Trang:Nho giao 2.pdf/73

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

73
NHO-GIÁO


lấy bụng mong lợi mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em, đều bỏ cả nhân nghĩa, chỉ đem cái bụng mong lợi mà tiếp đãi nhau, như thế mà nước không mất là chưa có vậy. Lấy nhân nghĩa mà nói, thì người làm tôi đem lòng nhân nghĩa mà thờ vua. người làm con đem lòng nhân nghĩa mà thờ cha, người làm em đem lòng nhân nghĩa mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em, đều bỏ lợi, chỉ đem lòng nhân nghĩa mà tiếp đãi nhau, như thế mà không trị được thiên-hạ, là chưa có vậy. Vậy thì hà tất phải nói lợi. » (Cáo-tử, hạ).

Ý Mạnh-tử cho là nếu người ta ai cũng nghĩ đến điều lợi mà quên cả nhân nghĩa, thì thành ra người ở đời cứ say đắm vào chỗ lợi lộc riêng của mình, rồi chỉ tìm cách mà phá hại lẫn nhau. Bởi đó mà sinh ra có sự biến-loạn và sự chiến-tranh, làm cho thiên-hạ phải nhiều nỗi lầm than. Rút cục lại, cái lợi tự-tư, tự-lợi ấy, chính là cái hại, chứ không phải là thật lợi. Nhân nghĩa tuy không nói đến lợi, nhưng kỳ thực là cái lợi rất to, vì là người ở với nhau trong xã-hội, ai cũng đem lòng lo cái lợi chung cả đoàn-thể trước cái lợi riêng của mình, thành thử trên hòa dưới thuận, thiên-hạ được hưởng cái hạnh-phúc cả. Cái lợi chung ấy, mới thật là lợi vậy.

Mạnh-tử tuy thừa nhận cái chính-thể quân-chủ, nhưng ông cho thiên-hạ là của chung