có cha mẹ tin chàng mà thu xếp giúp chàng. Gia đình chàng tử tế như thế nên chàng mới được rộng tay làm việc.
Nước bèo gặp gỡ thanh khí nhẽ hằng Thạch-si là tay vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa, tính tình phóng khoáng khác đời, thật có cái khí tượng « mình trần chân đất » của « cậu ấm Thái-nguyên, » trong các tay tân-học gần đây, được như chàng kể đã là hạng thượng lưu nhân vật. Chàng cùng Mộng-hà, gặp nhau lần đầu, đã thân thiết ngay như bạn cũ, chí khí giống nhau, tài học ngang nhau, bạn văn-chương, duyên tri ngộ, kể cũng không phải là ngẫu nhiên. Nhà trường làm ở đất nhà Thạch-si, cách một bức tường là đến ngay phòng chàng. Hôm nào chàng cũng đến trường, vì chính chàng cũng nhận dậy hai món, chữ Anh và cách-trí. Dậy xong lại cùng Mộng hà ra đồng chơi mát, vừa để rộng thêm về tri thức cần dùng, vừa để thở hút lấy khí trời trong sạch. Phong vị nơi thôn dã, khác hẳn với cảnh phiền hoa ở các thị-thành. Phong cảnh chiều hôm, giắt tay cùng ngắm; câu ca tiếng hát, đối đáp làm vui; tấm thân hạc nội mây ngàn, dễ mấy kẻ thanh nhàn được thế. Mãi đến khi chim hôm về rừng, ác vàng lặn bóng, bấy giờ mới chia tay về nghỉ. Hôm nào cũng thế, kể cũng là một cái thú hiếm có của kẻ xa nhà Có hôm lại đóng kín cả cửa, cùng ngồi trong một chiếc phòng con: hoặc bình văn, hoặc bàn thơ, hoặc kể lể phàn nàn, hoặc truyện trò vui vẻ! Khói chè mới bốc, tiếng nói thưa dần; mối nghĩ âm thầm, đôi lòng cùng hiểu. Có lúc bàn rộng đến việc thiên hạ thì lại động mối thương tâm, nước mắt chan hòa, máu tim sôi nổi, những toan bắt chước như ai nâng chén hỏi trời, tuốt gươm chém đất; vì hai người vốn cùng là kẻ thất ý mà lại cùng là bạn biết lo việc đời. Cảnh ngộ chàng tuy có khá hơn Mộng hà, thế nhưng công danh lỡ bước, tâm tính ngược đời, thì cũng cùng với Mộng-hà một duộc. Gió mây u ám phương trời. Nỗi mình lưu lạc, nỗi đời tang thương Biết nhau sao khéo muộn màng? Nhìn quanh mấy kẻ cung làng tri-âm!