Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/171

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

169
NHO-GIÁO


ấy mà trước sau không hợp với nhau. Duyên do là bởi ông cho cái học của phái Diêu-giang có cái tệ: « Lúc đầu bỏ kiến văn để làm cho sáng cái tâm, cứu-cánh thành ra là dùng cái tâm mà bỏ sự học, cho nên mới lấy Thi, Thư, Lễ, Nhạc làm khinh, mà kẻ sĩ ít có sự thực ngộ, lúc đầu bỏ cả thiện ác để không có ý niệm, cứu-cánh thành ra là dùng cái không mà bỏ sự hành, cho nên mới lấy danh tiết trung nghĩa làm khinh, mà kẻ sĩ ít có sự thực tu. » Ông muốn chữa cái tệ ấy của phái Diêu-giang, cho nên cái tư-tưởng của ông tuy có nhiều chỗ gần giống cái tư-tưởng của Dương-minh, nhưng ông cố làm cho khác đi, thành ra cái học của ông có nhiều điều hãn cách.

Tuy nhiên ông vẫn trọng Dương minh, và thường nói rằng: « Tự xưa đến nay, bậc thánh hiền thành-tựu đều có từng mạch-lạc: Chu Liêm-khê, Trình Minh-đạo cùng với Nhan-tử một mạch; Vương Dương-minh, Lục Tượng-sơn cùng với Mạnh-tử một mạch; Trương Hoành-cừ, Trình Y-xuyên cùng với Tăng-tử một mạch; Trần Bạch-sa, Thiệu Khang-tiết cùng với Tăng Điểm một mạch; Hồ Kính-trai, Ngô Khang-trai cùng với Tử-Hạ một mạch. » Đó thật là ông thấy rõ cái mạch-lạc của các học-phái lớn trong Nho-giáo vậy.