Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 8 —

đến cái thân thế mây trôi bèo giạt của chàng. Mệnh chàng bạc nào có khác gì hoa này đâu! Bông hoa bạc mệnh, còn gặp được chàng là khách si tình, thương vì sắc, tiếc vì hương, nhặt nắm xương tàn mà vì hoa đắp-điếm; một nấm vùi nông, hồn hoa đã có nơi nương tựa, đời hoa như thế ai bảo là không may! Còn như thân ta thì nửa đời lận-đận, nghìn dậm chơ vơ, sống gửi tay người, chết nằm quán khách, đời mà đến thế, đời tài hoa cũng là đời bỏ đi, lối trước mờ mịt, đường sau tối tăm, ta sinh lỗi thời, mệnh cùng như vậy, tưởng đến nỗi đường xa mưa gió, đời ta sau đó sẽ làm sao? Nghĩ thế rồi chàng liền ngâm câu thơ của Tần-Khanh: « Chôn hoa người bảo em si, chôn em nào biết chắc về tay ai? », bất giác lại như gợi nguồn sầu, dường khêu mạch cảm; hoa tươi dễ héo, trời thẳm vô tình; thiều-quang vùn-vụt đợi gì ai, tri-kỷ xa-xăm mong chẳng thấy; đường dài man-mác, trăm mối ngổn-ngang; giọt lệ ngắn dài, chẳng biết đã từ đâu rơi xuống! Tần-Khanh đứng ở trước mồ Mai-Hương, còn được có Bảo-Ngọc làm người đồng điệu; nay Mộng-Hà một mình đứng đấy, lại làm cái việc của Tần-Khanh, vậy Tần-Khanh nào đâu? cái người cười Mộng-Hà là si ấy là ai? lại cái người chung lòng góp lệ với Mộng-Hà ấy là ai? Tri-kỷ của Mộng-Hà chỉ có nắm hoa tàn trong mả đó mà thôi ư? Mộng-Hà lại sụt-sùi khóc lóc chiêu hồn cho hoa mà rằng: « Hoa ơi hoa! ba sinh giấc mộng, hoa tỉnh ra chưa? Đời hoa sao ngắn? sầu ta còn dài! Một nắm đất sạch, đã vùi xương hoa, một cụm cỏ thơm, đã gửi hồn hoa, một chén rượu nồng, đã cúng cho hoa, một tiếng chim hôm, đã viếng cùng hoa, hoa đã biết hay còn chửa biết? Than ôi, phong quang buổi trước, tan tác ngày nay, đình Mẫu-đơn bao lại thấy hồn về, lầu Yến-tử chẳng qua còn tiếng để. Tuy nhiên tiếng kèn gọi nguyệt, Văn-Cơ về đất Hán có ngày, vết nhẫn in tay, Ngọc-Tiên hẹn chàng Vi tự thủa. Hoa như biết cảm, thì sang năm xuân về, đầu cành nên sớm trổ bông tươi cánh đẹp, để yên ủy lòng ta tháng đợi năm chờ. »

Mộng-Hà đến bấy giờ đã khóc không thành tiếng nữa. Cặm-cụi nửa ngày, tâm thần mỏi mệt; gia-dĩ đêm hôm qua thâu canh chẳng ngủ, hôm nay lại cảm chịu một sự thương đau quá độ, vì thế mà mình yếu lả đi, bèn phải dời gót vào trong nhà.