Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/111

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 109 —

CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU
Hội đèn

Mái chèo rẽ gió, cánh buồm đẫm mưa. Lúc chàng lên thuyền thì mặt trời mới lên, nhà cửa quanh bờ, in xuống nước thành ra nhiều vẻ lạ. Vừa khỏi bến ra, bóng ác đã mờ, gió mưa kéo đến, trời rộng mông-mênh, một mầu ảm-đạm; bốn bề mờ-mịt, trông không còn rõ đâu là mầu núi, đâu là bóng cây. Tiết thu mới đến, mưa nắng không thường, Giang-nam vốn là miền thấp khí nặng-nề, đầu hè thì có « mưa mùa mơ », đầu thu thì có « mưa mùa đậu »; mà lúc nắng hạ vừa tàn, tiết trời mới đổi, thì lại thường có mưa bụi gió may, đòi cơn tầm-tã, để quét hơi nồng, để đưa khí mát, gọi là « mùa gió gây thu ». Chàng đi chuyến ấy, vừa phải ngày dông, mưa gió vô-tình, hãm người nhiều nỗi; trông lại quê nhà, càng nhìn càng mất; khói mây mờ-mịt, sóng nước mênh-mang; đưa mắt bốn bề, như lạc vào trong đám sương mù buổi sớm. Than ôi! ra cửa gặp mưa, dễ sinh lòng cảm, huống chi là mình ở trong thuyền, mà thuyền lại đi trên mặt hồ nước cả trắng băng!.... Lúc ấy mưa rào gió giật, áp đến bên mình, thân thuyền lao-đao, khi nghiêng khi ngửa, thế gió vừa mạnh lại vừa ngược, có lúc đánh xiêu đánh giạt, không biết rằng sang nam hay sang bắc, sang tây hay sang đông. Lái đò tái mặt nhìn nhau, ba thước buồm con, đã nhiều chỗ rách, gió cứ lùa vào chỗ rách ấy hết sức dằn vật, ù-ù thành tiếng, như hổ thét, như rồng gầm!.... Thế mà thần mưa lúc ấy, chừng cũng đương căm hơi tức tiết, như Nễ-chính-Bình, lấy buồm làm mặt trống rồng, đập đánh lung-tung, ôn lại điệu Ngư-dương thuở trước! Tiếng mưa hòa lẫn với tiếng gió, đưa vào tai chẳng khác gì cử một bài nhạc đủ cả bát-âm!... Ra giữa hồ, gió lại càng to, thuyền vừa không đi được lại vừa lúng-liếng dữ. Bỗng nghe « rắc » một tiếng, một tay lái đò kêu lên rằng: « Trời ơi! gẫy cột buồm rồi! » Lại nghe một người nữa kêu: « Hạ buồm mau! hạ buồm mau! Không mau thì đắm! » Buồm hạ rồi, mà thuyền vẫn tròng-trành như trước, mưa với sóng xô-đẩy nhau, hắt vào gần ướt hết cả thuyền. Chàng ngồi tròn trong thuyền, không nhúc-nhích mình, vì ngó cổ ra ngoài mui, thì giọt mưa vô-tình kia, đã chờ