dám liều thân hoại thể, để phụ lòng bác cần quyền thương đến. Thôi-ông lại nói: Ngoài cửa Bắc có ông lang Phí, kể cũng có thể là hạng Biển-Tước đời nay. Bác sẽ cho mời đến thăm bệnh cho cháu. Chàng vốn không muốn uống thuốc, nhưng nể lời đành phải vâng lời. Thôi-ông liền sai thằng nhỏ đi mời thầy lang. Thầy lang đến, xem mạch xong liền đoán: Chứng này là chứng « tâm tật », thuốc uống sợ cũng không ăn thua gì đâu. Thế nhưng tôi cũng xin bốc thử một thang, song bệnh-nhân cốt phải di-dưỡng lấy tính-tình, đừng cưu sầu chuốc não, đừng nghĩ vẩn lo vơ, thì uống mới kiến-hiệu. Đoán xong lại ngồi nói chuyện một lúc, kê đơn để lại rồi về. Bấy giờ khuôn cửa đã pha sắc tối, ngọn cây vừa nhạt bóng tà, Thôi-ông sợ nói chuyện lâu làm mệt óc bệnh-nhân, liền dặn Mộng-hà nên khéo giữ gìn, bảo thằng nhỏ phải chăm hầu hạ: có gì cần lấy, phải xuống nói ngay; đinh ninh dặn hai ba lần, rồi mới chống gậy bước ra khỏi cửa.
Mờ mịt sương hôm, non sông như chết, chiều trời buồn bã biết bao! Gối chiếc chăn đơn, một mình lăn lóc, nỗi lòng bức tức thế nào! Siêu thuốc ấm chè, dời ra không được, tình cảnh lại tiêu điều ra sao! Thế mà một mình chàng hứng cả vào, còn gì là đời người nữa. Chàng ốm song không biết ốm tự đâu ra, lại không biết ốm sao chóng thế! Rượu chưa cạn chén, thuốc đã kề mồm, mặt vàng bủng, xương gầy rơi, chàng lại không sao khỏi vừa sợ vừa lo: ma bệnh mà đuổi chẳng đi cho, thần chết tất không mời cũng đến. Vì thế mà suốt ngày nghĩ vẩn tính quanh, nóng lòng sốt ruột, mà bệnh càng nặng ra Phàm người ốm, bụng dạ nên thư thái chứ không nên lo phiền. Sống thác cầm lỏng cả ở trong tay người hầu bên, còn thuốc thang là cái ngoài không kể. Vô sự nằm co, liệt giường liệt chiếu; miệng khô cổ ráo, thở chẳng ra hơi; trong những lúc ấy, buồn bực quá thường sinh ra nghĩ một trăm thứ... Ốm mà ở nhà thì người trông nom thường là kẻ thịt xương thân thiết, sự hầu hạ