Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/108

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 106 —

mấy, đã kết nên một dải đồng-tâm! Nên biết trèo non cao buông được tay ra, phải sẵn có lòng cương-nghị; trông bể khổ quay ngay đầu lại, mới là đáng mặt thông-minh. Em ơi em! Hoa xuân rụng hết, than thở muộn rồi, giấc mộng tỉnh ra, phàn-nàn chi nữa! Lúc này gỡ thoát được cũng chưa là muộn, mong em nên tỉnh ngộ mau mau. Huống chi cái kế nàng đã tính cho em thật cũng là đến nghĩa đến tình, giải đồng tạm cởi, kiếp này đã lỗi thì thôi, bạn ngọc tìm cho, duyên ấy vừa xinh lắm đấy. Kế hay như thế, em chớ mê-man không tỉnh, cam bỏ thân vì một mối si-tình. Năm nay em cũng đã ngoài hai mươi tuổi đầu rồi nhà ta họ suy người hiếm, anh em chẳng được mấy lăm người, hồn cha hẳn những muốn đông đàn, lòng mẹ cũng thường mong bế cháu. Việc ấy nếu mà thành được thì một là vui dạ từ-thân, hai là hả lòng tri-kỷ, ba nữa là anh chị cũng được vì em mà vui vẻ vô cùng. Một việc làm mà được ba điều hay, sao em còn ngần-ngự trù-trừ gì nữa ». Kiếm-Thanh vừa nói vừa chú mắt nhìn vào Mộng-Hà để đợi trả lời. Mộng-Hà chỉ lẩm-nhẩm gật đầu, im lặng không nói làm sao cả.

Bóng nắng hun người, hơi nồng rát mặt. Bệnh Mộng-Hà do nóng âm mà thành sốt rét, tuy cũng có bớt, nhưng sốt rét vốn là một cái chứng dai-dẳng khó trừ. Đương mùa khí-hậu nồng-nàn, người ta cởi bỏ áo, quạt luôn tay, cũng còn thấy bức sốt khốn thay; huống chi lại chăn trùm nệm quấn, giường bệnh kêu rên, có gió không dám ngồi, có nước không dám uống, thì nỗi khổ biết bao mà nói! May được sốt cứ cách một ngày mới lên một trận, lúc không sốt có thể gượng ngồi trở dậy cho đỡ ê mình. Tựa gối buồn tanh, lại sinh ra nghĩ vẩn nghĩ vơ, chàng bèn làm bốn bài thơ tám câu gửi cho Lê-nương để nàng được biết qua cận-trạng. Thơ rằng:

I — Cách biệt quan san mấy độ mà,
      Đôi lòng ta đã biết cho ta;
      Ôm hờn trước gối tuôn dòng lệ,
      Tưởng mặt bên lầu ngắm thức hoa;
      Mê-mẩn hồn uyên cơn bóng lẻ,
      Bơ-vơ phách bướm dặm đường xa;
      Trước song lăn-lóc trên giường bệnh,
      Trăm mối tơ sầu gỡ chẳng ra.