hơn cả là ở Thiền-học, cho nên ông có cái sức tự tín rất mạnh, việc gì cũng lấy chủ-quan làm cốt, chứ không để ý đến những điều khách-quan. Cũng bởi thế mà ông có nhiều sự lầm lỗi, song cũng vì thế mà ông có cái nhân-cách rất đặc-biệt. Còn sự Tây-học của ông, thì xem ra không có gì là tinh thâm, chẳng qua là ông xem những sách Tây dịch ra chữ Tàu, và chỉ biết cái đại khái mà thôi. Song ông nhân đó mà cổ-động bọn hậu-học nên lấy khoa-học làm chỗ thực dụng quan-thiết đến việc tiến-hóa của xã-hội.
Đại để, cái học của Khang Hữu-Vi có nhiều chỗ chưa được thật là thuần túy, cũng có chỗ sai lầm, song tựu trung cũng có nhiều cái tư-tưởng trác tuyệt, chỉ hiềm vì ông nóng về thời vụ. quá thiên về mặt chính-trị, thành ra cái học-thuyết của ông kết-cục không được uyên-thâm. Tuy nhiên, đối với cuộc biến thiên của Nho-giáo và sự cải-cách về đường chính-trị của nước Tàu, ông là một người có công lớn mở đường cho hậu-học vậy.
Lương Khải-Siêu. — Lương Khải-Siêu 梁 啓 超, tự là Trác-như 卓 如, người đất Tân-hội, tỉnh Quảng--đông. Ông thuở nhỏ rất thông-minh, 13 tuổi theo học cái học của họ Đái, họ Đoàn và hai họ Vương. Năm 15 tuổi đỗ cử-nhân, năm 18 tuổi lên Bắc-kinh thi hội