Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/126

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 124 —

CHƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM
Khóc đôi

Lật-đật gót về, vội-vàng bước ruổi; bông hoa xấu số, mầm oan gieo tự bao giờ? Chiếc nhạn vô tình, tin lạ trao về một bức. Chẳng hay cái vật gì yêu quái khéo chêu-ghẹo người như thế ru! Chiếu hoa chưa kịp ấm chỗ ngồi, buồm gấm đã vội rong trước gió, bấy giờ Mộng-Hà đã lại là người khách trong thuyền. Non xanh đôi giải liền-liền, bâng-khuâng tiễn khách băng miền dặm xa. Khi ấy chàng cũng chẳng buồn chi về nỗi phải biệt nhà ra đi, chỉ những mong gió tiên thổi nhẹ cánh thuyền, đưa mình chong-chóng tới miền bồng-lai mà thôi vậy. Mây xanh nước biếc, cỏ lục hoa hồng, đều là những cái tài-liệu rất tốt cho các nhà làm thơ, song Mộng-Hà trông ra thì đều là những cảnh não người, tâm-sự ngổn-ngang, chính cũng tựa như muôn đợt núi non trồng-chập nhấp-nhô ở trước mắt, phỏng còn bụng nào mà nghĩ đến sự ngâm đề. Đáng giận thay trời nọ chêu người, sao chẳng cho thuận gió, xuôi buồm, luống để con thuyền những trì-trì chậm tiến, Mộng-Hà sốt lòng sốt ruột, bứt đầu bứt tai, thỉnh-thoảng lại ngó cố ra ngoài, dục-dã lái thuyền, tựa-hồ bụng nghĩ nếu lỡ ngày nay không tới nơi thì e cái ác-ma kia sẽ lại buông giảo-kế thế nào, một đóa hoa lê, chịu sao nổi đòi cơn mưa gió!

Bóng ác về non, thuyền lan tới bến. Mộng-Hà bước chân lên bờ, thần-hồn phấp-phỏng nghĩ không biết lúc mình đến nơi thì ở đây chừng đã diễn ra những tấn thảm-kịch như thế nào. Xăm-xăm bước tới cửa ngoài, nhưng lại dùng-dằng không dám tiến, một lát nữa thì bầu trời đã buông xuống một bức màn đen. Đêm lạnh sương sa, không thể cứ đứng ngoài cổng mãi, bèn đánh liều mà bước vào. Bằng-lang đương ở trong sân xếp những hòn gạch làm trò chơi, thấy chàng đến liền chạy ra đón mà reo rằng: « A thầy đã sang! Thầy về có việc gì mà vội-vàng quá, khi về không nói cho biết làm cho cả nhà con đều mong mỏi mắt. » Mộng-Hà không trả lời, kéo ngay Bằng-lang vào phòng đường-đột hỏi rằng: « Mợ con có được bình yên không? » Bằng-lang nói: « Sau khi thầy về