phong thư bên gối, sẽ mở ra xem. Nhờ được hương lan xông ướp, chàng lúc ấy lòng đã khoan khoái, bệnh đã khỏi đến quá nửa, chứ không mê man như trước nữa rồi; giở mình quay ra, đặt thư lên trên gối mà đọc. Thư rằng:
« Cuộc say chưa tỉnh. ma-bệnh đã theo. Tin đến buồng thêu, ruột đau như cắt. Chỉ vì phân cách trong ngoài, chữa dép ruộng dưa, miệng đời phải giữ; thành thử không dám đi lại thăm nom, góp công chút đỉnh, lòng riêng áy náy, nói chẳng hết lời. Nghe nói ông anh yếu là vì say rượu; tuy nhiên, thành ra bệnh là bởi say rượu, song gây nên bệnh thì thực là vì cớ thương tâm Thổ huyết có phải là chứng bỡn đâu, man mác bể tình, ông anh lại chịu liều bỏ tấm thân bẩy thước đó sao? Trời ơi! sao ông anh lại lẩn-thẩn thế! Ông anh trên mẹ thì già, dưới con chưa có, đôi vai gánh nặng, sao nỡ bỏ liều? Lê-ảnh thật không dám đem cái thân bạc-mạnh này để lụy đến ông anh đâu; ông anh nếu thương Lê-ảnh thì xin tự thương thân trước đã. Mình vàng vóc ngọc, liệu khéo giữ gìn; gió mát trăng trong, liệu mà khuây khỏa; trước mắt đã đành nhiều trắc trở, sau này may còn có cơ duyên... Tục ngữ có nói: « Còn trời còn nước còn non, còn cô bán rượu anh còn say sưa »; câu nói tầm thường, nhưng nhiều nghĩa rộng... Ông anh nên ngẫm nghĩ cho kỹ: thành sầu không phải là « Trường-sinh-quốc », bê tha chi mãi để tự giam tự buộc lấy mình? Hôm qua nghe lời thầy lang, cũng bảo bệnh ông anh là chứng tâm tật, thuốc thang cũng chẳng khỏi nào. Chao ôi! Tâm tật thì lại phải chữa bằng tâm; một thân sống hay thác chỉ trông ở tấc lòng sướng hay khổ. Nếu giữ cho tinh thần được bền, thì chả cứ thuốc thang cũng khỏi; bớt sầu nén giận, để rẹp lửa phiền; yên dạ nguôi lòng, để trừ ma bệnh; nói thế là hết, mong ông anh chớ quên. Lan thơm hai chậu, xin sẻ lòng yêu. Một chậu là giống Nhất phẩm, một chậu là giống Tiểu-hà tuy không quí, song cũng không đến nỗi tục. Nằm buồn có