Trang:Ngoc le hon, Ngo Van Trien dich 1930.pdf/91

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 89 —

tiếng người lặng-ngắt. Quái lạ! Mới xa cách trong vài ba tháng, mà cửa nhà đã hưu-quạnh đến thế này ư! Hoặc-giả là mình chiêm-bao chăng? Cổng trở ra trông cái gì cũng thấy vui cười, cổng trở vào trông cái gì cũng thấy rầu-rĩ. Mười phần vui-vẻ, biến làm trăm nỗi ngẩn-ngơ, mối cảm não người, đổi dời chóng quá! Bấy giờ Quân-Thiến như dại như ngây, đứng ngẩn người ra một hồi, rồi lại đi quanh mái hành-lang, không muốn bước vào nhà vội. Thoắt chốc trong nhà có một người đi ra, trông thấy Quân-Thiến liền gọi rằng: « Ơ kìa cô đã về! Để tôi đi báo tin ông biết ». Quân-Thiến trông thì là con Thu. Bèn bước vào nhà thì Bằng-lang cũng chạy ra đón kéo áo Quân-Thiến mà gọi rằng: « A a! Cô đã về! Có mua quà gì cho cháu không? » Quân-Thiến cười mà rằng: « Có có! » Nói rồi liền ôm lấy Bằng-lang vào lòng mà vỗ đầu xoa trán. Lại hỏi rằng: « Mợ cháu đâu? » Bằng-lang buồn-rầu nét mặt mà rằng: « Mợ cháu mệt đã lâu nào đã khỏi đâu! Cô về may lắm! Mợ cháu được cô bầu-bạn làm vui, may ra có thể bớt dần được ». Quân-Thiến nghe nói cả kinh, vội để Bằng-lang đấy chạy lên nhà trên thăm cha rồi xuống ngay phòng bệnh thăm Lê-nương.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA
Thuốc tâm

Mấy tuần kẻ ốm, trăm dặm người về; tạm xếp niềm thương, hãy thăm tình bệnh. Héo-hon mặt võ, còn đâu phong-dạng ngày nào; thoi-thóp hơi tàn, xót nỗi ngọc-ngà thân ấy! Lê-Ảnh từ khi ốm đến nay, ngày cùng ấm thuốc làm duyên, đêm với ngọn đèn kết bạn, màn sầu một bức, giường lạnh nửa khoang, trong phòng duy có Bằng-lang và con Thu sắc thuốc dâng cơm, song cũng lúc đi, lúc đến không thường, không phải được suốt ngày bầu-bạn. Phòng vắng teo-teo, ngày dài giằng-giặc, một mình ê-ẩm, phong-vị những ngờ đâu như chốn dạ-đài. Rèm rủ song cài, bao phen đã vắng-ngắt giọng cười tiếng nói. Quân-Thiến về, Bằng-lang đã chạy vào báo tin cho Lê-nương biết. Một lát Quân-Thiến từ ngoài vào phòng, vén cửa màn lên trông thấy hình-trạng Lê-nương, bất-giác thất kinh, hầu không cầm được nước mắt. Liền