Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/46

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 44 —

bèo dạt; thương tâm một buổi, mái tóc hoa râm; lữa-lần đất khách bấy lâu, thân sao nặng nợ; lận-đận bên trời chạy khắp, ai kẻ biết mình. Chàng tiễn bạn đi vẫn lấy không được cùng đi với bạn làm buồn, đọc thơ tặng biệt của chàng, đủ biết chàng thương tâm vô hạn. Cho nên trong lúc tiễn đưa, lòng còn cố nén; sau khi cách biệt, ruột mới rối bời. Thạch-Si đi rồi, nước non nghìn dặm, tấm lòng của Mộng-Hà, chàng có biết đâu; biết chăng duy có Lê-nương, biết mà yên-úy cho được, cũng duy có Lê-nương.

Mộng-Hà cùng Thạch-Si uống rượu tiễn biệt đêm ấy không về, Lê-nương ở nhà thấy thế không hiểu ra sao, ngày hôm sau hỏi thằng nhỏ mới biết duyên cớ. Nàng vốn ở trong chỗ then cài cửa đóng, song cũng từng nghe tiếng Thạch-Si, biết người ấy phẩm-hạnh học-vấn có bề suýt-soát với Mộng-Hà. Tuy nhiên nói về tính-tình thuần-hậu, khí-khái ngang-tàng thì Mộng-Hà còn có phần hơn chàng một bậc. Vậy mà số mệnh tốt xấu, cảnh-ngộ thuận nghịch, hai người lại khác nhau xa, người thì bay liệng bốn phương, người thì nằm tròn một xó, chẳng cũng đáng thương cho Mộng-Hà lắm ư! Tối hôm ấy Lê-nương viết một bức thư đưa cho Mộng-Hà, trong thư khuyên chàng nên bỏ nghệ gõ đầu, tìm đường cất cánh: « ...Lấy như cái tài của anh, sao không chịu đi đua ganh học tập, chịu tốn công vài năm thì về sau thân danh mới được vinh hiển. » Lại còn có mấy câu nói: « Nếu số tiền lộ-phí học-phí mà có thiếu-thốn thì sẽ xin hết sức tìm cách giúp đỡ. » Mộng-Hà được thư rất là cảm động. Tương-tri như Thạch-Si cũng chưa từng có một lời nào để yên-úy cho nhau, vậy mà một người con gái yếu-ớt trong chỗ khuê-phòng, lại có bụng liên tài muốn giúp tiền học-phí; cái tuệ-tâm hiệp-cốt ấy thực khiến cho mình phải cảm-phục vô cùng. Mộng-Hà đọc xong bức thư của Lê-nương, bất-giác vì cảm quá mà phải khóc, trong lòng bực-rọc, trăm mối ngổng-ngang. Lúc lâu chợt đập án đứng dậy mà rằng: « Trời ơi, cái thân Mộng-Hà bạc-mệnh này đã phụ bạn là Lê-nương nhiều lắm! Lê-nương yêu ta mà viết bức thư ấy, ta há nên không phúc đáp ư? » Trong lòng rối loạn, không kịp chọn lời, liền thảo ngay bốn bài thơ tứ-tuyệt vào cuối bức thư của nàng mà đưa cho Bằng-lang cầm xuống.