Trở vỏ lửa ra/VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VII

TỪ hôm Nghi về đến nhà, cửu Thưởng nói cười vui-vẻ lắm, lại bảo vợ sắm thức ăn uống, chiều-đãi Nghi như một người thân-yêu ở xa mới về và sắp đi xa nữa. Chỉ một điều lạ lắm: Ở nhà đã năm sáu ngày rồi mà chàng ta không hề nói đến chuyện sắm-sửa cho cô đi Saigon.

Đến nay Nghi mới bắt đầu phát-nghi. Cô nhớ lại những câu bà giáo hỏi gạn mình trong khi từ biệt mà đâm ra tự-hối: Sao mình đã biết con người xảo-trá đáo-để mà lại không để ý đề-phòng? Sao mình lại mười phần tin-cậy ở bức thư?

Tuy vậy, ở trong nhà, Nghi cứ làm ra bộ bình-tĩnh như không. Thấy cửu Thưởng không hề đề-khởi đến chuyện đi Saigon thì cô cũng giả ngơ như là không có chuyện ấy.

Một hôm, nhân nói chuyện với cửu Thưởng gái, Nghi dò-la thử chị biết công-việc của mình, anh mình định liệu ra sao. Chị dâu cô vốn người ngay-thực, đối với cô lại tốt bụng nữa, nên đã thổ-lộ cái mưu của chồng mình ra hết. Nàng nói:

— Tôi thật khổ quá, cô ạ! Biết chồng làm một việc bất-chính, đã không can được, lại còn phải nhúng tay vào. Chỉ có một nước là tố-cáo ra với cô thì lương-tâm tôi mới khỏi bị trách-phạt. Nhưng tôi xin cô liệu mà xử thế nào cho hoàn-toàn, đừng để lộ chuyện ra làm tôi mang khốn!

Được lời căn-vặn ấy, Nghi lại càng tỏ ra cái thái-độ bình-tĩnh, không ai có thể đoán biết được cô là người đương có chút tâm-sự băn-khoăn và bối-rối. Hằng ngày cô cứ bấm đốt ngón tay thầm tính, chỉ sợ lơ-đễnh mà đã tới ngày nhập-học ở trường nữ-học Saigon:

Ngày ấy là mồng một tháng tám tây chớ không phải tháng chín như các nơi khác đâu.

Nhà cửu Thưởng đến nhà phán Thục chỉ cách nhau ba cây số. Từ hôm Nghi về đến nay, khi thì phán Thục gái qua thăm em, khi thì Nghi qua thăm chị, đã mấy lần rồi. Có lần Nghi ở lại nhà phán Thục một hai ngày mới về nhà cửu Thưởng.

Cửu Thưởng thì cứ ban ngày đi thăm ruộng, đi soát các bầy bò bầy trâu cho nuôi rẽ, ban đêm thức giữ ăn trộm và ru con, không để ý gì đến Nghi cho lắm. Chàng vẫn tưởng rằng cứ lần-lữa để nó ở nhà ngày này qua ngày khác, rồi tự-nhiên cái lòng hăng-hái nó nguội dần đi, bấy giờ có ai thuê nó đi là nó cũng không đi nữa! Huống chi đồng tiền bị khóa trong tủ sắt của chàng, chàng không thả ra thì Nghi dù có mọc cánh mà bay cũng chẳng bay đi đâu được vậy!

Tính đến nay, Nghi ở nhà gần nửa tháng rồi. Cửu Thưởng không hề mở miệng nói đến chuyện Nghi đi học đi hành chi. Nghi cũng chỉ cười đùa ở trong nhà và đi chơi hàng xóm. Hai đằng cùng như quên hết cả, quên hết mất câu chuyện trong bức thư ngày 9 Juillet nói những gì. Cửu Thưởng bụng bảo dạ: Thế là đã được việc rồi! ta đã thành-công rồi!

Chợt đến ngày 25 Juillet thì trong nhà cửu Thưởng phát-giác ra sự cô Nghi đi mất, không biết đi đâu.

Số là từ hôm 13 Juillet, cửu Thưởng cho phép Nghi qua Qui-nhơn ở chơi nhà chị, chực sáng hôm sau xem lễ Chánh-trung. Lễ này, trước kia, năm nào cửu Thưởng cũng có đi coi, nhưng năm nay vì cớ có tang nên chàng ở nhà. Về phần Nghi, đáng lẽ chàng cũng bắt ở nhà nữa, nhưng lại có ý đặc-biệt dung-túng cô em, định bụng rằng có thả lêu-lổng như thế thì nó mới xao-nhãng chuyện đi học Saigon.

Mỗi lần Nghi giáp mặt vợ phán Thục, chị em đã bày tỏ cho nhau biết cái tâm-địa cửu Thưởng xấu-xa hiểm-độc là thế nào. Nhất là sau khi cái mưu gian của chàng bị tiết-lộ bởi miệng vợ hắn, phán Thục gái biết được, lại càng giận lắm. Nàng cố hết sức giúp Nghi cho được thoát khỏi gia-đình, chẳng để làm chi, chỉ để đánh đổ cái mưu gian của cửu Thưởng hầu cho đã nư giận của nàng mà thôi. Nhưng cái chí cao bay xa chạy của Nghi cũng nhờ chị mình mà được toại.

Chính hôm 14 Juillet ấy, phán Thục gái đã sắm sẵn tiền bạc, định cho Nghi thừa ngày hội rộn-rịp mà đi vào Phan-thiết rồi. Nhưng Nghi sợ đi như thế sớm quá, phải ở lại Phan-thiết nhiều ngày, hoặc giả cửu Thưởng sẽ cho người đi theo bắt lại chăng, nên lại triển-hoãn đến hôm sau.

Ngày 24 Juillet Nghi ở nhà ra đi, nói rằng đi qua thăm chị chiều sẽ về; nhưng thật ra thì cô lên ô-tô hàng đi thẳng Phan-thiết. Ngày hôm sau, cửu Thưởng không thấy Nghi về, sai người sang Qui-nhơn tìm thì phán Thục bảo không hề thấy Nghi sang.

Cửu Thưởng biết Nghi bỏ nhà đi, lo sợ lắm, nhưng ngoài mặt làm ra bộ thản-nhiên, cấm người nhà không được nói hở việc ấy ra cho ai biết. Chàng đi bói đi khoa đủ thứ và mượn người lùng tìm khắp thành-phố Qui-nhơn. Thấy Nghi bỏ nhà đi thì phải tìm kiếm mà thôi, chứ chàng còn chưa đoán ra được Nghi vì cớ gì mà đi và đi đâu cả.

Ngay buổi chiều hôm 14 thì Nghi đến Phan-thiết. Không vào nhà dì mình, Nghi đến thẳng nhà bà giáo, rồi mượn con ở đi mời bà Tuấn lại.

Trước mặt hai người, Nghi kể lại sự mình bị mắc lừa và thuật qua cái lịch-trình trong mấy hôm mình lập mưu lập kế để được trở lại đây.

Bà Tuấn cho đến bà giáo, cả hai thấy Nghi đều cảm-động, trong lòng đều lấy làm phục cho một cô gái bé mà có thủ-đoạn, có can-đảm.

Kết-thúc câu chuyện, Nghi tóm tắt trong mấy lời này:

— Ở nhà, sau khi rõ ra là con bị phỉnh, thật con giận vô cùng mà không dám nói, cũng không dám lộ ra nét mặt. Nhờ cái thái-độ ấy làm anh con cũng bị con phỉnh lại, nên con mới được trở vô đây.

— Sao không về đằng nhà mà lại đến thẳng đây? Bà Tuấn hỏi Nghi.

— Con sợ đằng ấy có nhiều người quen họ biết con trở vô đây. Mà con vô đây lần này không muốn cho ai biết hết.

Bà giáo hỏi:

— Vô đây, chị định để làm gì?

— Thưa, việc đã nhỡ ra như thế, con lại đến xin thầy xếp-đặt cho con được đi Saigon.

— Được! Tôi đã nói tôi sẵn lòng giúp chị khi nào chị cần đến. Vậy chị đã có tiền chưa?

— Dạ, không kể hào lẻ, đây con có được năm chục đồng nguyên hiện. Ấy là tiền của chị phán con cho con.

Bà giáo cười đắc-ý:

— Thế thôi còn lo gì nữa! Đủ tiền lộ-phí từ đây vào đến Saigon, rồi còn nộp được một tháng tiền học « ở trong » nữa. Về sau thì đã có tiền nhà, nghĩa là đập vào lưng anh cửu của chị.

Bà Tuấn và Nghi đưa mắt nhìn nhau, tỏ ý lấy làm hồ-nghi câu bà giáo mới vừa nói. Bà Tuấn nhịn không được, hỏi:

— Bữa trước tôi cũng có nghe cháu Nghi về nói bà dạy như thế. Nhưng tôi nghĩ khó quá, làm cách gì lấy tiền của cửu Thưởng được? Huống chi hôm nay lại còn đã xảy ra sự chểnh-mảng thế này?

Bà giáo giãi bày mọi lẽ:

— Bữa trước tôi có nói với chị Nghi rằng điều này phải giữ bí-mật, ấy là nói chơi; việc chưa thi-hành thì không nên phô-trương ra làm chi, chứ có gì đâu mà bí-mật? Tôi nói vậy, nghĩa là: xin nhà trường cứ mỗi cuối tháng làm thanh-đơn gởi về nhà, tự-nhiên ông cửu Thưởng phải trả.

— Sao biết được nó sẽ trả, thưa bà? Bà Tuấn hỏi.

— Đại-phàm hễ nhà giầu mà dốt nát thì hay sợ quan, sợ nhà-nước. Ấy là một điều tôi từng kinh-nghiệm. Tức như ông cửu Thưởng, dạo nọ, nhà trường mới vừa viết thư hỏi, thế mà ông ấy đã sợ, cho chị này trở vô học liền.

— Nhưng hôm nay con Nghi lại bỏ nhà mà đi?

— Không can chi. Cứ giữ cái thư ông cửu mới gởi đây là được. Cái thư ấy ngày nào đó chị Nghi?

— Dạ, ngày 9 Juillet.

— Ừ, cái thư ngày 9 Juillet ấy, ông cửu đã cho phép chị này đi học Saigon rồi. Chị ấy, theo lời ông về nhà thăm rồi hôm nay đi vào học, chứ có bỏ nhà đâu? Như thế thì làm sao mà về sau không chịu trả tiền cho được?

Bà Tuấn và Nghi đều nhận thấy bà giáo nói có lẽ lắm. Hai người lẳng-lặng nghe và gật đầu. Bà giáo lại nói:

— Thôi, việc gấp rồi. Chị Nghi ở lại đây đêm nay rồi trưa mai đi xe hỏa vào Saigon. Tôi sẽ đánh dây-thép cho người quen ra ga đón. Còn việc vào trường thì không lo. Bà đốc, thầy cũ của tôi nay vẫn làm đốc-học ở trường nữ-học. Tối nay tôi sẽ viết thư gởi-gắm chị Nghi cho bà.

Bà Tuấn đỡ lời:

— Đã, thế thì tôi tưởng con Nghi nên viết ngay thư về cho cửu Thưởng mà nói sự mình đi Saigon đi. Nhưng làm lơ, đừng nhắc tới chuyện bỏ nhà một lời nào hết. Làm như mình ở nhà ra đi một cách chánh-thức vậy.

Bà giáo cho thế là phải lắm.

Nhưng còn Nghi, Nghi lại nói cái thư ấy để khi mình vào Saigon rồi sẽ viết về là tiện hơn.