Trang:Nho giao 3.pdf/15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

15
NHO-GIÁO


cách của nhân-chúng. Còn các học-phái khác tựu trung cũng có điều khả thủ, nhưng cái chủ-nghĩa, hoặc hoang-đường quá, hoặc lưu-đãng quá, thành ra không có cái cơ-sở vững bền. Xem như phái hiệp-sĩ rất thịnh ở cuối đời Chiến-quốc, tuy có cái đức tốt chống kẻ mạnh, giúp kẻ yếu, nhưng lại ngang-ngạnh hay làm những điều trái phép, thành thử đến khi trong nước đã yên-trị, việc gì cũng có khuôn-phép và trật-tự, thì phái ấy tất phải suy-đồi đi. Phái Hoàng Lão lúc đầu được nhà vua trọng-dụng, nhưng cái tôn-chỉ chủ ở sự thanh-tĩnh vô-vi, không thích-hợp với sự thực ở đời, cho nên khi nhà vua đã không ưa nữa, thì cũng không tiến-hành được. Phái pháp-học thì có phần thiết-thực hơn, nhưng lại chỉ chú-trọng sự công-dụng thiển-cận, ít khi nghĩ đến chỗ sâu xa, thành ra cái lợi tuy có, song không được bền.

Phái Nho-học kể vào quãng cuối đời Chiến-quốc thì đã suy lắm, các học-giả có nhiều người hay câu-nệ về những điều lễ nghĩa hẹp-hòi, và lại có tính nhu-tốn và phiền-phức, cho nên thường bị khinh-bỉ. Tuy nhiên Nho-học vốn có cái chủ-nghĩa rõ-ràng và cái căn-bản vững-vàng, rất lợi cho đời yên-trị, cho nên không những là nhà vua phải trọng-dụng, mà đến chỗ dân-gian ai cũng tôn-sùng. Những người nho-học ai đã có phần sở đắc,