Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/192

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 190 —

Quân-Thiến, sống chết theo nhau như Mộng-Hà, mà nào đã biết rõ hết đâu! Ngậm hờn nuốt tủi, khôn tỏ nguồn cơn ấy, cái chết của nàng sở-dĩ thảm là như thế. Sau khi nàng chết, cả nhà đều khóc; nhất là Quân-Thiến lăn-lộn kêu gào mà rằng: « Chị ơi, chị bỏ em mà đi thật ư? Thân em ở đời là một cái thân lênh-đênh, từ nay lấy ai là người lại yêu thương em như là chị nữa? Trời kia vô tình nỡ cướp người chị thân yêu của tôi mà đem đi, để lại một tấm thân bạc-mệnh như bông hoa trôi giạt giữa dòng, còn ai là kẻ đoái người thương, như vậy tài nào tôi không đến phải theo chị tôi mà chết nốt! Chị hỡi có hay, trong vùng cỏ áy bóng tà, đừng lo tịch-mịch, chẳng bao lâu sẽ có người theo chị mà về làm bầu-bạn ở chốn dạ-đài. » Vừa khóc vừa kêu, nước mắt rơi xuống bên chăn đã thành một cái suối nhỏ. Sức đã kiệt, tiếng đã khản mà tấm lòng đau xót vẫn không bớt được chút nào. Nàng với Lê-nương là tình em chồng chị dâu, không phải là máu mủ cùng nhau, không phải là ân nghĩa gì lắm, nay Lê-nương chết mà nàng khóc thương đến thế, dẫu đối với chị em ruột thịt cũng không thấy người được như vậy, đó là một điều mà các người bàng quan không hiểu ra sao? Nghĩ như cái nhan sắc của Lê-nương, cái tài điệu của Lê-nương, cái số mệnh của Lê-nương, nếu những người không phải tâm can là sắt là gang thì ai chẳng phải xót phải thương, phải buồn phải tiếc; huống chi ngày thường lại đoan-trang hiền-thục dún-dín như gái chưa chồng, từ-thiện như Phật Bồ-Tát, bỗng chốc cành tiên sớm héo, còn để lại chút con thơ dại, người như thế ấy thì khi mất muốn được năm mười giọt lệ của mọi người quen biết cũng chẳng khó gì. Song cảm tình có dầy mỏng thì thương xót cũng có nông sâu. Người khác khóc Lê-nương chẳng qua là mối thương thảm do ở sự xúc-cảm nhất thời, như đám mây nổi bay ở từng không, hễ bay khỏi thì không còn dấu vết gì nữa; bởi vì không cảm sâu cho nên không đau sâu vậy. Chứ như Quân-Thiến khóc Lê-nương thì khác hẳn với mọi người khác. Cái đau xót của Quân-Thiến như đâm vào lòng, như xiên vào cốt; nếu chẳng Lê-nương sống lại, đau biết bao thôi, họa là Quân-Thiến chết đi, đau may mới hết. Quân-Thiến đối với Lê-nương cớ sao