Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/41

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

39
NHO-GIÁO


là sau Tiết Huyên chỉ có ông là người chính hơn cả.

Lâu Lượng.— Lâu Lượng 婁 諒, tự là Khắc-trinh 克 貞, hiệu là Nhất-trai 一 齋, người đất Quảng-tín, tỉnh Giang-tây. Thuở trẻ có chí ở thánh học, sau theo học Ngô Dữ-bật, thi đỗ phó-bảng, làm chức phân giáo ở Thành-đô được ít lâu rồi cáo về dạy học.

Cái học của ông không theo Trình Chu, cho nên bạn đồng-môn của ông là Hồ Cư-nhân chê là ông đem Nho-giáo hãm vào dị-giáo. Ông lấy sự thu cái phóng tâm làm cái cửa vào sự học cư kính, lấy mấy chữ « hà tư hà lự, — vật trợ vật vong » làm cái yếu-chỉ của sự cư kính. Ông cho là đạo ở chỗ nào cũng có, hễ hợp với nghĩa lý mà không có lòng tư. là có thể gọi là đạo được, cho nên ông thường nói: « Ta thấy người khuân gỗ gánh nước mà phải, ấy là đạo đó. » Ông hiểu được đạo dễ-dàng như thế, là nhờ có công-phu nghĩ-ngợi lâu lắm.

Khi Vương Thủ-nhân mới 17 tuổi đến hỏi việc học, có nhiều điều tương hợp lắm. Bởi vậy nho-giả cho cái học của phái Diêu-giang là phát đoan ở đó vậy.