thế cho nên nói tri rồi, sau mới hành, thì hành mới phải. Lại có thứ người mơ-mơ màng-màng những điều viển-vông vơ-vẩn, không chịu đem mình làm việc thiết-thực, ấy là chủy mô ảnh hưởng 揣 摸 影 響, bởi thế cho nên nói hành rồi sau mới tri, thì tri mới thực. Đó là cổ nhân bất-đắc-dĩ nói ra như thế để bổ cái lệch, chữa cái tệ. Nếu khi đã hiểu rõ cái ý ấy, thì chỉ một lời nói là đủ vậy. Nay người ta lại muốn chia tri và hành ra làm hai, tất phải tri rồi sau mới hành, như là phải giảng tập thảo luận để cầu lấy cái tri, chờ cho đến khi thật tri rồi mới hành, cho nên chung thân không hành, mà cũng không tri. Đó là cái bệnh lớn, mà lai lịch không phải mới một ngày thành ra vậy. Ta nay nói tri-hành hợp-nhất, chính là đối bệnh bốc thuốc, và lại không phải là xuyên-tạc bịa-đặt ra đâu. Cái bản-thể của tri hành nguyên nó như thế, nếu khi đã biết rõ cái bản-thể rồi, thì nói ra làm hai cũng không sao, nó vốn là một; nếu không hiểu cái tôn-chỉ, thì nói là một cũng không giúp được việc gì.» (Ngữ-lục, I).
Dương-minh dạy cái thuyết tri-hành hợp-nhất là cốt khiến học-giả tự mình tìm lấy cái bản-thể, để chữa cái bệnh chi-ly quyết-liệt của sự học, cho nên ông nói rằng: « Tri giả hành chi thủy, hành giả tri chi thành. Thánh học chỉ nhất cá công-phu, tri hành bất khả