Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/217

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 215 —

càng thương hại quá! Từ sau khi Lê, Quân hai người nối nhau mà mất thì ông cụ ấy cảnh già buồn ngắt, không sao chịu nổi, chẳng bao lâu cũng nhuốm bệnh mà qua đời. Nhà ông ấy họ hàng không có ai, sau khi ông mất, cửa nhà không có người chủ trì, duy có một nhà họ ngoại là Mỗ-thị ở tận vùng xa nghe được tin buồn đến thăm, do mọi người bàn tính đem Bằng-lang gửi nuôi ở nhà Mỗ-thị, gia-sản cũng ủy Mỗ-thị quản-lý hộ, đợi khi Bằng-lang lớn lên lấy vợ sẽ lại trở về mà dựng lại môn đình. Bàn tính đã quyết, Mỗ-thị bèn đem Bằng-lang đi, còn cửa nhà thì thuê hai người đầy tớ ở đó trông coi, may cũng chưa đến nỗi biến thành bãi cỏ. Trong khoảng vài năm, một nhà tàn hủy, trong làng tôi thực chưa có nhà nào mà chết-chóc thảm thương suy bại mau chóng đến như thế. Tưởng anh nghe chuyện cũng không khỏi sinh ra một mối cảm tang-thương. Tôi ngậm-ngùi mà rằng: « Hay dở không thường, thịnh suy có vận, vần đi xoay lại, lý vốn tất nhiên. Người ở hiền lành, trời nào phụ bạc. Nhà họ Thôi còn một đứa trẻ đó, bất quá chỉ độ mười năm nữa thì cái nghiệp trung-hưng của Thiếu-Khang nhà Hạ sẽ thành. » Thạch-Si gật đầu rồi lại bảo tôi rằng: « Anh đã đến đây, vậy có muốn qua thăm cái di-tích chôn hoa của Mộng-Hà không? Tôi sẽ đưa anh đi ». Tôi nói: « Điều đó tôi rất muốn lắm; may ra đến đấy hoặc có tìm được chút hương thừa phấn vãi gì nữa để tô điểm thêm cho đoạn cuối của cuốn truyện ấy thì còn gì hay bằng ».

Mấy trùm liễu úa, một khúc ngòi trong, nhà cũ vài gian, cổng ngăn khóa kín. Bấy giờ vào tiết mạnh-đông, trăm hoa chết lụi, một phiến đất hoang rậm nhớp mắt, quang-cảnh rất là tịch-mịch thê-lương. Thạch-Si bảo tôi rằng: « Đó chính là nhà cũ của họ Thôi đó. Khi Mộng-Hà còn ngụ ở đây, tôi thường đến chơi luôn, nhưng đã tuyệt-tích hơn một năm nay không đến. Cái nhà phía sau kia tức là chỗ người coi nhà ở đấy. Còn đàng cửa trước thì lâu nay đã giao cho ông tướng sắt (khóa) canh giữ, không ai qua lại, chắc là đã mọc cỏ lên rồi ». Vừa đi vừa nói chuyện, chợt đã đến cổng, Thạch-Si dơ tay gõ cổng thình-thình, lúc lâu thấy một mụ già ra mở cổng. Mụ già ấy trông thấy chúng tôi mắt nhìn tròng-trọc không nói gì cả, tựa như rất ngạc-nhiên là khách lạ đột-ngột đến chơi. Kế mới hỏi rằng: « Khách đến chơi có việc gì? Có phải định vào thăm ông chủ cũ họ Thôi chăng? Tiếc rằng khách