Trang:Cao dang quoc dan.pdf/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.




duy-tân thơ-xã
CHƯƠNG THỨ NHỨT
Nghĩa hai chữ quốc-dân

Xưa nay người ta thường nói đến nước, thì trước hết kể vua, thứ nữa là quan, mà dân thì không bao giờ kể đến. Nhưng đến đời bây giờ thì khác thế. Bên Âu, bên Mỷ cho đến nước Nhựt-Bổn, nước Trung-Hoa ở Á-đông, họ không nói đến nước thì thôi, hoặc nói đến nước thì tất khắc nói đến dân; có tai, tai nghe chữ quốc-dân, có miệng, miệng đọc chữ quốc-dân, có mắt, mắt thấy chữ quốc-dân. Quốc-dân! Quốc-dân! Hai chữ đó ngó như hình cha-cha mẹ-mẹ, không bao giờ quên ở trong lòng.

Gần mấy năm đây, làn sóng Âu-Mỷ tràng vào nước ta, mà người bảo-hộ ta lại là nước dân-chủ, người ta trông có dân-chủ, mà hai chữ quốc-dân mới phảng-phất ở trong óc mình, nhưng miệng đọc hai chữ quốc-dân mà hỏi nghĩa chữ quốc-dân là làm sao; chắc không ai trả lời được.

Chữ Quốc vì sao mà liền với chữ Dân, chữ Dân vì sao mà dính với chữ Quốc? Muốn trả lời câu hỏi đó tất phải theo lịch-sử mà nói ra mới được.

Sử nước ta đến đời Đường-Nghiêu mới có hai chữ Việt-Thường, đến đời, nhà Hán mới có hai chữ Giao-Chỉ, đến đời nhà Đường mới có hai chữ Yên-Nam; vậy thì từ đời nhà Đường-Nghiêu về trước, đã có gì nên nước đâu. Núi rậm rừng hoan, đồng không mông quanh, bốn mặt chim kêu vượn hót, một vùng nước bạc đất vàng; xó nầy năm ba chú Mọi, góc kia sáu bãy anh Lào, kể bộ-lạc cũng chưa nên gì, huống gì là nước. Vì ai gây dựng, vì ai mở mang, ai dọn đường, ai trổ lối, ai xẻ núi ai đốt rừng; bổng chốc núi rậm hóa nên thôn-cư, bổng chốc mà đồng hoan gây nên thành-thị, đó chẳng phải là nghìn vạn ức những người tổ-tiên cao tằng ta làm nên đó ru? Huốn hồ Quảng-Bình dĩ nam, Cao-Man dĩ bắc, xưa vẩn có đất, mà đất gì của ta đâu; xưa vẩn có người, mà người gì nòi giống ta đâu.





2