Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/108

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

106
NHO-GIÁO


Đại để cái thuyết trí-lương-tri là tóm cả cái nghĩa cách-vật, thành-ý vào chữ trí-tri mà vẫn không ra ngoài cái tôn-chỉ tri-hành-hợp-nhất và theo được đúng cái lý nhất dĩ quán chi của Khổng-học vậy.

Cái tôn-chỉ trí-lương-tri.— Dương-minh về đinh gian, nghỉ ở nhà dạy học non sáu năm, phát huy ra cái thuyết trí-lương-tri. Sau triều-đình lại cử ông đi làm tổng-đốc Lưỡng-Quảng để dẹp giặc ở châu Tư-điền. Khi ông sắp đi, hai người cao-đệ của ông là Tiền Đức-hồng và Vương Kỳ bàn cái tôn-chỉ về cái học trí-lương-tri. Tiền Đức-hồng nhắc lại lời dạy của Dương-minh rằng: « Vô thiện vô ác là cái thể của tâm, có thiện có ác là sự động của ý, biết thiện biết ác là lương-tri, làm thiện bỏ ác là cách-vật.» — Vương Kỳ nói rằng: « Lời ấy sợ chưa phải là lời cứu-cánh.» — Đức-hồng hỏi rằng: « Tại sao?» — Vương Kỳ nói: « Nếu nói tâm-thể là vô thiện vô ác, thì ý cũng vô thiện vô ác, tri cũng vô thiện vô ác, vật cũng vô thiện vô ác; nếu ý nói có thiện có ác, thì rút lại là tâm-thể vẫn có thiện có ác.» — Đức-hồng nói: « Tâm-thể là thiên-mạnh chi tính, nguyên là vô thiện vô ác, nhưng người ta tập nhiễm đã lâu, trong ý niệm thấy có thiện có ác. Cách-vật, trí-tri, thành-ý, chính-tâm, tu-thân ấy là cái công-phu để phục lại cái tính-thể.