Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 13 —

không thích về đường giầu sang, vả nghĩ Mộng-Hà là kẻ có thiên tài, không muốn cho học đòi lối văn cử nghiệp để lạc-lõng vào vòng danh lợi. Mông-Hà nhân thế càng được chuyên tâm học tập về thơ văn sử sách, lại xem rộng cả đến các truyện giã-sử truyền-kỳ, cõi lòng ngày càng rộng mở.

Trong các thứ truyện thì chàng ham xem nhất là truyện « Hồng-lâu-mộng », đầu giường bên án, không lúc nào dời. Kiếp xưa nặng nợ làm sao, mầm tình sớm dấm, tuổi trẻ hay sầu quá đỗi, cỗi phúc mong chi! Xưa nay con người ta, tài lắm ắt tình sâu, tình nhiều thì sầu nặng. Quyển Hồng-lâu-mộng kia, là ngòi bút khoe tài, vở truyện tả tình, và tập văn gây sầu gợi cảm. Mộng-Hà vốn là người có tài, người có tình, cũng là người nhiều sầu lắm cảm, vì vậy mỗi khi mở đến quyển truyện ấy lại vì người xưa mà lo tính, vì khách tình mà thở-than. Oanh xuân cuốc hạ, gió sớm trăng chiều, vì một mối duyên hờn phận tủi của Lâm-tần-Khanh mà chàng phao-phí đã không biết bao nhiêu hàng lệ. Nhất là xem đến đoạn Tần-Khanh chôn hoa để gửi giận, đốt thơ để dứt tình, chàng lại càng nặng lòng xót thương là một người có tài có tình mà vì sao số phận mỏng-manh đến thế! Có lúc chàng nghĩ vơ nghĩ vẩn, lại ước ao cho đời mình cũng được gặp gỡ một người như Tần-Khanh. Án sách ngồi nhàn, chàng lại lấy những người trong truyện, trên từ Sử-thái-Quân, dưới đến Lã-đại-Thư, tóm-tắt sự tích của từng người mà vịnh cho mỗi người một bài thơ, đều những lời nhả gấm phun châu, ai xem cũng lấy làm thích. Có một người bạn đã nói rằng: « Tu mấy kiếp mới làm được Giả-bảo-Ngọc chứ! Thế nhưng anh đã ao ước thì khéo chẳng lại lạc vào vườn Đại-Quan mà chịu đủ mọi điều khổ não cho mà coi. » Mộng-Hà biết là câu nói diễu mình, chỉ cười không nói gì. Than ôi! câu nói bỡn của người bạn kia, ai hay sau đó vài năm mà quả đã thành ra sự thực. Một tờ nhuốm lệ, đã đưa ai vào chốn tình-trường.

Mười năm đèn sách, một hội gió mây, Mộng-Hà tuy không thiết về đường công-danh, nhưng cũng từng hai lần đi thi sơ-học mà đều không đỗ. Trong lòng bấm-bức, chỉ những bắt chước Giả-trường-Sa mà thở ngắn than dài. Gặp khi cõi học đổi mới, bọn học-sinh thanh-niên phần nhiều bỏ học cũ mà ganh-gổ nhau