Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/39

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 37 —

VII — Lần giở tờ mây dưới ngọn đèn,
          Rằng tài nên trọng dạ nên khen;
          Thương cho kiếp trước mình tu vụng,
          Trong sổ trăng già thiếu họ tên.

VIII — Tơ lòng bối-rối gỡ không ra,
           Lạnh ngắt hơi sương lọt thấu da;
           Mù-mịt phương trời mưa lách-tách,
           Mình ai ngồi nhẫn suốt canh tà.

Mộng-Hà viết xong lại lấy một mảnh giấy mùi xanh nhợt viết một bức thư ngắn, phong bì cẩn-thận, rồi giao cho Bằng-lang đem xuống nhà. Thư rằng:

« Đã gửi tờ hoa, lại ban lời ngọc, dòng chen vẻ gấm, chữ ngát mùi hương; tài-tử phong-lưu, xem đó đủ biết một phần; mà cái tình u-uất buồn rầu thường lưu lộ ra ở hàng chữ câu văn, bà chị thật là một người sầu vậy. Mộng-Hà phong-trần lận-đận hồ-hải linh-đinh, chìm nổi một đời, nào ai tri-kỷ? lòng hoài-hận khác gì Đỗ-Mục, tài văn-chương thẹn kém Giang-Yêm; kính đọc bài từ, cảm sầu vô hạn; tám bài góp lệ, đài gương rạng soi. »

Thư phong một bức, chữ thảo mấy hàng, phòng-văn kết mối nghĩa lan vàng, trướng gấm nối dây duyên hãn-mặc. Từ đó về sau, ngòi bút mảnh giấy, thường vì hai người mà hết sức bôn tẩu, tuy ít có khi họp mặt, vẫn không rứt nẻo tương-tư, cùng nhau khi xướng họa thơ từ, lúc đổi trao tình-ý, mà giấy má đi lại, đều nhờ ở Bằng-lang làm sứ chim xanh. Thước nào đo hết thơ tình, kéo nào cắt mối tơ mành cho ra. Miệt mài trong cuộc ngâm-nga, sầu riêng may cũng tiêu ma mấy phần. Ngày đi đêm lại lần-lần, tiết trời đã báo qua xuân sang hè.

Mộng-Hà từ khi sang Dung-hồ đến bấy giờ đã hơn một tháng. Bên trời chiếc bóng, ai kẻ thân tình? May được một người bạn gái, xướng họa thơ từ, cũng được đỡ nỗi buồn rầu trong cơn đất khách. Ngoài ra chàng lại mới kết giao với một người bạn trai nữa, cảnh-ngộ tuy khác, nhưng tính-tình thì giống như nhau. Tương-tri đất lạ, há phải dễ đâu, đường bụi nghiêng ô, song tây nối sáp, chàng vẫn tự bảo là ba sinh thực cũng duyên trời. Người ấy họ Tần, tên Tâm, tự là Thạch-Si, tức là người sáng lập ra nhà trường