Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/23

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 21 —

vơ đất khách, đường cùng trời tối, quán vắng đèn mờ, chiếc bóng lơ-trơ, không ai thân-thiết, cảnh ấy còn buồn nào hơn nữa! Cành tầm-gửi trên cây trơ-chỏng, không ai tưới-tắm, không đến nỗi héo rễ khô dây mà chết chỉ là sự hú-họa mà thôi. Than ôi! Bốn phương non nước quê người, tấm thân trôi giạt ấy đời không may! Ba xuân giọt lệ vơi đầy, đèn mờ quán vắng canh chầy một ai. Lấy ai kẻ đoái người hoài, đói no ấm lạnh ai người hỏi-han. Ấy phàm những người bước chân ra ngoài ai là không phải nếm trải cái huống-vị ấy! Duy Mộng-Hà ký-ngụ tại Dung-Hồ thì được hưởng sự may-mắn đặc-biệt, chủ-nhân trọng-đãi, không còn thấy khó chịu điều gì, hầu quên đấy không phải là nơi đất khách. Ngày thì có Thôi-ông ra vào trò-chuyện, tối lại có Bằng-lang lui tới bạn-bầu, áo bẩn giặt-rũ có vú già, nhà rác quét quáy có thằng nhỏ. Đến như sự ăn uống được sạch-sẽ, hầu hạ được tươm-tất thì ngay khi ở nhà cũng khó được bằng. Sự đối đãi Mộng-Hà mà được trọng-hậu tử-tế như thế, đều là do ở Lê-nương. Mộng-Hà biết thế, Mộng-Hà được thế, lại càng cố đem hết tâm lực dạy bảo Bằng-lang; gián-hoặc có lúc chàng lại đem cái ý cảm-tạ tấm lòng Lê-nương mà nói tỏ cho Bằng-lang biết. Bằng-lang là trẻ con, tính hay bẻo-lẻo, mỗi buổi học nghe được thầy nói câu gì, xuống nhà cũng đều kể lại cho mẹ nghe. Vì thế mà kẻ trong gác gấm, người chốn phòng văn, tuy chưa từng đôi mặt một lời, mà sớm đã tâm đầu ý hợp.

Mộng-Hà sớm đến nhà trường, tối về phòng trọ, hằng ngày như thế, bảy ngày mới lại có một ngày chủ-nhật nghỉ ngơi. Hôm chàng chôn hoa chính là ngày chủ-nhật, nên chàng mới được xuốt ngày đủng-đỉnh mà làm một việc không đâu, tình-cờ đêm ấy được gặp mặt Lê-nương, thật là cơ trời run-rủi. Trong khi Lê-nương lén bước đến gốc cây lê, chính là lúc người vắng trăng khuya, bốn bề im-lặng, nàng yên chí là Mộng-Hà tất đã ngủ rồi. Hoa rơi muốn nhặt, gốc sạch như lau. Lù-lù một nấm mai-hương, chưa khô vầng đất, sừng-sực mảnh bia trụy-lệ, mới khắc lời văn. Bấy giờ Lê-nương, muốn vì hoa viếng chăng? Nhưng nghĩ thân mình bạc-mệnh lại quá như hoa, tự viếng không rồi, còn viếng gì ai nữa! Hoa kia gặp được Mộng-Hà là người đa tình, lúc nở được có người trông nom, khi rụng được có người đắp-điếm, lấy Lê-nương mà so với hoa ấy, thì hoa kia còn may-mắn hơn nhiều.