Nay nghe ông anh nói, lòng này khác nào tro tàn lại bén, chiêm bao mới hồi, ông anh còn biết tiếc cho đời em, lẽ nào em lại chẳng biết thương thân, chịu bỏ phí một đời, để phụ lời khuyên bảo. Lòng em đã quyết rồi. Chỉ đợi ở nhà bằng lòng là sắp ngay hành lý, đáp tầu sang Nhật. Thế nhưng sau khi em đi thì công việc nhà trường vắng kẻ chủ trương, việc coi sóc em trông nhờ vào ông anh cả. Phiền anh một việc nặng nề như thế, lòng em thật áy náy trăm bề. Mộng-hà quả quyết mà rằng: Bác đã không cho lời tôi là viển vông mà bắt trước ai « nghe gà gáy tuốt gươm dậy múa », thế là may cho tôi lắm; việc nhà trường, một mình tôi cũng không gánh vác được cả. Thế nhưng cũng xin cùng công cố sức để khỏi phụ lòng nhau. Bác đã không phụ tôi, khi nào tôi lại phụ bác được. Thạch-si mừng rỡ mà nói: Nếu được vậy thì « chỉ có cha mẹ là người sinh tôi, mà chỉ có ông anh là người biết tôi thôi đó. « Đội ơn ông anh quá yêu. Đi chuyến này may có tấn tới được chút nào đều là nhờ ơn ông anh cả. Mai một đá mòn sông cạn, cái giao-tình của đôi ta cũng đời đời kiếp kiếp, không đời nào phai...
« Trông nhau giọt lệ ướt đầm. Đưa ai lòng những âm thầm vì ai » Biệt-ly là một cảnh khổ ở đời, mà đất khách tiễn người lại là một cách biệt-ly khổ nhất trong bao nhiêu cảnh khổ. Thạch-si về nhà, đem việc du-học trình với cha mẹ. Cha mẹ lấy làm mừng lắm, dục chàng nên sắp sửa đi ngay. Vừa hay chàng lại tiếp được bức thư của một người bạn học ở An-huy, trong thư nói các bạn đồng chí có rủ nhau cùng sang Nhật du-học, và khuyên chàng cũng nên đi một thể. Chàng vội vàng viết thư đáp lại hẹn cùng ra Thượng-hải, cùng đáp chuyến tầu kia của một công-ty Nhật. Trước hôm đi, chàng có đặt rượu mời Mộng-hà. Đêm ấy Mộng-hà không về, ở lại để cùng chàng từ biệt; ngồi đôi đánh chén, chuyện nở như hoa. Mãi đến lúc rượu thật say, chàng mới sực nhớ đến nông-nỗi biệt-ly, thì buồn dầu mà bảo Mộng-hà rằng: Em cùng anh quen với nhau chưa mấy; ở với