Trang:Nho giao 2.pdf/124

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

124
NHO-GIÁO


mà cầu đạo, thì phải hư nhất và tĩnh. Phép dùng là: Người sắp cần có đạo thì phải hư tâm, cái tâm đã hư-không thì vào được đạo; người sắp làm đạo thì phải nhất tâm, cái tâm đã chuyên-nhất thì hết được đạo; người sắp nghĩ đến đạo thì phải tĩnh tâm, cái tâm đã tĩnh thì xét rõ mọi lẽ... Hư, nhất và tĩnh, gọi là đại thanh-minh. Vạn vật không có cái gì có hình mà ta không thấy; không có cái gì ta trông thấy mà ta không biện-luận ra; không có cái gì ta biện-luận ra mà lại sai được... Như thế thì sao lại có cái tế-tắc nữa vậy thay ». (Giải tế, XXI)

Tình và dục.— Tuân-tử công kích cái thuyết quả dục và khử-dục. Ông cho rằng tình và dục là tự-nhiên ai cũng có, không thể bớt đi hay là bỏ đi mà không hại được. Thủa ấy các nhà học giả người thì nói việc trị cốt ở sự quả-dục, người thì nói việc trị cốt ở sự khử dục. Tuân-tử bác những thuyết ấy, và nói rằng: « Vậy thì cho cái tình của người ta là không có cái dục: mắt không muốn thấy cái sắc cực đẹp, tai không muốn nghe cái tiếng cực hay, miệng không muốn nếm cái vị cực ngon, mũi không muến ngửi cái hơi cực thơm, hình thể không muốn được cái dật-lạc, tức là đối với năm cái cực ấy, cũng cho là cái tình của người ta, là không muốn hay sao?