Nào Lâm-Ấp, nào Chiếm-Thành, nào Mên, nào Lạp, nếu không dân ta xưa dắc đoàn kéo đội, từ Bắc vào Nam, trải gió dầm mưa, trèo non vượt bể, khua nòi Chiêm đuổi bầy Lạp, hốt mấy nghìn dặm non sông mà bỏ vào trong túi mình thì có đồ gấm-vóc như sau nầy, thế nào chúng ta trông thấy được a?
Suy cho thấu lẽ ấy, mới biết rằng quốc là của dân ta, dân là ông chủ tiên-chiếm của quốc ta. xưa tôi làm quyển “Hải ngoại huyết-thư” mà ông Lê-Đại dịch, đã có câu rằng:
Nghìn muôn ức triệu người chung-hiệp,
Gầy dựng nên cơ-nghiệp nước nhà;
Người dân ta nước dân ta,
Dân là dân nước nước là nước dân.
Đọc mấy câu ấy thì nghĩa hai chữ quốc-dân cũng đả rỏ lắm.
Anh em ta thử nghỉ: trên dưới bốn ngàn năm, trong ngoài ba mươi vạn dặm, biết bao giây máu hột mủ, tuôn đổ ra cung cấp cho nước đó, có một giọt nào là không phải của dân ta đâu? Biết bao lủ trước đoàn sau, dắc dìu nhau mà kinh-dinh cho nước đó, có một người nào là không phải dân, ta đâu! Vì vậy nếu không dân thì ai làm nên nước, nếu không nước thì quí gì dân.
Linh-hồn nước là đâu? Chắc là dân đó!
Khu-xác dân ở đâu? Chắc là nước đó.
Quốc tức dân, dân tức quốc, hai chữ quốc-dân không thể rời nhau được. Nghĩa hai chữ quốc-dân là thế.
Quốc-dân với gia-nô
Đau-đớn thay! Thảm-hại thay! Địa-vị mình quốc-dân mà chưa tầng một ngày nào được chịu cái ơn giáo-dục cho làm quốc-dân, thân-phận mình quốc-dân mà chưa tầng một ngày nào được hưỡng cái quyền-lợi quốc-dân. Tục ngữ có câu rằng: « dân như trùn như dế », lại có câu thường nói: