Trở vỏ lửa ra/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III

SAU không đầy hai tháng, cuối tháng mai năm ấy, Nghi đi thi tốt-nghiệp tiểu-học lần thứ nhất thì đỗ ngay, nhưng vẫn còn ở tại Phan-thiết. Thi đỗ, đáng lẽ là vui-mừng lắm, thế mà nét mặt Nghi cứ dàu-dàu, như có sự băn khoăn lo nghĩ.

Một hôm, Nghi đến thăm bà giáo, bà hỏi đùa:

— Chứ chị Nghi chưa định ngày « vinh qui » sao?

Nghi, bộ mặt buồn thiu, đáp rằng:

— Thưa thầy, lần này thì con nhất-định không về hẳn.

— Sao vậy?

— Con quyết-chí muốn đi học nữa, mà hễ con về là chắc anh con không cho đi.

— Thế chị đã tính sao chưa?

— Thưa chưa, anh con mới gởi thư cho con nói như thế này đây, con xem thì bực mình quá, nhưng chưa biết tính ra sao cả.

Nghi vừa nói vừa lấy trong túi áo một phong thư ra định đưa cho bà giáo xem. Nhưng bà bảo:

— Thôi, chị cứ cầm lấy, đọc cho tôi nghe cũng được.

Nghi đọc thư nho-nhỏ :

Qui-nhơn, ngày 3 Juin, 1922,
Em Nghi,

Được tin em thi đỗ, anh và chị ở nhà mừng lắm. Thôi, thế là xong được cái nợ đèn sách của em và cũng an-ủy được tấm lòng trông mong của thầy mẹ ở dưới cửu-tuyền!

Nếu ở nhà sai người vô đón em về thì tốn-kém lắm, Em cứ ở nhà dì Tuấn đó, rồi ba bốn hôm nữa có thím Quang đi buôn-bán trong Saigon ra sẽ ghé Phan-thiết để đi về với em cho có bạn. Sự ấy anh đã có nhờ thím rồi.

Anh còn muốn báo tin này cho em hay:

Ông bá hộ Sanh, nhà giầu nhất vùng ta, có cậu con trai năm nay 17 tuổi, ông muốn hỏi em cho con trai ông từ lúc mẹ còn. Chẳng may, chưa nói ra bề chi thì mẹ lâm bệnh và mất. Trước hôm đưa đám, ông lại đi phúng rất hậu. Mới rồi nghe tin em thi đậu, ông lại có cho người hỏi thăm và mừng cho nhà ta.

Anh nghĩ nếu em làm dâu được chỗ ấy thì cũng vẻ-vang lắm và sau này sẽ được sung-sướng một đời. Người ta có lòng ân-cần đến mình như thế, mình không lấy lẽ gì từ-chối được.

Vậy anh đợi em về đây rồi anh bàn với em nên nhận lời đi. Xem ra người ta nóng lấy vợ cho con lắm, hễ mình không nhận lời ngay thì họ đi hỏi chỗ khác, thiên-hạ không thiếu gì con gái!

Cố nhiên là phải đợi đến mãn tang mẹ rồi mới cho cưới. Nhưng bề nào cũng phải nhận lời ngay từ bây giờ. Vì cớ ấy anh mong em về lập tức.

Nay thư.

Ký tên: Anh Trần công Thưởng.

Đọc xong bức thư, Nghi nói với bà giáo:

— Câu chuyện nói trong thư này, thật con không hề nghĩ đến, mà con cũng không tưởng anh con vội-vàng đến thế nữa! Mẹ con mới mất, con còn đương đi học, thì sao anh con lại đã nói đến sự gả con?

Bà giáo cười:

— Ông ấy sợ cho chị mất cái miếng béo-bở đi chứ sao!...

Nghi chắc lưỡi:

— Thật, con đã nói, anh con chỉ biết có đồng tiền! — Và thêm: Con lấy làm khổ tâm quá! con một ý, anh con một ý, con không biết làm thế nào nói lọt tai anh con được!

— Chị không về thì cứ viết thư về xin tiền đi học nữa, có được không?

Nghi ra dáng thất-vọng:

— Anh con quái-ác lắm, không thể được. Mà còn khốn cho con nỗi này nữa: Trước mặt anh con, con chớ hề dám mở miệng nói một điều gì, cho đến viết thư cũng vậy.

— Chị sợ ông ấy đến thế sao?

— Thưa, cũng không phải thế. Nhiều lúc con thấy mình có lẽ phải, chẳng việc gì mà sợ; nhưng không biết làm sao, rút cục lại, con chẳng hề dám đem cái lẽ phải ấy mà tỏ-bày với anh con.

Bỗng-dưng Nghi thút-thít khóc, và nói thêm:

— Thưa thầy, con nghĩ con tức quá! Cha mẹ con mất đi, để lại gia-tài có năm bảy vạn, mà bây giờ con muốn đi học nữa, mỗi năm tốn dăm-ba trăm, người ta không cho con!

Bà giáo an-ủy Nghi:

— Chị chớ nên tuyệt vọng. Để thong-thả rồi cũng kiếm ra nước. Chị phải biết chị là nạn-nhân của cái chế-độ xã-hội an-nam hằng ngàn năm nay. Cái chế-độ ấy đã không coi đàn-bà con gái chúng ta ra gì, cho nên chị mới phải ở vào cái tình-cảnh đáng thương như thế...

Nghe bà giáo nói đến đó, Nghi càng tấm-tức:

— Cứ như tình-cảnh của gia-đình con, nhiều lúc con phẫn-uất quá, muốn nổi làm cách-mạng đi cho rồi, rồi ra chi đó nó ra!

Bà giáo vùng cười ồ lên:

— Chị làm cách-mạng là làm thế nào?

Trong khi bà giáo nói câu ấy, bà thấy rõ Nghi vô-tình mà để lộ cái tính-khí trẻ con ra: Nói gì với anh không dám nói. viết thư không dám viết mà dám làm cách-mạng!

Nghi biết mình nói lỡ lời, không đáp câu hỏi của bà giáo, đứng dậy, lễ-phép thưa:

— Thôi, con xin vâng lời thầy dạy bảo. Bây giờ con chỉ có muốn vô Saigon học lên cao-đẳng-tiểu-học thì nên làm thế nào, nhờ thầy chỉ-vẽ cho.

Ngừng một giây, bà giáo ngó chăm vào mặt Nghi và nói như một câu kết-luận:

— Điều cần nhất là chị phải viết thư về nói rõ điều ấy mà xin với ông cửu, anh của chị; xem ông ấy nói thế nào rồi sẽ liệu sau.


Bà Tuấn, dì của Nghi, cũng có một ý như bà giáo, muốn làm cách nào cho Nghi được đi học nữa. Nhưng, theo lời người ta nói thì trong việc ấy, chỗ dụng-tâm của bà có khác. Từ lâu bà đã nhờ-nhõi nơi bà bá Giám, nhất là trong lúc có Nghi trọ học nhà bà. Bà bá bỗng chết đi cũng như hòn núi Thái-sơn của bà bị đổ. Cửu Thưởng, đã không làm sao bám vào nó được, bà ước-ao có một hòn Thái-sơn khác, chẳng phải Nghi thì là ai? Nếu con cháu về sau nầy đỗ cao, làm lớn, lương nhiều, thì đánh cho chết bà dì cũng có phận nhờ vào đó, Vì cớ ấy mà bà cũng ra công săn-sóc cho Nghi.

Dù có vậy nữa thì cũng là thường-tình của một hạng bà-con nghèo-túng, ai nỡ trách làm chi. Nhưng khi thấy bà ấy nhờ thì chửa được nhờ, mà vì cớ săn-sóc cho Nghi, bị cửu Thưởng coi như người thù số một, thì ai nấy cũng nên vì bà mà thương hại!

Sự cửu Thưởng gởi thư vào giục Nghi về, bà Tuấn đã biết mấy hôm nay, bà lấy làm lo cho Nghi lắm. Hai dì cháu đã bàn với nhau chán mà tìm chưa ra cách đối-phó, nên bà mới giục Nghi đến vấn-kế bà giáo như vừa kể ở trên.

Nghi ở nhà bà giáo về thì thỏ-thẻ riêng với dì mình:

— Dì ơi! cháu e việc hỏng mất! Bà giáo bảo cháu viết thư cho anh cửu thì dì liệu còn có hy-vọng gì không?

Bà Tuấn đương ngồi xếp tè-he trên giường, bỗng đổi dáng, khoành tay choàng qua hai đầu gối, có vẻ nghĩ-ngợi:

— Bà ấy bảo viết thư xin anh mày cho phép đi Saigon?

— Dạ, bà bảo cháu thế.

— Lạ nhỉ! có lẽ tại bà chưa rõ hết chỗ khiêu-khê. Chứ tao biết, cửu Thưởng bây giờ nó chỉ chực nhốt mày ở nhà, rồi vài năm nữa nó tống cổ mày đi làm mọi cái nhà nào cự-phú, để chị em bay đứa nào yên thân đứa nấy, không cần nhờ-nhỏi, tiện cho nó cưỡm cả cái gia-tài chứ chi! Cái thằng ấy, tao biết, có trời gầm nó cũng không nhả ra cho mày mỗi năm bốn-năm trăm bạc để đi học Saigon, mà luôn cho đến bốn năm như vậy! Viết thư cho nó mà làm gì?

— Thì cháu cũng nghĩ thế. Nhưng bà giáo lại bảo cháu viết thư.

— Nhưng cuối-cùng, bà còn có nói gì nữa không?

— Bà nói để xem anh cửu trả lời ra sao rồi sẽ liệu.

Dì của Nghi làm thinh một lát, từ-từ gật đầu luôn mấy cái, làm như có nghĩ ra được một lẽ gì:

— Mà nghĩ cho chín, bà bảo làm vậy có lẽ là phải đấy. Theo phép, tử-đệ thì phải có phụ-huynh, cháu không có thể làm khác được.

— Cháu chỉ sợ viết thư về đã không được chi mà còn sanh sự lôi-thôi.

— Không, không sợ. Bà giáo đã là người học-thức mà lại có tuổi, lịch-duyệt nhiều, chắc bà chỉ-vẽ phải đường. Cháu hẵng viết thư đi. Sau khi được thư trả lời rồi, đến thưa bà, coi thử bà liệu thế nào cho biết.

Nghe mấy lời bà Tuấn phân-trần, Nghi chợt nhớ đến lần trước, khi về chạy tang, bà giáo cũng bảo cứ về đi rồi như không cho trở về thì bà sẽ lấy quyền nhà-trường can-thiệp, thế mà rồi sau bà can-thiệp được thành-công. Lần này bà đã hứa sẽ liệu về sau, chắc bà phải có kế-sách gì hay lắm. Nghĩ đến đó, Nghi không thất-vọng nữa, mà lại thấy lòng hơi vững, bèn quả-quyết đem giấy mực ra viết thư.