Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/149

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 147 —

lại chỉ mong sao cho chậm trễ đừng về chi vội. Không phải là tình ý Mộng-Hà đối đãi tri-kỷ so với trước đã sinh lạt-lẽo mà không muốn cùng trông thấy mặt, chỉ vì Thạch-Si trở về sẽ có quan-hệ rất lớn cho cái người bạc-mệnh Quân-Thiến, sẽ sắp sửa có việc lấy khách ngoài bể làm người trên băng, mối duyên còn lủng-liểng bung-bêng từ đấy sẽ thành cái án sắt không ai di-dịch được.

Tôi viết đến đây biết duyệt-giả tất có điều nghi-hoặc. Nghi-hoặc rằng chẳng hay cái thái-độ của Mộng-Hà đối với việc hôn-nhân ấy thế nào, muốn hay là không muốn? Nếu muốn ra thì đôi lòng thuận nhau, toát hợp rất dễ, may băng-nhân đã tự đến, thời lương-duyên càng chóng thành, sớm vừa vịnh khúc Hảo-cầu, chiều sẽ xem hào Quy-muội, cắt đứt mối tình riêng vướng-vít, mà cùng Quân-Thiến chính thức kết hôn, há chẳng phải là việc rất tốt lắm ư? can gì phải làm cao giả cách? Nếu mà không muốn thì kết-hôn tự-do, dẫu cha mẹ cũng không thể cấm-chế được, Lê-nương là người nào mà lại dùng được cái thủ-đoạn cưỡng-bách đối với Mộng-Hà? Bằng lòng hay không là quyền ở mình, mình cứ việc cự-tuyệt phăng đi, can gì lại làm cái lối du-di, nhu-nhược, hai phải ập-ờ, đã không dời hẳn được Lê-nương, lại không rứt phăng được Quân-Thiến, họp sắt chín châu mà đúc nên một cái lầm lớn, u-tối thay là Mộng-Hà kia! Hoặc-giả chàng có cái ý-tưởng một phát tên bắn cả đôi chim, chực lừa dối con côi mẹ góa người ta, để cầu lấy cái hạnh-phúc cho một mình mình cũng chưa biết chừng. Nếu vậy thì cái nhân cách của chàng cũng đê-liệt quá. Câu ấy giá đem chất-vấn chắc chàng cũng đớ miệng không biết trả lời làm sao. Thế nhưng người ta thường nói rằng: « Kẻ trong cuộc hay mê, người ngoài vòng dễ tỉnh »; huống chi việc đó lại thuộc về ái-tình tác dụng, nó có cái ma-lực rất lớn, đủ làm cho người ta phải mất cả cái quyền tự-chủ của mình. Mộng-Hà quyến-luyến với Lê-nương không phải không biết là sự không nên, nhưng vì cái tình nó chung đúc vào không thể mà cấm chế đi được. Ngay nói như Lê-nương thì cũng có phải đâu là không như thế. Lê-nương vì không rứt được Mộng-Hà, cho nên cố muốn khuôn xếp việc hôn-nhân, Mộng-Hà vì không quên được Lê-nương, nên cũng không muốn cự tuyệt việc hôn-nhân. Chỉ vì