Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/79

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 77 —

chứ giá lại mưa tuôn sầm-sập tiếng mưa gieo trên lá ba-tiêu nhặt-khoan thánh-thót, đưa vào tai người ốm, thì « Ba-tiêu ngoài cửa người trong cửa, một giọt mưa sa một giọt sầu », tình-cảnh ấy lại càng thê-thảm biết bao nhiêu!

Lê-nương vì cảm lòng Mộng-Hà mà thành ốm. Lời thề của chàng chính là cái ngòi bệnh cho nàng. Song nàng ốm lại còn có một nguyên-nhân khác nữa. Người xưa có câu: « Lo làm hại người, nhọc làm ra bệnh ». Lo với nhọc chỉ có một cái cũng đủ phải ốm người. Nàng bị chàng giầy-vò, thương tâm kể đã là đến mực. Song nàng gần đây lo buồn dẫu lắm, mệt nhọc cũng nhiều, trước thì vì nhọc mà bệnh đã gây dừng, sau vì lo mà bệnh càng tăng-tiến. Nguyên nàng làm nghề tàm-tang, kể cũng phát-đạt, mỗi đến khoảng cuối xuân đầu hạ, ngọn lúa vàng hoe, cành dâu xanh biếc, người hái dâu lất-phất đầy đồng. Sau nhà họ Thôi cũng có mấy mẫu ruộng dâu, trong nhà cùng làm nghề chăn tằm, do Lê-nương giữ phần việc ấy. Nàng vốn không phải một người đàn bà khỏe mạnh, việc cắp rổ hái dâu tuy đều thuê mướn, nhưng việc cúng thần tằm, dọn nhà tằm, ngày sang nong, đêm rắc lá, khi nóng bức phải quạt, lúc ẩm lạnh phải xông, săn-sóc chăm nom bận-rộn chẳng khác gì chăn nuôi con đỏ. Mỗi khi tằm ăn dỗi, nàng phải vất-vả vì tằm suốt đêm không ngủ, sau ba ngày tằm chín được bắt nên né không biết là đã hao-tổn biết bao tâm huyết vào đấy mới được trông thấy cái tổ kén vàng. Tằm ngủ người chưa ngủ, tằm già người cũng già, mà bức thư của chàng đưa trao lại đúng vào dịp ấy. Cái lo với cái nhọc hai đàng giao chiến, một tấm thân yếu-ớt chịu đựng như thế, nàng dù muốn không ốm dễ mà được sao!

Dử bệnh sẵn mồi, đuổi sầu hết phép; chiếc thân trơ-trọi, trăm mối ngổn-ngang, tình-cảnh nàng ốm ngày nay, lại còn khổ hơn chàng bữa nọ. Lạ gì con gái hay sầu, khách tình lắm cảm, buồng lan chiếc bóng, chân không dời khỏi nhà một bước; rèm lan cửa giấy, buồn-bã nhiều bề, gió mát trăng trong, lữa-lần bỏ phí, chân tay cất nhắc, đã mất tự-do, tình-cảm âm-thầm, càng mau phát-đạt. Giá những lúc thường mạnh-khỏe, thì ngày vắng thêu hoa, đêm dài đọc sách, còn được có lúc mà khuây-khỏa nỗi sầu. Nhất-đán bệnh-ma kéo đến, buồng vắng nằm rên, thôi thì giọt