chồng; nào cảnh nào tình, chua cay biết mấy; cùng phường bạc mạnh, chung tấm si tình, cũng vì thế mà Mộng-hà đối với Lê-nương, say đắm mê-man, kể lại gấp mười bọn Hầu, Vi, Lưu, Lý...
Thân này thương biệt thương xuân, khác gì Đỗ-Mục; người ấy hay buồn hay ốm, khéo giống Thôi-nương; chàng dù trộm liếc dong-quang, song nàng đã biết thừa công-chuyện: chàng nhớ nàng, dễ nàng quên được chàng sao? Đã không quên nhau ắt tìm cách để gần nhau.... Tuy nhiên, hai người khi ấy dù sóng tình đã nổi, mầm tình đã deo, song cũng còn nhiều điều phải e-lệ giữ gìn, chưa dễ đưa ngay nhau vào đường tình cho được. Chàng muốn ngỏ ý với nàng, song lại lo nước chẩy hoa trôi, chắc gì lời đã đắt; nàng muốn ngỏ ý với chàng, song lại sợ mạch rừng tai vách, rồi nữa tiếng ai mang... Lửa tâm nung nấu, càng dập càng nồng: tơ nhện vấn vương, một giây một buộc; viện sách đèn tàn, song the bóng chiếc, thật là « trong gang tấc lại gấp mười quan san »... Nhẹ bước định lên thềm Quế, chưa tiện đường mây; buông thuyền muốn đến non Bồng, còn trông chiều gió; dưa phải đợi đến mùa mới chín, mía phải ăn đến gốc mới ngon; tấm tình của đôi bên trước còn trăng gió, sau ra đá vàng, cho đến khi gắn bó keo sơn, kể cũng tốn công nhiều lắm... Lá thắm cạn dòng, chim xanh tuyệt lối; tin ong sứ điệp, chỉ còn nhờ ngòi bút đó thôi...
Sương hôm pha nhạt bóng tà, gió hiu hiu thổi bông hoa lìa cành, non xuân treo bức tranh tình, hoàng hôn mấy độ một mình thẩn thơ..... Bấy giờ trời đã chiều. Mấy lớp mây tàn đương lác đác bay về núi. Ba dịp cần con, một dòng nước chẩy, bóng núi in xuống mặt sóng, mặt sóng động, bóng núi cũng rung rinh lay chuyển, vẽ ra lắm nét rất ly-kỳ. Trên nóc chiếc nhà lá, mấy đường khói biếc vẩn vơ bay tỏa lưng chừng không. Bên sườn núi, ngoài bãi sông, lũ chăn trâu đánh củi vừa đi vừa hát nghêu ngao, như tô điểm thêm cho phong cảnh. Bên cầu mấy gốc cây to, cành cây hệt như nét vẽ; đàn ác về hôm, bay đậu lấm-tấm; vang tai nghe những tiếng kêu « ác ác », hình như bảo ai rằng: « Trời rét chiều hôm, về đi