ông vội ngăn lại, lại nhìn chàng mà nói: Vắng mặt mới ba hôm nay, ai ngờ người cháu đã sút đến thế!... Chàng vừa thở vừa nói: Tấm thân bồ liễu[1], được lúc nào biết lúc ấy đó thôi! Hơi cảm một chút đã mệt không cất mình rậy được, làm phiền đến bác phải bận nghĩ, quá bộ sang thăm hỏi, lòng này áy náy vô cùng. Thôi-ông nói: Cháu đương độ tuổi trẻ đầu xanh, sức dài vai rộng; bao nhiêu hy vọng, đều trông cả ở tấm thân hữu dụng sau này. Khó ở một chút vốn không hề chi, song quê người lắm nỗi bận mình, nằm ngồi ăn uống, nhỡ không cẩn thận ra, thì lão là chủ nhà mà không biết chăm nom, mang lỗi nhiều lắm. Bệnh cháu chắc là bởi chứng hay lo nghĩ quá. Thổ-huyết không phải nói chuyện chơi như cái lở, cái ghẻ thường được. cháu nên bán sầu mua vui, ngậm đắng làm ngọt, bớt lo bớt nghĩ, cho bụng thư nhàn; lòng đã thư rồi thì ma bệnh tự nhiên phải lảng. Thiên hạ bao nhiêu điều thất ý, chỉ nên khuây khỏa là hơn; thế gian vô số chuyện bất-bình, sao khéo ôm-đồm cho khổ. Nay cảm mai sầu, chỉ tổ rước lấy ốm đau. hại cho chí khí. Công việc còn dài; xuân thu chưa mấy, tội gì mà mình lại hại mình như thế, điều đó bác xin can. Chàng nghe nói, trong lòng cảm động, liền đáp rằng: Lời vàng ngọc của bác, cháu xin tạc dạ ghi lòng; từ đây quyết không
- ▲ Bồ-liễu tức là cây thủy-dương (Tự-điển Tầu). Cố-Duyệt-Chi làm quan đời Lương, vừa bằng tuổi với vua Giản-Văn. Vua thấy Cố già hơn mình, nhân hỏi, Cố nói: « Tùng, bách sang đông vẫn tốt, bồ-liễu chưa thu đã tàn » (Thế-thuyết). Trong chuyện Kim-Vân-Kiều có mấy chỗ dùng điển này, chỗ thì dùng là « liễu-bồ », chỗ thì vì ép vần dùng là « bồ-liễu » đều để ví vào Thúy-Kiều. Nhiều người thấy thế, sinh ra hai cái nhầm: 1) Cho bồ-liễu là hai giống; cỏ bồ và cây liễu. 2) Cho bồ liễu chỉ để ví riêng vào đàn bà. Kỳ thực thì phàm dùng chữ bồ-liễu đều là lấy ở điển trên. Mà theo như trên thì bồ liễu là ví một người yếu ớt, không cứ là đàn ông hay đàn bà (Cố-Duyệt-Chi là đàn ông), và bồ liễu không thể là hai thứ được, vì cỏ bồ là thứ xanh tốt quanh năm, không có thể chưa thu đã tàn được.