lương-tri, khuếch-nhiên thái-công cùng với Thái-hư đồng một thể. Trong Thái-hư thì vật gì cũng có, mà không có vật nào che lấp được Thái-hư vậy.» (Phụ-lục, III).
La Niệm-am là một người cao-đệ của Dương-minh nói rằng: «Dương-minh tiên-sinh dạy cái lương-tri là gốc ở ba điều của Mạnh-tử: chợt thấy người sa xuống giếng.— đứa trẻ biết yêu biết kính, — sự hiếu ố bình nhật của người ta. Ba điều ấy đều có sẵn trước lúc chưa phát ra, cho nên gọi là lương, cũng như Chu Hối-am gọi lương là cái tự-nhiên vậy. Khi có một điều gì phát-hiện ra mà chưa có thể làm được, thì phải phục ngay lại cái bản-thể, cho nên nói là «truật-dịch 怵 惕», tất là để lấy sự khoáng-sung mà nối theo; nói hiếu ố, tất là để lấy sự trưởng-dưỡng mà nối theo; nói sự ái kính, tất là để lấy sự đạt ra thiên-hạ mà nối theo. Cái ý của Mạnh-tử thấy rõ lắm, mà Dương-minh tiên-sinh hiểu được cái ý ấy, cho nên không lấy cái lương-tri làm đủ, mà lại lấy trí-tri làm công-phu.» La Niệm-am giải rõ cái nghĩa chữ lương-tri, là cái thể tự-tại, cái trung chưa phát ra vậy. Cái thể ấy, cái trung ấy, vẫn có sẵn, nhưng cái công-phu của học-giả là cốt ở chữ trí 致; có trí tới cái lương-tri để nối theo mà sung 充, mà dưởng 養, mà đạt 達, thì mới có cái hòa. Đó là điều cốt yếu trong cái thuyết trí-lương-tri.