Góp vốn với tôi tất phải là người khá. Nếu được người khá, thì tiền tôi cũng chẳng quản nhiều ít, dù một nghìn bảng tôi cũng xin làm giấy chung phần. Tôi không muốn chung với người Hà-Lan. Mà hạng hạ-lưu ở nước ta, tôi cũng ghét. Người Hà-Lan ở đây, họ đương muốn tự lập thành một dân-quốc. Họ tự nghĩ họ như trời như bể, không chịu theo quyền cai trị của ta. Thế nhưng nước ta đã tốn con người, con của mà lấy được mảnh đất này, sao có lẽ chịu nhường cho họ. Giờ ta ở, ta cứ việc ở, câu chuyện ấy, thì rồi chúng ta sẽ nói. Bây giờ hãy xin mời ngài về ăn sáng với tôi...
Cơm xong, Ước-Hàn vẫn đau chân, không đi thăm đồng được. Bối-Sắc nhân mời chàng cùng ra rửa lông con đà-điểu. Việc ấy nhẹ, Ước-Hàn bằng lòng ngay...
Hai người liền đem nhau ra sau rạng cam. Chỗ ấy đã để sẵn một chậu nước sôi và một thùng nước lã. Lông đà-điểu bỏ một đống lớn, cát bụi bám đầy. Trước hết 2 người bỏ lông chim vào trong nước sôi, lấy sà-phòng rửa sạch cát bụi đi, xong tráng qua vào thùng nước lã, rồi bỏ lên trên phên phơi cho ráo. Lúc ấy khí trời mát mẻ, Ước-Hàn tự nghĩ: Việc thiên-hạ không biết đâu mà đoán được thật. Ai ngờ cái thân hồ-hải như thân mình lại đến đây cùng rửa lông chim với một người con gái. Tuy vậy, trông vẻ đẹp của Bối-Sắc, trong lòng lại thấy vui vui... Bối-Sắc tầm người đã yểu-điệu, trạc tuổi lại đương thì. Ngồi làm việc đối diện với một người như thế, âu cũng có thú... Nàng vén ống tay áo, để phơi cánh tay trắng nõn, vừa cười vừa rửa, coi rất có vẻ tự nhiên. Giá cái cảnh ấy mà mười năm về trước, vào mắt Ước-Hàn, thì chắc chàng cũng hơi cảm động... Bấy giờ chàng tự cho là mình đã quá cái mùa lấy-vợ, song cũng không thể nhịn được mà không yêu... Mà thực thế, một người con gái dong nhan đã xinh đẹp, tình tính lại nhu mỳ, thì Ước-Hàn nào có thể cứ tự nhiên đi được... Chàng nhân tự nghĩ: Cô chị Cơ-Tư so với cô em thì kém nhiều... Nghĩ thế bèn nói rằng: