt lời, làm ra vẻ ngạc-nhiên:

— Chứ không phải dì còn ở lại chơi với chúng cháu ít nữa là một tháng sao? Dì về làm chi vội vậy?

— Nhà không có ai. tôi phải về. Con Nghi, anh cho nó đến mai lại đi với tôi.

Cửu Thưởng lại để lộ vẻ ngạc-nhiên lúc nãy và còn hơn:

— Con Nghi lại đi với dì, đi đâu?

Bà Tuấn nói như không để ý:

— Nó đương học ở trường, thì anh cho nó đi học nốt, chứ còn đi đâu nữa?

— Thưa dì, ấy là lúc bà bá — à mẹ tôi, mẹ tôi còn kia; nay mẹ tôi mất rồi, thì sự con Nghi đi học nữa hay không, tôi còn bận việc chưa nghĩ đến được.

— Anh nói sao lạ thế! Chính tại chị bá mất rồi anh mới lại càng để con Nghi đi học luôn chứ.

— Không, tôi không nghĩ như dì vậy. Mà tôi nghĩ: cho con Nghi đi ra là một trách-nhiệm lớn lắm; trách-nhiệm ấy, mẹ tôi đương nổi, chứ tôi không đương nổi đâu.

Bà Tuấn vừa cười gằn vừa nói:

— Lấy sức nhà này bỏ ra một năm vài trăm đồng bạc cho con gái đi học thì khi nào mà không nổi, anh khéo nói!...

Cửu Thưởng vội-vàng cãi:

— Ấy không, không phải tôi phàn-nàn về tiền-bạc. Gia-tài này là gia-tài của chị em nó, tôi chỉ giữ giùm thôi, mất chi của tôi mà tôi phàn-nàn? Tôi nói đương không nổi là cái trách nhiệm khác kia.

— Lại còn trách-nhiệm gì nữa?

— Dì tính con gái đã lớn rồi, mười-bốn mười-lăm tuổi rồi. mà một mình đi đường xa, ở đất khách, xưa nay có con nhà ai dám để cho như vậy?

— Tưởng cái gì, chứ cái ấy thì đã có tôi chịu trách-nhiệm. Con Nghi ở với tôi sáu năm nay rồi, không việc gì cả anh đừng lo.

Cửu Thưởng rùn vai hai ba cái và bài-hãi:

— Á hay! còn dì cũng lạ nữa! Sao dì lại mũng lấy cái mệt ấy làm chi? Tôi nói thật đó, giá mẹ tôi còn sống là dạo này mẹ tôi cũng phải rút con Nghi về nhà.

— Anh không biết, chứ hồi sinh-tiền, anh bá cũng đã dặn lại chị bá, về sau phải cho con Nghi đi học cho đến tột bậc mới thôi. Chị bá còn, không khi nào chị bắt con Nghi phải nghỉ học đâu.

— Nhưng mà, thưa dì, theo mỗi thời một khác. Thầy mẹ tôi khác, đến tôi khác.

— Tóm lại, con bé học được, nếu anh không cho nó học nữa, uổng lắm.

— Dì nghĩ thứ con gái có học được mà làm chi! Ở nhà đó, vài năm nữa gả lấy chồng cho xong chuyện.

Bà Tuấn thở dài tỏ ý thất-vọng:

— Nói như anh, thiên-hạ còn ai cho con gái đi học làm gì? Ở đời, mình phải theo người ta chứ.

Cửu Thưởng vừa đứng dậy đốt điếu thuốc trên đèn bàn thờ vừa nói lớn cho cả nhà cùng nghe:

— Nhưng mà chính con Nghi nó có muốn đi học nữa đâu?

Được trớn, bà Tuấn giục:

— Con Nghi nó ở đâu đó anh hêu nó lên hỏi, thử xem.

Nghi lúc nãy đến giờ vẫn đứng núp trong bức màn ngăn, bao nhiêu câu hai người nói với nhau, cô đều nghe rõ hết. Mấy lời của cửu Thưởng đã làm cô nổi tức lên, muốn chường mặt ra, chống-chế lại, nhưng chẳng biết vì lẽ gì, cô lại thôi không dám. Nay nghe bà Tuấn gọi đến tên mình cô bèn ló mặt ra, đứng nép vào cây cột. Bà Tuấn hỏi:

— À Nghi, cháu hãy nói thật, bây giờ cháu có muốn đi học nữa hay thôi?

Nghi đứng cúi mặt xuống, hai tay mân-mê cái tà áo, khẽ thưa:

— Thưa trước có dì, sau có anh cháu, cái là quyền ở anh cháu, cháu không dám nói muốn mà cũng không nói không.

Nghi trả lời như thế, sau cô vẫn hối rằng mình biểu-lộ tâm-tình một cách yếu-đuối quá, chẳng cương-quyết chút nào; nhưng ở dưới quyền gia-trưởng của cửu Thưởng lâu nay, hình như cô đã trở nên khiếp-phục, trước mặt hắn, cô không thể nói câu gì làm trái ý hắn hết.

Nghe Nghi nói thế, cửu Thưởng làm như phân-bua với bà Tuấn mà rằng:

— «Không dám nói muốn» tức là không muốn rồi còn gì nữa? Thôi đến mai dì đi về Phan-thiết một mình đi; còn rương hòm của con Nghi thì để đó rồi sau sẽ gởi ra cũng được.

Đêm hôm ấy Nghi cứ quấn-qnít một bên bà Tuấn mà khóc-lóc. Cô căn-dặn bà khi về đến nhà làm sao cũng tới thưa chuyện cùng bà giáo để bà ấy biết rõ tình-cảnh của mình.

Sau đó dăm hôm, cửu Thưởng bỗng nhận được tờ trát của Công-sứ Qui-nhơn đòi mình đến hầu có việc khẩn.

Từ trước đến giờ cửu-Thưởng chưa hề có việc gì bước chân đến cửa quan tây. Nay tiếp được trát tòa đòi, chàng đâm ra lo cuống-cuồng, như gặp một tai-nạn gì lớn lắm.

Chàng lập tức đi đến các người trí-thức trong làng, nhờ họ đoán giùm thử mình bị đòi về việc gì và chỉ vẽ cho cách đối phó làm sao. Ai nấy đều nói qua loa với chàng cho trôi câu chuyện. Nhưng có người thấy chàng xử trí trong gia-đình không ra bề thì dọa chơi cho đỡ ghét, bèn phỉnh hắn rằng: « Cô Nghi đang học tại trường Nhà-nước mà anh thình-lình bắt cô ở nhà, chắc nay Nhà-nước đòi anh đến quở-phạt làm sao đó chứ chẳng có gì lạ ». Cửu Thưởng cho là đúng, từ đó đâm ra oán Nghi, trong ý nói rằng vì có việc đi học của Nghi nên mới làm mình bị đòi hỏi lôi thôi, còn chưa biết quở phạt ra sao nữa.

Về đến nhà, cửu Thưởng hằm hằm kêu Nghi ra, nói văn này thế kia, sau đến mắng-mỏ cô tàn-nhẫn. Đến nỗi kêu cha mẹ vô-phúc. đẻ ra đồ con gái hư thân: phải chi cứ an-thường thủ-phận, đừng đi học đi hành chi hết như con gái nhà người ta thì thôi, việc gì liên-lụy đến phụ-huynh, bị quan trên đòi hỏi!

Trong trát nói quan Công-sứ đòi có việc khẩn chứ không nói rõ việc gì, thế mà cửu Thưởng cứ đổ ám-xác cho bị đòi là vì viêc của Nghi để trách-móc cô, cô cũng phải bấm bụng mà chịu. Đó chẳng những vì sự uy-hiếp đã quen của một gia-đình chuyến-chế, mà cũng do sự ức-đoán trong trí Nghi khiến cô phải ngậm mồm. Nghi nhớ lại lúc từ-giã bà giáo, bà có hứa sẽ can-thiệp cho khi bị sự ngăn-trở của gia-đình; nay có sự đòi-hỏi này, có lẽ bởi bà giáo đã được tin mà lấy quyền nhà-trường can-thiệp. Nghĩ đến đó nên dù bị mắng bị rầy, Nghi cũng cứ làm thinh mà chịu; lại thêm thấy cửu Thưởng lo sợ ngày đêm, thiếu điều mất cả máu mặt, thì Nghi lại động lòng trắc ẩn mà thương-hại cho anh.

Ngày hôm sau, cửu Thưởng vào đến tòa, trước chỗ quan Công-sứ ngồi thì thụp xuống lạy bốn lạy. Không đợi quan hỏi gì cả, chàng cứ một mực kêu xin, nói rằng tại mẹ chết vừa chôn xong nên Trần-thị Nghi chưa kịp trở lại trường, chứ không phải hắn bắt ở nhà, không cho đi học nữa.

Quan Công-sứ hết sức ngạc-nhiên, hỏi người thông-ngôn chứ anh-chàng ấy làm cái gì mà rộn rịp thế! Thông-ngôn thuật lại những lời cửu Thưởng kêu oan cho ngài nghe, thì ngài lắc đầu nói mình không biết việc gì, sở-dĩ đòi hắn đến đây là chỉ để giao tặn tay hắn một phong-thư của trong tòa Phan-thiết gởi ra cho hắn mà thôi.

Quan công-sứ kêu cửu Thưởng đến và trao cho một phong-thư. Chàng còn toan lắp lại những lời ban nãy một lần nữa, nhưng người thông-ngôn không cho, bảo xong việc rồi thì đi ra, ở đây không ai biết đến việc ấy.

Cửu Thưởng cầm phong thư ra về trong lòng hể-hả vô chừng; nhưng khi về gần tới nhà, lại thấy mình hồi-hộp, trống ngực đánh thình-thình, vì còn chưa biết thư của ai, trong thư nói việc chi, lành hay dữ.

Tự tay Thưởng xé thư lấy. Quả nhiên là thư của bà Đốc trường Nữ-học Phan-thiết gởi do tên hắn. Không gọi đến Nghi, Thưởng bảo vợ mình đọc. Thư rằng:

Phan-thiết, 15, Mars, năm 1922

Bà Đốc trường Nữ-học Phan-thiết gởi cho thầy Trần công Thưởng Cửu-phẩm ở Qui-nhơn,

Tên Trần-thị Nghi, em gái thầy, học-sinh của bổn-trường, trước đây 10 ngày có xin phép về đám tang mẹ, đáng lẽ hôm nay trở lại trường rồi mà chưa thấy. Vậy nếu thị Nghi còn ở nhà xin thầy giục phải vào ngay. Bằng có thế nào, xin thầy cho biết.

Nay thư.

Ký tên...

Nghe xong bức thư, cửu Thưởng thở hắt ra một cái thật dài, khoan-khoái, khoan-khoái như lúc vào tòa-sứ xong, được vô-sự mà trở về. Chàng nói với vợ:

— Thì đầu đuôi cũng tại con Nghi làm tao rắc-rối!

Lúc đó, Nghi ở trong màn nghe rõ cả bức thư, đắc-ý lắm, nhưng cô thoạt lẩn ra sau vườn để lánh mặt anh mình.

Thưởng bàn ngay câu chuyện với vợ. Chàng nói việc gì mà đã có quan dính vào là lôi-thôi lắm, không liệu xử-trí sớm đi, sau đến phải mất tiền cũng nên. Thôi, chàng phải ép lòng cho Nghi đi học lại.

Ngay sáng hôm sau, người ta thấy Nghi hớn-hở đi với một mụ người nhà xuống Qui-nhơn ngồi xe ô-tô hàng trở vào Phan-thiết.