Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 18 —

nợ-nần vương-víu. Mộng-Hà không đến, khối sầu của Lê-nương đã nặng, Mộng-Hà mà đến, mối hận của Lê-nương càng dài.

Vạt áo lệ xưa, phòng văn tiếng mới. Mộng-Hà từ khi ngụ ở nhà họ Thôi, ngày thì hai buổi đi về, tối lại một mình thức ngủ. Ngày nay may có thằng bé con của Lê-nương tuổi trẻ thơ ngây, tính trời sáng suốt, ê-a lúc học, cười khóc khi đùa, đầu án dưới đèn, cũng đủ giải buồn cho Mộng-Hà đôi chút. Mà Mộng-Hà nghĩ nó là một đứa trẻ mồ-côi bố, lại càng bù trì yêu dấu, dù gặp những lúc trong lòng sầu-não mà thấy nó đến, cũng đổi khóc làm cười, đổi sầu làm tươi, chưa từng lúc nào lấy lời nặng vẻ nghiêm mà làm cho kinh động cái quả mật non nớt của nó. Đó cũng là xuất ở tính trời nhân-ái hiền-hòa như thế, cũng không phải riêng vì đứa trẻ họ Thôi mà thay đổi tâm trường. Đứa trẻ tên là Bằng-lang; Mộng-Hà đặt tên tự cho là Tiêu-Sử, ý mong cho nó sau này được tung hoành muôn dặm, bay liệng chín mây. Bằng-lang mới học mà mỗi buổi đã học được đến vài chục chữ, Mộng-Hà thấy nó sáng dạ khác với mọi đứa trẻ thường, càng yêu dấu lắm, ấp ôm hôn hít, vừa là ông thầy tốt mà lại vừa là bà mẹ hiền. Bằng-lang thì đương độ ngây thơ, thấy Mộng-Hà yêu thì ra chiều quấn-quít với Mộng-Hà, không có ý sợ hãi gì cả. Ngày xưa Vi-Trang có câu thơ: « Dưới liễu ngày vui khom cật ngựa, bên đèn tối bỡn cưỡi lưng thầy » thật đã khéo tả được cái cảnh thầy trò Bằng-lang.

Tuổi xanh sớm góa, được chút con côi, Lê-nương yêu báu Bằng-lang thế nào, ta có thể tưởng-tượng mà biết. Khi Mộng-Hà đến, Thôi-ông bảo với Lê-nương định đem Bằng-lang nhờ Mộng-Hà dạy học, Lê-nương không dám trái ý, nhưng trong lòng rất lấy làm lo. Lo rằng Bằng-lang ham chơi sợ học, quen tính dông dài, Mộng-Hà nếu lại có nết nóng nẩy, tính trẻ không tường, hơi một tý thì dùng đến ngọn vụt đầu roi để cưỡng ép lấy sự học hành, thì há chẳng cũng khổ thân cho con ta lắm! Lê-nương lấy ý riêng mà đoán phỏng Mộng-Hà như thế, hay đâu Mộng-Hà ra ngoài ý đoán của Lê-nương mà lại làm cho Lê-nương được yên úy bội phần. Mỗi buổi tối Bằng-lang ra đàng nhà học, Lê-nương lại ngồi thom-thỏm một mình, trong lòng phấp-phỏng không yên, mật sai con thị-tỳ đến đứng ngoài song