Bước tới nội dung

Trở vỏ lửa ra/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VIII

ĐÃ hơn một tuần-lễ rồi, tìm Nghi không ra, cửu Thưởng rất lấy làm sốt ruột, định bụng hễ tìm vài ngày nữa mà không được, thì phát đơn kiện vợ chồng phán Thục. Không ngờ, một ngày trong thượng tuần tháng tám tây thì có thư của Nghi ở Saigon gởi về. Vừa nghe vợ nói ngoài bì thư đóng dấu bưu-điện Saigon, cửu Thưởng chưng-hửng, không hiểu sao Nghi lại lặn ngòi noi nước mà đi thấu Saigon được.

Thư như thế này:

Saigon, ngày 3 Août, 1922.
Thưa anh,

Em đã đến Saigon, vào trường nữ học học được hai ngày nay rồi, mọi sự đều thanh-thỏa hết, em xin vội vàng viết thư này về cảm ơn anh.

Cũng nhờ có bức thư anh ngày 9 Juillet, em mới được về thăm nhà một bận trước khi đi xa; chứ không thì hôm nay em hối-hận buồn-bã đến đâu.

Trước khi đi em được lạy giường thờ thầy mẹ mấy lạy và có trình qua các bậc trưởng-thượng rồi mới đi, điều ấy làm cho em hể-hả trong lòng.

Tiền anh cho năm chục đồng, em đi đường và tiêu vặt hết non vài chục. Còn cũng đủ trả tiền trường một tháng đầu có thừa, Em có thưa rõ gia-tình với bà đốc. Bà bằng lòng cho em khỏi phải trả trước tiền học mỗi tháng. Bắt đầu tháng sau giở đi, bà sẽ bảo cứ tới cuối tháng làm thanh-đơn gởi về nhà để anh trả tiền.

Em ở trong trường. Vừa tiền thầy vừa tiền ăn mỗi tháng mất 30$. Nếu có mua sách vở gì nữa của trường thì sẽ tốn thêm. Nhiều lắm cũng chỉ đến 40$ là cùng, mới năm thứ nhất thì không làm gì quá số ấy được.

Em xin nói trước như thế để anh biết. Sau này có giấy nhà trường gởi ra, xin anh cứ gởi trả bằng măng-đa.

Em cảm ơn anh lần nữa, và chúc anh chị cùng các cháu bình-yên.

Nay thư

Nghi

Cửu Thưởng nghe đọc xong cái thư thì ngạc-nhiên kêu lên:

— Ủa lạ! Tao có cho tiền con Nghi đâu mà nó nói cho năm chục?

Ngẫm nghĩ một chốc lại nói:

— Thôi, tao biết rồi! Cái con này láu lắm! Nó lờ đi, làm như mình thật bụng tử-tế với nó để nó vòi tiền học mỗi tháng sau này. Nhưng, làm sao nó lại đi lọt Saigon được? Ai chủ-trương cho nó, ai đưa nó đi, tao phải tìm cho ra con người ấy.

Nói thế rồi Thưởng đi sang nhà phán Thục.

Nhà ông bá Giám có một việc lôi thôi chưa xong là việc chia gia-tài.

Lúc ông bá còn sống có phân-phú sơ qua, chưa kịp làm giấy làm mực gì thì ông phát bệnh thình-lình có một vài hôm rồi chết. Đến trước khi bà bá mất, bà lại đau nằm liệt giường đến non một năm, nên cũng không ai chủ-trương việc quân-phân. Đám tang bà xong, Phán Thục gái rục-rịch đòi chia, thì cửu Thưởng không chịu, lấy lẽ rằng theo phép phải đợi đến mãn tang mới chia được.

Đến chia thì chia thế nào? Việc ấy còn rắc-rối lắm không phải dễ. Theo lời phân-phú của ông bá ngày trước thì cả đống gia-tài chia ra làm bốn phần: một phần đặt hương hỏa cho ông bá và bà; còn ba phần, chia cho cửu Thưởng, Phán Thục và Nghi, mỗi người lấy một. Nhưng sau khi hai ông bà khuất rồi thì Cửu Thưởng nghe quân-sư thầy-bày ở đâu không biết, đòi xóa bỏ cái dự-án ấy mà chia cách khác. Chàng lấy lẽ rằng mấy đời trước đều nghèo-khó, đến ông bá mới giàu lên, bây giờ không lẽ lập hương-hỏa cho ông bá bà bá mà thôi, còn hai ba đời ở trên, tức là ông cha của ông bá, lại nỡ để hương tàn khói lạnh? Do cái ý trung-hậu ấy chàng định chia cả đống gia-tài ra làm hai phần: một phần đặt hương-hỏa cả từ ông bà bá lên đến ông bà tằng-tổ của ông bá, hễ lên cao đời chừng nào thì số ruộng hương-hỏa sụt ít chừng nấy; còn một phần nữa mới đem chia lại làm làm ba mà phân-phát cho ba con. Theo cửu Thưởng, duy có khu-xử như thế thì mới phải đạo, thì mới thỏa lòng hiếu-nghĩa của kẻ làm con làm cháu!

Nhưng nếu chia cách ấy rồi những phần ruộng hương-hỏa kia ai giữ? Nhà ông bá Giám mấy đời đều độc-đinh, đến ông vô-hậu, đem cửu Thưởng là một đứa cháu họ vào lập-tự chứ cũng không phải cháu ruột. Thành ra nếu có đặt nhiều phần hương-hỏa cũng chỉ về một tay cửu Thưởng giữ mà thôi! Người ta chê cửu Thưởng dốt nát ngu hèn là thế, mà chàng cũng biết mượn chữ hiểu để bao-lãm hầu hết cái gia-tài của ông bá Giám!

Bốn mùa của trời đất cứ biến đổi luôn thì lòng người ta cũng theo mà biến đổi. Mới vài tháng trước, phán Thục gái đòi chia gia-tài, Cửu Thưởng không chịu thì hôm nay tự ý chàng lại muốn chia. Chàng muốn, không phải là vô cớ: bữa trước lấy lẽ đợi mãn tang là cốt để thu toàn lợi lấy vài năm nữa; nhưng bữa nay thấy có lẽ không lợi chi mà lại bị hại thì thà chia cho rồi.

Lá thư của Nghi ngày 3 Août làm cửu Thưởng nẩy ra cái ý kiến ấy. Chàng đã lấy bàn toán đổ đi đổ lại: Một tháng 40$ thêm vặt-vãnh nữa một năm cũng mất 500$. Ấy mới là năm đầu, còn năm thứ hai, thứ ba, thứ tư nữa, hễ càng lên, học-phí càng thêm trội. Phần gia-tài của Nghi cao tay cũng chỉ được mười mấy mẫu, làm gì té lợi ra một năm năm trăm đồng bạc? Số tiền học-phí của Nghi sau này nếu ta không từ chối được mà phải trả, bởi cả đống gia-tài ta còn giữ, thì có phải là làm thâm-xác đến ta không? Cửu Thưởng kết luận: chia đi, phần của Nghi, giao cho phán Thục giữ để cấp học-phí cho nó hằng năm. Mà nếu chàng giữ thì đã có sổ sách vào ra minh bạch; chàng chỉ lấy số lợi-tức của Nghi gởi cho Nghi mà thôi, chứ không bao giờ chịu để thâm đến cái túi của chàng.

Cửu Thưởng nói với phán Thục gái:

— Con Nghi thế mà nó đi, nó không nói với tôi.

Phán Thục gái bĩu môi:

— Nó không đi thì nó ở nhà để giữ con cho cậu!

— Chị nói cho quá, nhà tôi đầy-tớ thiếu chi, khi nào tôi lại bắt con Nghi giữ con?

— Cậu làm sao để đến nỗi nó đi?

— Nó đi thì nó đi, tôi không làm sao hết.

— Không kiếm nó về, tôi về làm lung-tung cậu coi.

Cửu Thưởng xuống giọng nhỏ-nhẻ:

— Nói vậy chớ nó đi học ở Saigon, có phải đi mất đâu mà chị chực làm rầy-rà với tôi?

Bỗng lên giọng:

— Cái người nào chủ-trương cho nó đi mà bây giờ họ giấu tay trong bị, thật tôi ghét quá!

— Cậu ghét cậu làm chi họ?

Cửu Thượng cười xề xề:

— Thôi xí-xóa! Bây giờ tôi muốn nói với chị một chuyện.

— Chuyện gì cậu cứ nói.

— Hôm mới táng mẹ xong, chị muốn chia gia-tài, tôi nói để mãn tang, nhưng bây giờ chị muốn chia thì chia, chia cho rồi.

— Tùy ý cậu.

— Sau khi chia, phần con Nghi tôi giao cho chị giữ.

— Sao cậu không giữ cho nó?

— Tôi muốn để chị giữ.

— Cũng được. Nhưng chia thì chia làm sao?

— Chia như tôi đã nói: chia hai, lấy nửa đặt hương-hỏa; còn nửa nữa, chia làm ba phần, ba chị em?

— Đó là theo lệ nhà nước?

— Việc nhà mình mà can gì đến nhà nước?

— Nhưng phải theo lệ mới được.

— Tôi dốt nát, chẳng biết lệ luật gì hết, cứ theo lẽ phải mà làm.

— Thế nào là lẽ phải?

— Thì cha mẹ mình, đặt hương-hỏa những mười mẫu, lên đến ông nội bà nội, ông cố bà cố ông cao bà cao cũng phải đặt hương-hỏa mỗi cái mấy mẫu: ấy là theo lẽ phải.

— Đặt hương-hỏa nhiều thế để ai giữ?

— Chị còn phải hỏi? Hễ trưởng-nam thì giữ hương-hỏa chứ còn ai?

— Thế ra cậu đặt ra để cậu giữ lấy?

— Tôi không phải tham, theo lẽ, không thể không làm như vậy.

Phán Thục gái nói lẫy:

— Tôi không muốn chia nữa. Xưa nay vợ chồng tôi không có của ấy cũng cứ sống.

— Chị khéo nói, sống thì ai chẳng sống, nhưng tôi muốn chia đi cho rồi một cái việc.

— Tôi thì ưng đợi con Nghi về đã rồi sẽ chia.

— Nó còn học đến bốn năm nữa, hơi đâu mà đợi!

— Chẳng những bốn năm. Bốn năm xong rồi nó còn sẽ ra Hanoi học luật nữa, nhưng cũng cứ đợi!

Cửu Thưởng nghe đến đó, biến sắc mặt, bụng nghĩ nếu như thế thì mình còn phải xuất học-phí cho nó đến bao giờ mới thôi! Chàng gãi tai hỏi:

— Thứ con gái mà học luật làm gì?

Phán Thục gái đánh tiếng:

— Nó học luật để về chia cái gia-tài của cha mẹ nó!

Cửu Thưởng biết có nói nữa cũng không ngã-ngũ vào đâu, mà bị câu cuối cùng của phán Thục gái làm nhột ý chàng quá nên đứng dậy ra về. Anh ta tiếc không gặp phán Thục trai ở nhà. Vì phán Thục trai con người rộng-rãi dễ-dãi lắm, về sự tiền bạc đất ruộng không khi nào so đo hơn thiệt, theo như cửu Thưởng biết.

Cuối tháng sau, quả-nhiên cửu Thưởng tiếp được một phong thư của trường Nữ-học Saigon. Mở ra, thấy bằng chữ tây, đành phải đem sang nhờ phán Thục xem cho.

Bức thư nói sơ-sài chỉ có vài dòng. Cốt nhất có cái thanh-đơn đính theo, cửu Thưởng coi là lợi hại lắm. Trong đó kể cả nóc chính là tiền thầy, tiền cơm và nóc phụ là tiền mua sách vở, giấy bút cộng tới 46$ thêm mấy hào lẻ nữa. Chàng cầm cái thanh đơn mà tay run lẩy-bẩy, miệng ngập ngợ nói không nên lời, cằn-rằn với phán Thục:

— Đi học thế này thì không mấy nỗi mà sạt cả cơ-nghiệp!

Phán Thục cắt nghĩa cho chàng:

— Có đâu đến nỗi! Trong thư nói, về nóc chính tháng thứ nhất đã trả rồi; đây là nóc chính tháng thứ hai và cả nóc phụ hai tháng nên mới lên đến ngần ấy. Mới vào trường phải sắm sách-vở nhiều, nên tốn kém, chứ sau lại, chỉ có nóc chính là 30$ mà thôi. Nếu có thêm nóc phụ nữa, cũng chẳng bao lăm, cậu bán lấy mươi tạ thóc là dư-dật.

— Anh nói vậy chớ bán thóc còn để nộp thuế nữa chứ. Mới rồi tôi nộp tất cả non ba trăm đồng bạc thuế, là nhờ tiền bán thóc, không thì có ở đâu.

Phán Thục cười cười, không nói gì thêm. Nhưng cửu Thưởng tò mò hỏi:

— Thưa anh, bây giờ tôi có thể trả phong thư này lại cho người ta không?

Phán Thục trả lời một cách thành thực:

— Trả thì sao lại chẳng được. Nhưng e về sau sinh sự lôi thôi cho cậu. Trường nhà nước, không phải dễ...

— Lôi thôi gì kia?

— Thì cậu nghĩ lấy khắc biết.

Vì lòng tiếc của mà đâm ra hỏi lẩn-thẩn thế kia, chứ cửu Thưởng có dại chi mà không thấy cái sự-lý rõ ràng: Phải chi con đẻ của chàng thì chàng cũng có quyền rút về không cho đi học, khỏi phải trả học-phí cho nhà trường. Chứ cái này, Nghi là em gái mà chàng lại chẳng phải anh ruột, ở ngoài vào thừa kế một cái gia-tài hàng vạn chưa chia, thì có lấy lẽ gì từ chối được món chi tiêu chánh-đáng ấy? Huống chi chính thư chàng viết cho Nghi ngày 9 juillet còn rành-rành đó, thì chàng nói làm sao mà không trả học-phí cho Nghi? Rút cục, cửu Thưởng phải đành bặm miệng nhờ phán Thục đi với mình đến sở bưu-chánh mua măng-đa.

Dọc đường, chàng cứ gạ-gẫm phán Thục mãi về sự chia gia-tài theo như ý chàng. Nhưng phán Thục từ chối, nói trước kia có giao hẹn với ông bá Giám rồi, làm rể ông thì làm, chứ về gia-tài không dự tới, nên bây giờ một tiếng cũng không nói vào, để mặc vợ mình với các em.

Cửu Thưởng về nhà lại cứ cáu-kỉnh như mấy lần trước. Bây giờ chàng lại bứt đầu bứt cổ mà nghĩ cho cái thư viết ngày 9 juillet là dại vô cùng.