thương? « Mình không chắp cánh bay sao được, ruột vẫn vò tơ gỡ chẳng ra »; hồn vía nàng lúc ấy hình như đã theo con Thu cùng đến trước giường chàng để vì chàng mà trông nom săn sóc. Đương khi nghĩ ngợi lan man như thế, bỗng nghe có tiếng gọi mẹ, thì ra Bằng-lang cùng con Thu đã cùng nhau đẩy cửa bước vào.
VII — TẶNG HOA
Gió bấc mưa dầm, canh trường rả rích; khí đêm lạnh ngắt, tiếng gió mưa hình như cùng trò truyện với khách sầu. Lê-nương đương ngồi đợi thì Bằng-lang đã ở ngoài mưa chạy vào, nàng liền hỏi rõ tình-trạng Mộng-hà sau khi say rượu; Bằng-lang thưa lại đủ điều, rồi rút tay áo lấy ra một tờ giấy đưa cho mẹ mà nói: Thày bảo con đem cái này về đưa cho mẹ đây. Nàng cầm lấy để bên hộp gương và dục Bằng-lang đi ngủ. Bấy giờ trời đã nửa đêm, tiếng mưa gió ngoài song lại to hơn trước, khí trời giở rét, làn gió lạnh đìu hiu lùa vào kẽ cửa, thấy gợn cả người. Nàng lúc ấy còn chưa bỏ áo đi nằm, ngồi tựa bên giường, rút cành trâm khêu lại ngọn đèn tàn, mở tờ của chàng, nhìn qua một lượt, một thiên gió táp mưa sa, nét thảo như rồng bay rắn lội, chữ nào cũng lả lướt, trông biết ngay là viết sau khi say rượu, cho nên nét bút nguệch-ngoạc, không được chỉnh tề. Kế đọc đến văn thì sầu đong muôn hộc, giặn bốc nghìn trùng, bao nhiêu nỗi uất ức ở trong lòng đều chan chứa ra đầu ngọn bút. Tủi phận giận thân, lệ hòa nét mực, thật có cái vẻ « trời cao đất rộng, trăm mối ngổn ngang ». Người sao tài học đủ đường, kiếp sao chịu những đoạn trường thế ru! Chao ôi! Xưa nay các bạn má hồng, chỉ vì tấm lòng thương kẻ có tài mà đến nhỡ một nhầm hai, nào biết bao nhiêu mà kể! Như Lê-nương, từ khi dứt gánh tương tư, tấm