Trang:Nho giao 2.pdf/190

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

190
NHO-GIÁO


sự thiết-thực, cho nên các học-giả rất chú-trọng về đường giáo-dục và chính-trị. Giáo-dục là cách dạy người cho biết đạo-lý làm người, mà chính-trị là cách trị người trị nước cho hợp đạo-lý. Tuân-tử theo cái tôn-chỉ ấy, cho nên ông lấy việc chính-trị làm việc hành đạo rất hay.

Đạo hợp-quần của nhân-loại. — Người ta sở dĩ hơn các loài vật là vì biết hợp-quần để lập thành xã-hội, có tôn ti trật-tự, khiến cho thiên-hạ được yên trị. Tuân-tử nói rằng: « Lửa và nước có khí mà không có sinh, cây và cỏ có sinh mà không có biết, muông chim có biết mà không có nghĩa. Người thì có khí, quí nhất trong thiên-hạ. Người ta sức không bằng con trâu, chạy không bằng con ngựa, thế mà con trâu con ngựa đều bị người ta dùng được, là sao? Là tại người ta biết hợp-quần vậy. Người ta lấy cái gì mà hợp-quần được? — Rằng: lấy cái phận trên dưới. Định ra phận trên dưới thì làm thế nào mà có nhân? — Rằng: lấy nghĩa. Lấy nghĩa mà định trên dưới thì hòa, hòa thì hợp làm một, hợp làm một thì có nhiều sức, có nhiều sức thì mạnh, mạnh thì thắng được muôn vật » (Vương-chế, IX).