Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/88

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 86 —

chốc, nỗi đau-xót cũng chẳng kém gì Lê-nương. Cảnh nhà cơ khổ, thân-thế lênh-đênh, âu cũng cùng phường mệnh-bạc. Từ đấy hai người càng quấn-quít thân yêu nhau lắm, bạn-bầu hôm sớm, hầu như không thể dời nhau ra được một ngày. Ngày thường tuy có những bà con họ ngoại, chị em láng diềng, mộ cái phong-tư tài-điệu của hai người, thường hay dắt-díu đến chơi, trò-chuyện ra bề thân-thiết lắm; song hai người thường tiếp-đãi bằng một cách lạnh-nhạt hững-hờ. Vậy mà họ vẫn quấy rầy, khi thì mời đi hội « Đạp-thanh », lúc lại rủ bày trò « Đố-lá ». Hai người nhân thế sinh chán, tạ tuyệt cả mà không chơi với bọn họ nữa. Chị em thường cười bảo nhau rằng: « Bọn họ đều là tục vật cả. Óc đen như mực, mặt phị tầy mâm, phấn trát son tô, trông mà tởm mắt, ai thừa thì giờ mà chơi-bời với họ » Than ôi! Ngạn-ngữ có câu: « Ngu-si hưởng thái-bình ». Bọn họ ngu tục, nhưng số tốt duyên may, một đời được hưởng cái gia-đình hạnh-phúc. Còn những người không tục nọ, mặt đẹp như hoa, tài thanh như nước, thì lại bị trời già ghen-ghét, ôm hờn trọn kiếp, uống lệ quanh năm; bạc-mệnh nghìn thu, đã thành lệ sẵn. « Vô-duyên thiên-hạ còn nhiều kẻ, há phải riêng gì một Tiểu-Thanh ». Than ôi! Lời Tiểu-Thanh nghiệm lắm thay! Lê-nương với Quân-Thiến cũng cùng phường Tiểu-Thanh cả đấy.

Quân-Thiến tuổi càng lớn lên, người càng xinh đẹp, chiều thanh vẻ lịch, tót bậc trần ai, mà cuối mắt đầu mày, thường lộ ra cái vẻ kiêu-kỳ ngạo-nghễ. Mùa thu năm Mậu-thân (1908), đến học ở trường nữ-học Nga-hồ được cùng các hiền-nữ-sĩ bốn phương giao-thiệp, cõi mắt mở-mang, học-hành tấn-tới, ngày thường bị giam cấm ở trong chỗ then cài cửa đóng, bao những nỗi buồn-rầu bức-tức, bấy giờ đều trút sạch lâng-lâng. Mỗi khi về chơi thường nói chuyện với người nhà rằng: « Cái nữ-giới mù-mịt tối-tăm, ngày nay mới thấy phóng ra năm ba tia sáng. Vậy mà trông quanh các chị em bạn gái vẫn thấy vùi lấp dưới mấy từng ngục tối, không biết bao giờ họ mới giác ngộ ra! Tôi chẳng tiếc gì mà chỉ tiếc thay cho chị Lê. Lấy như cái tư-chất thông-minh, cái tâm-linh sáng-suốt của chị ấy, giá được nghiên cứu về đường tân-học, cùng các chị em thanh-niên