Bước tới nội dung

Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
80
NAM PHONG

cho cái vườn cũ đất Việt-Nam này. Nhà tây-học thì phỏng cái lối thuyết-lý tả-thực của Âu-châu mà vụ cho nhời nôm được rõ-ràng thiết-thực, trọng phép trực-tiếp hơn phép gián-tiếp. Nhà nho-học thì theo cái lối từ-chương biền-ngẫu của văn Tầu mà luyện cho nhời nôm được chải-chuốt nghiêm-trang, dùng phép gián-tiếp hơn phép trực-tiếp. Hai lối điều-hòa với nhau thì quốc-văn cũng được đủ tư-cách mà ra ứng-đối trong trường ngôn-luận, kết-cấu trong cõi văn-chương.

Song các nhà làm văn gắng-sức đã đành, các nhà đọc văn cũng phải chịu khó mới được. Nói thế tất có người lấy làm lạ mà nghĩ rằng : Người ta xem sách cốt lấy vui. Nếu xem sách cũng phải khó nhọc thì ai còn xem làm gì ? — Cái đó đã cố-nhiên rồi, nhưng phải xét đến cái tình-thế riêng của văn quốc-ngữ mới được. Cổ-thi La-mã có câu : « Mày là đứa con sinh ra không có mẹ ! » Văn quốc-ngữ ta ngày nay cũng là một đứa con sinh ra không có mẹ vậy. Trước ta không ai làm văn bằng nôm, ta không thể lấy người trước làm chuẩn, làm mẫu được. Ta phải nhất-thiết sáng-tạo dựng đặt ra cả, từ chữ dùng cho đến phép đặt câu. Việc đó không phải là một việc dễ : ai đã từng làm văn quốc-ngữ, vụ cho nhời nôm đạt được hết cái tư-tưởng của mình, mới biết cái gian-nan vậy. Người đọc thường không lượng cái khổ-tâm của người làm mà quá trách-bị ở văn quốc-ngữ, muốn cho văn quốc-ngữ xem cũng vui cũng thú bằng văn tầu văn tây, không biết rằng trẻ lên ba đã khôn sao bằng người đầu bạc được ! Nhưng có nuôi thì có nhớn, rồi cũng có ngày trưởng-thành. Cốt là đương buổi ấu-trĩ này phải có người chăm-chút, phải có người trông nom, phải có người rèn-tập mà cũng phải có người tưởng-lệ, thì mới ra khỏi tuần măng-sữa mà bước lên bực tiến-thành được. Ấy văn quốc-ngữ ngày nay cũng tức như đồ Bát-tràn Phù-lãng ngày xưa vậy. Ai đã từng vào xem nhà Cổ-vật-quán của trường Bác-cổ ở Hà-nội thì tất trông thấy ở gian bầy đồ cổ An-nam có mấy bộ tam-sự, ngũ-sự, đỉnh, lọ bằng xành từ đời Cảnh-hưng Vĩnh-thịnh, hình cổ-kính mà trang-nghiêm, chất bóng-bẩy mà chải-chuốt, nước men nét bút cũng chẳng kém gì xứ tầu. Cớ sao mà cái kỹ-nghệ quí-báu của ông cha ấy, ngày nay ngoài mấy bộ của trường Bác-cổ, không còn di-tích nữa ? Cớ sao mà chính người nơi thổ-sản giắt đến xem lấy làm kinh-ngạc mà không dám nhận ? Chảng phải là nước ta xưa nay đã quá dùng đồ xứ tầu đã giết mất đồ xành ta dư ?

Ai ôi, quốc-nghệ xưa kia đã thế, quốc-văn sau này thế nào ?

Xin đồng-bào ta chớ nhãng-bỏ, chớ khinh-rẻ văn quốc-ngữ. Cái tương-lai ta ở đó.

Phạm Quỳnh