Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 12 —

thấy đâu nữa, chỉ còn thấy gió lạnh hắt-hiu, trăng khuya chênh-chếch, đêm đã chừng đến nửa canh ba. Hữu tình ta lại gặp ta, hương còn thơm nức người đà vắng tanh! Không sao được nữa, chàng bèn lại lên giường nằm ngủ. Đêm hôm ấy có ngủ yên được hay không thì Mộng-Hà không bảo người chép truyện, nhưng cứ lấy ý riêng mà đoán thì ta cũng nên vì chàng mà ngâm 3 chương trong bài thơ Quan-thư.

Lạ thay! Người con gái đến đây làm gì? Người con gái vì sao mà khóc? Khóc sao lại thảm thương đến thế? Khóc hoa chăng? Khóc mồ chăng? Hay còn khóc về nỗi riêng gì chăng? Ta chắc nàng cũng cùng một phường bạc mệnh như hoa lê, cũng chung một thói si tình như Mộng-Hà, khóc đó là mượn cớ khóc hoa, kỳ thực là để khóc mình đấy. Than ôi, Mộng-Hà may lắm! mênh mang vũ trụ, còn có người chung lòng và góp lệ đó dư? Ví không duyên nợ ba sinh, làm chi đem sóng khuynh thành chêu ai? Cuộc gặp gỡ đêm nay, chính là bắt đầu bước vào một giấc mộng-tình của Mộng-Hà đó.

Duyệt-giả có biết người con gái ấy là ai không? Người con gái ấy không phải là hồn của hoa lê mà là ảnh của hoa lê đấy. Người con gái bạc-mệnh này với chàng Mộng-Hà đa-tình kia đều là chủ-nhân trong truyện này; muốn biết lai-lịch của người con gái thế nào, trước hãy nên biết tung-tích của Mộng-Hà đã.

Mộng-Hà họ Hà tên Bằng, biệt hiệu là Thanh-lăng hận-nhân, quê ở Thái-hồ tỉnh Giang-tô. Khi sinh ra, người mẹ nhân chiêm bao thấy một đám mây ngũ sắc từ trên trời sa xuống, vì vậy lấy tên tự là Mộng-Hà. Chàng vốn con nhà gia-thế, người cha trước là một nhà nho hay chữ ở trong vùng, sinh được một gái và hai trai, con trai lớn là Kiếm-Thanh, thứ tức là Mộng-Hà đó. Mộng-Hà vì khi sinh có mộng lạ, cha mẹ càng yêu dấu lắm. Mấy người con như hoa tựa ngọc, ai cũng đều háo-hức ngợi khen. Mộng-Hà lúc nhỏ, mặt mày đẹp-đẽ, tư chất thông-minh, cắp sách theo anh, lui tới cửa thầy, bé đã nổi tiếng là thần-đồng, lớn lại nức danh là tài-tử. Người cha thường trông Mộng-Hà mừng mà nói rằng: « Tuổi già được đứa con hay, sự vui thú ở nhân-gian còn gì hơn là thế nữa! » Người cha vốn